09:35 18/07/2007

Thủy sản, vẫn còn đó những nguy cơ

Đức Long

Ngay trong thành công mà ngành thủy sản đã đạt được vẫn đang tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro lớn

Trong 6 tháng vừa qua, vẫn có 33 lô hàng thủy sản Việt Nam bị cảnh báo dư lượng chất Chloramphenicol.
Trong 6 tháng vừa qua, vẫn có 33 lô hàng thủy sản Việt Nam bị cảnh báo dư lượng chất Chloramphenicol.
Đánh giá chung cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2007, toàn ngành thủy sản vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh về sản lượng thủy sản nuôi trồng và giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Thế nhưng, mục tiêu quan trọng nhất là phát triển bền vững thì vẫn còn đó quá nhiều nỗi lo...

Theo thống kê, tổng sản lượng thủy sản thực hiện được đã đạt hơn 1,697 triệu tấn, tăng 0,979% so với cùng kỳ năm 2006 (trong đó, riêng lĩnh vực nuôi trồng đạt 0,647 triệu tấn, tăng 20,63%); giá trị xuất khẩu đạt 1,409 tỷ USD, tăng 16,96%.

Nguy cơ từ tăng trưởng nóng

“Việc duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong xuất khẩu, trước hết là do công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là từ khâu nguyên liệu đã bắt đầu có chuyển biến”, một chuyên gia của ngành thủy sản nhận định.

Hầu hết các lô hàng đều được kiểm soát chất lượng trước khi hoàn tất thủ tục xuất khẩu; vì vậy đã giữ vững được 51 thị trường có rào cản kỹ thuật cao như EU, Hoa Kỳ, Canada..., đồng thời mở rộng, phát triển mạnh tại các thị trường mới và nhiều tiềm năng.

Nhờ đó cơ cấu thị trường xuất khẩu đã có sự thay đổi đáng kể: EU chiếm 24,4% về giá trị, Hoa Kỳ: 18,3%, Nhật Bản: 17%, Hàn Quốc: 7,4%, Nga: 5,2%, Trung Quốc: 5,1%, ASEAN: 5,8%, các thị trường khác: 16,8%.

Xuất khẩu tăng mạnh cũng là do các doanh nghiệp đã đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng, đổi mới trang thiết bị theo hướng tăng cường chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm chế biến.

Trong 6 tháng vừa qua, đã có thêm 18 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường EU, nâng tổng số doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn trong danh sách 1 lên 245 doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp chế biến đã đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, trực tiếp đầu tư nuôi cá tra, ba sa nguyên liệu, từ đó có thể chủ động được nguồn nguyên liệu, đảm bảo công suất hoạt động của nhà máy ngay cả trong những lúc "giáp hạt".

Toàn vùng ĐBSCL hiện đã có 70 nhà máy chế biến cá tra, ba sa với công suất chế biến khoảng 1,5 triệu tấn/năm, với nhiều loại sản phẩm mới, phù hợp với thị hiếu riêng của từng thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, ngay trong thành công mà ngành thủy sản đã đạt được vẫn đang tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro lớn.

Trước nhất là do xu hướng tự phát trong sản xuất nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến dẫn tới sự mất cân đối về cung cầu nguyên liệu và thị trường xuất khẩu, nguy cơ hủy hoại môi trường các vùng nuôi.

Cá tra, ba sa nuôi ở các tỉnh ĐBSCL tiếp tục tăng trưởng nóng về sản lượng (đạt 400.000 tấn, tăng 100% so với cùng kỳ) từ đó gây ra hiện tượng thiếu cá giống, đẩy giá thức ăn, vật tư chuyên dùng và gây nguy cơ đến môi trường nuôi bền vững (nhất là từ việc đẩy năng suất nuôi lên đến 300-500 tấn/ha).

Đặc biệt, trong 6 tháng vừa qua vẫn có 33 lô hàng thủy sản Việt Nam bị cảnh báo dư lượng chất Chloramphenicol.

