Thủy sản "vượt sóng", vươn xuất khẩu
Xuất khẩu thủy sản đã có đà tăng trưởng mạnh ngay từ các tháng đầu năm và đều vượt "ngưỡng" 200 triệu USD/tháng
Không giống nhiều năm gần đây, lĩnh vực xuất khẩu thủy sản đã có đà tăng trưởng mạnh ngay từ các tháng đầu năm và đều vượt "ngưỡng" 200 triệu USD/tháng về giá trị kim ngạch.
Nhìn vào những con số thống kê này, tưởng như chỉ tiêu giao cho ngành thủy sản trong cả năm (3,6 tỷ USD) là tương đối dễ dàng...
Đến cuối tháng 2, với 450 triệu USD (tháng 1: 230 triệu USD, tháng 2: 220 triệu USD), xuất khẩu thủy sản trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất: 41,94% so với cùng kỳ năm 2006. Trong tháng 3, tổng số này lại được cộng thêm vào 250 triệu USD nữa, tức là gần bằng 19,5% kế hoạch của cả năm.
"Tỷ trọng giá trị xuất khẩu của quý I thường thấp hơn nhiều so với các quý còn lại, đặc biệt là những tháng cuối năm. Tuy nhiên, đầu năm 2007 đã cho thấy có những tín hiệu đáng mừng về tăng trưởng cả về giá trị xuất khẩu và năng lực sản xuất chế biến", ông Tạ Quang Ngọc, Bộ trưởng Bộ Thủy sản cho biết.
Thế nhưng, "nhanh thì không chắc" - đà tăng trưởng ấn tượng nói trên bị không ít chuyên gia trong ngành bày tỏ ý kiến nghi ngờ về sự bền vững. Ngay từ tháng 2, hậu quả từ "tăng trưởng nóng" đã xuất hiện khi nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đồng loạt tăng công suất hoạt động (để sản xuất và giao hàng theo hợp đồng đã ký với các nhà nhập khẩu), nên tình trạng thiếu nguyên liệu, đặc biệt là cá da trơn đã trở nên trầm trọng: giá cá tra, ba sa thu mua lên mức kỷ lục là 16.800 đồng/kg; nhiều hộ nuôi cá đã thu hoạch sớm, hạ mức cỡ cá chỉ còn 0,8 - 0,9 kg/con nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp chế biến.
Đến tháng 3, lượng nguyên liệu cho chế biến còn ít hơn do vào cuối và hết vụ thu hoạch, dẫn tới hiện tượng một số doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu để đảm bảo sản xuất.
Theo ông Ngọc, việc thiếu hụt nguyên liệu, nhất là trong những tháng đầu năm là một cản trở về sau cho sự tăng trưởng liên tục giá trị xuất khẩu, năng lực sản xuất (năm 2006, nhiều nhà máy chế biến ở ĐBSCL phải hoạt động cầm chừng, một số cơ sở chỉ hoạt động với khoảng 50% công suất).
Đồng thời, đây cũng là một tiền đề cho hoạt động thu mua, nhập lậu nguyên liệu thiếu đảm bảo về chất lượng, an toàn vệ sinh - hậu quả dẫn tới nhiều lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo, bị hủy hoặc bị trả lại do nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng.
"Những vấn đề về an toàn vệ sinh sản phẩm xuất khẩu xuất hiện từ nửa cuối năm 2006 trên một số thị trường vẫn chưa được giải quyết triệt để, số lô hàng vào Nhật Bản bị cảnh báo theo thống kê từng tháng chưa giảm đi một cách rõ rệt", ông Ngọc cho biết.
Hậu quả của việc Nhật Bản quyết định áp dụng kiểm tra 100% đối với các lô hàng tôm và cá mực đông lạnh của Việt Nam đã làm kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường này bị suy giảm, trong đó nặng nề nhất là tôm đông lạnh (sản phẩm chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam).
Mặc dù các cơ quan chức năng về quản lý, kiểm tra, kiểm soát đã tăng cường hoạt động, nhưng nhiều doanh nghiệp chế biến, nhất là các đơn vị thu gom xuất khẩu vẫn chưa tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; một số doanh nghiệp vẫn lạm dụng hóa chất bảo quản, giữ nước trong nguyên liệu, chưa tuân thủ việc sử dụng mã số doanh nghiệp xuất khẩu...
Trước tình hình này, Bộ Thủy sản đã tổ chức gấp cuộc họp bàn tìm biện pháp giải quyết khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản năm 2007, đặc biệt với sự tham dự của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản (Nafiqaved) - 2 đơn vị liên quan mật thiết với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Theo Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc, mục tiêu 3,6 tỷ USD là hoàn toàn có thể đạt hoặc vượt nếu có sự chỉ đạo điều hành đúng và kịp thời, có biện pháp sớm tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc từ khâu sản xuất nguyên liệu - chế biến sản phẩm - thị trường xuất khẩu.
Liên quan đến vấn đề nguyên liệu, Bộ Thủy sản cho biết sẽ có chỉ đạo cụ thể về sản xuất, kinh doanh cá da trơn (sản phẩm đang có mức tăng trưởng mạnh xuất khẩu vào thị trường Nga và EU) trong cuộc họp sắp tới của Ban Điều hành sản xuất cá tra, basa nhằm đảm bảo ổn định về nguyên liệu cho chế biến, tránh tình trạng lúc thiếu, lúc thừa; đồng thời cho rằng phải tính tới vấn đề nhập nguyên liệu để tái chế xuất khẩu, tìm biện pháp giúp doanh nghiệp nhập khẩu có được thủ tục giản tiện hơn.
Liên quan đến thị trường, Nafiqaved được giao nhiệm vụ cập nhật đầy đủ các yêu cầu mới về an toàn vệ sinh thực phẩm của thị trường để báo cáo Bộ Thủy sản có các quy định phù hợp, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện; Vụ Pháp chế sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục hành chính trong sản xuất kinh doanh thủy sản xuất khẩu, trước mắt là hướng dẫn thực hiện các quy định liên quan đến chế biến thủy sản và nguyên liệu thủy sản dùng cho chế biến xuất khẩu để giải quyết các bức xúc về an toàn vệ sinh trong sản xuất kinh doanh thủy sản hiện nay; Vụ Khoa học và Công nghệ sớm hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn định mức cho vùng nuôi, ao nuôi, phương tiện nuôi trồng thủy sản, đảm bảo được an toàn vệ sinh và không gây hại đến môi trường.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Thủy sản sẽ sớm có chỉ thị về việc chấn chỉnh những hoạt động, hành vi ảnh hưởng đến uy tín của xuất khẩu thủy sản Việt Nam: bơm chích tạp chất, các thủ thuật nhằm tăng khối lượng và kích cỡ nguyên liệu, nhập khẩu nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng lẫn mã số doanh nghiệp của cơ sở đủ điều kiện sản xuất chế biến xuất khẩu thủy sản...