10:34 14/03/2014

Thương hiệu hàng đầu dưới lăng kính truyền thông mạng

Duy Cường

Người dùng Internet đang nhìn nhận thế nào về các thương hiệu lớn tại Việt Nam?

Một biểu đồ thông tin về thương hiệu của ACB tháng gần đây. Màu đỏ là diễn biến “tin tiêu cực”, màu xanh nước biển là “tin trung lập” và màu xanh lá cây là “tin tích cực”.<br>
Một biểu đồ thông tin về thương hiệu của ACB tháng gần đây. Màu đỏ là diễn biến “tin tiêu cực”, màu xanh nước biển là “tin trung lập” và màu xanh lá cây là “tin tích cực”.<br>
Chương trình Thương hiệu mạnh Việt Nam (Thời báo Kinh tế Việt Nam) đã thực hiện một cuộc khảo sát về thương hiệu trên gần 200 đầu báo/trang tin điện tử tổng hợp uy tín và 30 diễn đàn mạng (forum) hàng đầu, với sự cộng tác dữ liệu từ Noti5.vn - website kiểm soát thông tin thương hiệu của Công ty Cổ phần Công nghệ ePi.

Cuộc khảo sát đã đưa ra nhiều kết quả khá thú vị về bức tranh thương hiệu doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay.

Nội dung thông tin trên các tờ báo, trang tin hay diễn đàn mạng viết về thương hiệu doanh nghiệp được phân làm 3 loại: “tin tích cực”, “tin trung lập” và “tin tiêu cực”. VnEconomy xin giới thiệu tới độc giả một số kết quả khảo sát đáng chú ý trong 3 tháng (từ tháng 11/2013 đến tháng 2/2014) về nhận diện thương hiệu một số doanh nghiệp trong 3 nhóm ngành: ngân hàng, bất động sản và thực phẩm - đồ uống.

“Lượng” và “chất” nhà băng


Trong số 23 ngân hàng hàng đầu hiện nay tại Việt Nam, gồm Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank, Techcombank, MB, Sacombank, SeaBank, Tienphongbank, ABBank, MHB, VIB, SCB, SHB, VietABank, PGBank, DongABank, Maritime Bank, OCB, Lienvietpostbank, ACB, HSBC, ANZ, trong 3 tháng (từ ngày 26/11/2013 đến 26/2/2014), có 12.629 tin bài đề cập tới các nhà băng này.

Trong đó, 57,11% là tin bài tích cực, 16,45% là tin bài trung lập và 26,45% tin bài là tiêu cực.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, ACB là nhà băng được truyền thông đưa tin nhiều nhất với 1.363 tin bài chỉ trong 3 tháng, đứng thứ tư; tiếp theo là Techcombank với 669 tin bài.

Trong khi đó, hai ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam là HSBC và ANZ chỉ có lượng tin bài khá khiêm tốn.

Một thống kê khá thú vị: chỉ trong một ngày 14/1/2014, có tới 391 tin bài đề cập tới Vietinbank... Còn ngày 25/2 vừa qua, có tới 132 tờ báo, trang tin điện tử và forum đồng loạt đưa thông tin liên quan tới Vietcombank.

Đấy là “lượng”, còn xét về “chất”, Vietcombank đứng đầu về lượng tin bài tích cực đề cập tới nhà băng này khi có tới 2.076 tin bài. Vietinbank đứng thứ hai với 943 tin bài tích cực, BIDV (782 tin bài tích cực), Agribank (530 tin bài tích cực), Techcombank (452 tin bài tích cực), Sacombank (358 tin bài tích cực)...

Bên cạnh tin bài tích cực, tin bài “trung lập” cũng khá lớn, chủ yếu là các tin tức thông báo chung chung của các ngân hàng. Tuy nhiên, lượng tin bài được xếp vào dạng tiêu cực lại cho những kết quả thú vị. Tuy nhiên, tâm điểm của sự chú ý nằm ở ACB.

Trong số 1.363 tin bài đề cập tới ACB trong 3 tháng (từ tháng 11/2013 đến tháng 2/2014), có tới 568 tin bài tiêu cực, chiếm 41,67% lượng tin bài. Trong khi đó, lượng tin bài tích cực chỉ có 535 tin bài, chiếm 39,25%, tin bài trung tính là 260 tin bài, chiếm 19,08%. ACB là trường hợp duy nhất trong số 23 nhà băng hàng đầu có lượng tin bài tiêu cực nhiều hơn tin bài tích cực trong kỳ so sánh.

Còn xét trong kỳ so sánh 5 tháng từ tháng 8/2013 đến tháng 2/2014, ACB được truyền thông mạng đề cập tới 5.265 tin bài, trong đó 3.074 là tin bài tích cực (chiếm 57,3%), 899 tin bài trung tính (16,76%), và 1.392 tin bài tiêu cực (25,95%).

Nguyên nhân dẫn tới việc ACB có nhiều tin xấu trong giai đoạn 3 tháng từ ngày 26/11/2013-26/2/2014 có thể do trùng với đợt xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, cũng như những thông tin liên quan đến việc khởi tố nhiều cựu lãnh đạo ACB.

Riêng trong ngày 6/1/2014, truyền thông mạng đưa 52 tin bài liên quan đến ACB, trong đó có tới 39 tin bài tiêu cực, 10 tin bài tích cực và chỉ có 3 tin trung lập.

Ở góc độ quản trị truyền thông, việc để nhiều tin bài xấu đồng loạt xuất hiện trong một ngày tạo sự cộng hưởng rất lớn và ảnh hưởng đến hình ảnh doanh nghiệp là điều nên tránh.

Đây cũng là điều mà các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là các tổ chức tài chính nói riêng, nên rút kinh nghiệm trong quản trị truyền thông.