Riêng tại thị trường Nhật Bản, thị trường truyền thống và luôn đứng đầu trong những năm gần đây, số lô hàng bị cảnh báo có dư lượng kháng sinh đến tháng 4 là 52 lô, gồm dư lượng các chất AOZ, CAP, SEM..., dẫn tới việc cơ quan chức năng của nước này có khả năng đưa ra quyết định cấm nhập khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam.

Tăng cường quản lý điều hành

Mặc dù khối lượng thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2007 vẫn chiếm hơn 50% kế hoạch (sản lượng thủy sản phải đạt hơn 1,936/3,8 triệu tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng phải đạt hơn 1,018/1,8 triệu tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu 1,952/3,600 tỷ USD), nhưng hầu hết các chuyên gia trong ngành thủy sản đều cho rằng, khả năng hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Nhà nước giao là hoàn toàn có thể thực hiện được.

"Vấn đề đặt ra không chỉ là thực hiện chỉ tiêu cụ thể, mà là những giải pháp thiết thực nhằm mục tiêu phát triển bền vững mà toàn ngành đã xác định", một chuyên gia trong ngành phát biểu.

Trong lĩnh vực khai thác hải sản, Bộ Thủy sản cho biết, sẽ tổ chức lại sản xuất trên biển theo hướng quản lý cộng đồng dưới hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, theo đoàn, đội để sử dụng hợp lý và tiết kiệm nhiên liệu gắn với hậu cần dịch vụ và công nghệ bảo quản sản phẩm khai thác sau thu hoạch, tạo mối liên kết giữa các tàu, thường xuyên thông tin và hỗ trợ nhau khi gặp thiên tai, rủi ro trên biển

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng thiết lập hệ thống quản lý tàu thuyền, trong đó có việc cập nhật nắm bắt thông tin hàng ngày tàu cá trên biển làm cơ sở triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn về tính mạng và tàu thuyền của ngư dân khi có thiên tai; giải quyết dứt điểm tồn tại trong việc vay vốn tín dụng ưu đãi đóng mới và cải hoán tàu khai thác hải sản xa bờ, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ thuyền trưởng và máy trưởng tàu cá...

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, sẽ tập trung triển khai và đưa vào áp dụng tiêu chuẩn vùng nuôi an toàn, mô hình nuôi sạch và hướng dẫn người nuôi thực hiện quản lý chất lượng sản phẩm; tăng cường kiểm tra chất lượng giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh cho tôm, cá; đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề tài đánh giá khả năng phát triển nuôi cá tra, ba sa của sông Tiền, sông Hậu để làm cơ sở xây dựng quy hoạch nuôi cá tra, ba sa ở ĐBSCL.

Ngoài ra, sẽ hướng dẫn công nghệ và phương thức nuôi phù hợp thời tiết và tránh bão lũ ở đồng bằng Bắc Bộ và duyên hải miền Trung; chỉ đạo xây dựng thương hiệu giống thủy sản tại những vùng trọng điểm sản xuất giống và áp dụng rộng rãi tiêu chuẩn nuôi tốt, nuôi sinh thái trong quản lý các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung

Bên cạnh đó, sẽ tổ chức nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nuôi trồng thủy sản theo cộng đồng để cùng nhau quản lý tốt về thức ăn, chế phẩm sinh học, sử dụng thuốc kháng sinh, quản lý môi trường vùng nuôi, hướng dẫn bảo quản sau thu hoạch, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho tiêu thụ, xuất khẩu.

Trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu, Bộ Thủy sản cho biết, sẽ quản lý chặt chất lượng nguyên liệu và sản phẩm chế biến trên cơ sở thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng tiêm chích và ngâm nước vào nguyên liệu tôm, lạm dụng hóa chất tăng trọng đối với cá tra, ba sa và hóa chất bảo quản trong sản phẩm hải sản khai thác sau thu hoạch.

Bộ cũng sẽ phối hợp với các cơ quan ngoại giao, thương mại hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại, kỹ thuật trên các thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thông tin dự báo thị trường các sản phẩm cho doanh nghiệp, hội, hiệp hội; triển khai các hoạt động xây dựng thương hiệu, bước đầu là cho sản phẩm chủ lực là cá tra, ba sa, tôm và cá ngừ đại dương...