Xu hướng “soi” doanh nghiệp địa ốc


Thống kê từ 28/11/2013 đến 28/2014 cho thấy, truyền thông mạng đã đăng tải 6.808 tin bài liên quan tới 10 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu ở Việt Nam, gồm: Vingroup, Phú Mỹ Hưng, Hà Đô, Nam Cường, Quốc Cường Gia Lai, Việt Hưng, Vinaconex, Bitexco Group, Vạn Phát Hưng, HUD.

Trong số 6.808 tin bài nói trên, có 4.010 tin bài tích cực (58,9%), 1.450 tin bài trung lập (21,3%) và 1.348 tin bài tiêu cực (19,8%). Kết quả trên cho thấy lượng tin bài tiêu cực về doanh nghiệp bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn.

Chia theo phương tiện truyền thông, có 3.772 tin bài được các tờ báo chính thống, trang tin điện tử đăng tải về 10 doanh nghiệp bất động sản nếu trên, trong đó 49,34% tin tích cực, 22,8% tin bài trung lập và 27,86% tin bài tiêu cực.

Còn ở trên các forum, trong số 3.035 thông tin đăng tải thì có tới 70,81% tích cực, gần 20% trung lập và 9,79% tiêu cực.

Như vậy, cũng giống như mảng ngân hàng, báo chính thống, trang tin điện tử có xu hướng “soi” doanh nghiệp bất động sản, nhưng các forum thì ít có thông tin tiêu cực.

Trong số 10 tờ báo, trang tin điện tử và forum đăng tin bài nhiều nhất về 10 doanh nghiệp này, thì có tới 6 forum, 3 tờ báo chính thống và 1 trang tin điện tử chuyên về tài chính.

Tuy nhiên, có một điểm mà các nhà quản lý truyền thông các doanh nghiệp bất động sản nên chú ý là trên báo chí chính thống, các trang tin thường đưa ra thông tin dạng đóng.

Trong khi đó, tại các forum, những thông tin liên quan tới doanh nghiệp mình chủ yếu là hỏi tư vấn xem với số tiền nhất định thì nên mua nhà ở dự án, hay hỏi về dự án XYZ chất lượng thế nào, uy tín của chủ đầu tư…

Với nhiều forum, lượng đọc lớn và thói quen lên diễn đàn để tham vấn ý kiến của nhiều người, những lời khen về dự án có tác động quan trọng đến hình ảnh doanh nghiệp đối với cộng đồng diễn đàn.

Và ngược lại, nhiều lời chê sẽ tác động rất tiêu cực tới nhận diện thương hiệu. Những người lên diễn đàn để trao đổi kinh nghiệm thường có xu hướng thích chia sẻ cảm nhận cá nhân với cộng đồng, và thường có xu hướng chia sẻ với những người xung quanh.

Do đó, đã đến lúc quản trị truyền thông trên các forum là điều nên tập trung mạnh, bênh cạnh kênh báo chính thống và trang tin điện tử.

Thực phẩm - đồ uống ít quan tâm truyền thông mạng?


Kết quả khảo sát 9 doanh nghiệp lớn trong ngành thực phẩm - đồ uống, gồm: Trung Nguyên, Kinh Đô, TH Truemilk, Vinamilk, Vissan, Yến Sào Khánh Hòa, Habeco, Sabeco, Tân Quang Minh, cho thấy trong 3 tháng (4/12/2013-4/3/2014), có 1.064 tin bài đề cập tới tên các doanh nghiệp này, trong đó 65,57% tin bài tích cực, 18,06% tin bài trung lập và còn lại là tin bài tiêu cực.

Trong số 1.063 tin bài nêu trên, các tờ báo, trang tin điện tử đưa 623 tin bài, và forum đưa 440 thông tin. Tuy vậy, các forum có xu hướng đưa thông tin tích cực về doanh nghiệp thực phẩm - đồ uống khi chiếm tới gần 75% tổng số tin bài, trong khi thông tin tiêu cực chỉ chiếm gần 8%.

Ngược lại, trên các báo chí chính thống - trang tin điện tử, số tin bài tích cực chỉ đạt gần 60% tổng tin bài, còn lại là trên 18% tin bài trung lập, trong khi tin bài tiêu cực lại trên 22%.

Như vậy, có thể thấy, ngay cả mảng ngân hàng, bất động sản, báo chí chính thống và các trang tin đều có xu hướng “soi” kỹ các doanh nghiệp, dẫn tới tỷ lệ tin bài tiêu cực không hề thấp.

Đáng chú ý, trong nhóm 10 nguồn báo - trang tin, forum đưa tin liên quan tới 9 doanh nghiệp này thì forum lại đứng đầu. Hai diễn đàn đăng nhiều thông tin nhất trong 3 tháng về 9 doanh nghiệp trên đưa tới 269 thông tin, trong khi hai tờ báo đưa tin nhiều nhất chỉ có 59 tin bài.

Một thông tin đáng chú ý là những nội dung nhắc tới 9 doanh nghiệp lớn trong ngành thực phẩm - đồ uống trên diễn đàn thì lượng tin tức tích cực chiếm tới trên 74%, trong khi thông tin tiêu cực ở mức rất thấp.

Với lượt truy cập lớn từ nhiều forum trong top các website hiện nay, thì vai trò của truyền thông trên forum đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với truyền thông của doanh nghiệp.

Như vậy, nếu so với mảng ngân hàng, bất động sản thì việc truyền thông mạng của doanh nghiệp thực phẩm - đồ uống thấp hơn rất nhiều, ngay cả thời điểm trước và sau Tết nguyên đán, thời điểm cầu tiêu dùng thực phẩm - đồ uống tăng mạnh.