10:27 04/08/2008

Tích tụ ruộng đất theo hướng nào?

Trần Lê

Có ý kiến cho rằng cần phải tích tụ ruộng đất để làm ăn lớn... Nhưng tích tụ theo hướng nào?

Hiện nay, nước ta có tổng diện tích đất nông nghiệp - không bao gồm đất lâm nghiệp - là hơn 10 triệu ha, với khoảng 70 triệu thửa đất và gần 14 triệu hộ nông dân - Nguồn ảnh: Agro Info.
Hiện nay, nước ta có tổng diện tích đất nông nghiệp - không bao gồm đất lâm nghiệp - là hơn 10 triệu ha, với khoảng 70 triệu thửa đất và gần 14 triệu hộ nông dân - Nguồn ảnh: Agro Info.
Từ một nước nghèo đói, Việt Nam đã trở thành cường quốc thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo.

Có điều đáng quan tâm là thành tựu về nông nghiệp - trong đó có thóc gạo - lại chính là phép cộng số lượng lương thực của hàng triệu hộ nông dân riêng lẻ. Vai trò của các trang trại mờ nhạt, còn các đơn vị sản xuất Nhà nước lại đìu hiu hơn nữa.

Bởi thế, có ý kiến cho rằng nên duy trì tình trạng kinh tế hộ như hiện nay, chỉ cần tăng cường bồi dưỡng, chuyển giao cho nông dân công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến, phương tiện sản xuất hiện đại. Nhưng có ý kiến lại cho rằng, cần phải tích tụ ruộng đất để làm ăn lớn, để nhanh chóng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp.

Băn khoăn đặt ra là, tích tụ ruộng đất như thế nào, quy mô nào, tích tụ ở đâu, vào lúc nào… thì hầu như vẫn còn dừng ở mức khái niệm, lý thuyết.

Song, muốn tích tụ ruộng đất theo phương thức nào đi nữa, thì cũng phải đặt lợi ích của người nông dân - chủ thể của nông thôn và nông nghiệp - lên trên hết.

Vì thế, chúng tôi bước đầu giới thiệu một số ý kiến xung quanh vấn đề này, để rộng đường dư luận.

"Tích tụ ruộng đất là xu hướng tất yếu"

(Ông Đặng Quang Phán, Bộ Tài nguyên và Môi trường)

"Ruộng đất là tư liệu sản xuất vô cùng quý giá đối với người nông dân. Tuy nhiên, ruộng đất sẽ không còn là quan trọng với người nông dân, nếu như họ “bán” - tức chuyển nhượng - quyền sử dụng ruộng đất của mình cho người khác và đương nhiên, theo quy luật của kinh tế thị trường thì người “mua” - tức nhận chuyển nhượng - quyền sử dụng ruộng đất phải thu được lợi nhuận trên mảnh đất này; nếu không, họ lại tiếp tục phải “bán”...

Người có ruộng đất được “bán” bao nhiêu, người “mua” ruộng đất được mua bao nhiêu hay nói cách khác là “tích tụ ruộng đất” như thế nào là tùy thuộc vào chính sách pháp luật của mỗi thời kỳ.

Song, cơ chế chính sách pháp luật như thế nào để “đi vào cuộc sống”, đáp ứng sự mong mỏi của quần chúng nhân dân, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội thì đó là một việc làm hệ trọng của Nhà nước.

Luật Đất đai năm 2003 quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu” và “hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển quyền sử dụng đất”.

Hiện nay, nước ta có tổng diện tích đất nông nghiệp - không bao gồm đất lâm nghiệp - là hơn 10 triệu ha, với khoảng 70 triệu thửa đất và gần 14 triệu hộ nông dân.

Như vậy, mỗi hộ trung bình có 5 thửa đất, mỗi thửa đất nông nghiệp có diện tích trung bình là 0,14 ha. Nếu thực hiện “dồn điền đổi thửa” một cách hoàn hảo và lý tưởng nhất, mỗi hộ nông nghiệp khi đó có duy nhất 1 thửa ruộng thì thửa ruộng đó mới chỉ có diện tích là 0,7 ha.

Đồng thời, nước ta đang có khoảng 100.000 trang trại, với tổng diện tích đất khoảng 500.000 ha; như vậy, diện tích bình quân mỗi trang trại là 5 ha. Muốn hình thành 1 trang trại thì trung bình phải gom đất ruộng của ít nhất 7 hộ gia đình.

Kết quả của “bài toán” trên đây cho thấy: không thể không có “tích tụ ruộng đất” nếu muốn phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn. Song, một hệ quả ở đây là “gom đất” như thế nào để “bớt thiệt” cho nông dân thì cơ chế chính sách pháp luật phải thể hiện.

Khi xây dựng Luật Đất đai năm 2003 và Nghị quyết trên đây, vấn đề khuyến khích “tích tụ ruộng đất” đã được đặt ra; song, vấn đề chống đầu cơ về ruộng đất cũng được đề cập.

Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Nghiêm cấm việc lợi dụng hình thức kinh tế trang trại để bao chiếm, tích tụ đất đai không vì mục đích sản xuất”.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2003; trong đó, về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao, dự thảo theo hướng sử dụng đất ổn định lâu dài.

Với xu thế đó, sự “tích tụ ruộng đất” hy vọng sẽ được quy định một cách “mở” và hoàn thiện hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tích tụ đất đai trên khía cạnh kinh tế

(PGS.TS. Vũ Trọng Khải, Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp - phát triển nông thôn 2)

"Nền kinh tế thị trường làm xuất hiện những người chuyên kinh doanh đất đai bằng cách đầu tư vốn mua đất rồi cho người khác thuê lại quyền sử dụng đất, cũng làm xuất hiện hoạt động kinh doanh cho thuê thiết bị, máy móc.

Một số nhà đầu tư mua máy móc, thiết bị để cho người khác thuê quyền sử dụng chúng để kinh doanh. Hoạt động này được gọi là cho thuê tài chính và công ty cho thuê tài chính ra đời, phát triển không ngừng.

Vậy cũng có thể xem hoạt động cho thuê quyền sử dụng đất là một dạng của cho thuê tài chính. Hoạt động tín dụng cũng tương tự như vậy. Người sở hữu đất đai, máy móc thiết bị, tiền vốn từ bỏ quyền sử dụng và cho người khác thuê quyền sử dụng chúng để hưởng địa tô và lãi suất.

Như vậy, trong nền kinh tế thị trường, kinh doanh cho thuê quyền sử dụng đất, thiết bị, máy móc hay tiền vốn là hoạt động bình thường mang lại hiệu quả kinh tế cho cả người chủ sở hữu và người sử dụng, nên không thể có khái niệm tích tụ đất đai phi kinh tế."

Kinh tế tiểu nông và nông trang gia đình

(Ông Nguyễn Công Tạn, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ)

"Ở nước ta song song tồn tại từ lâu hai dạng kinh tế hộ gia đình: kinh tế tiểu nông phổ biến ở miền Bắc, và nông trang gia đình có qui mô ngày càng lớn, nhưng cả hai dạng kinh tế này đều chủ yếu dựa vào lao động gia đình, không dựa vào lao động làm thuê.

Sản xuất hàng hóa trong gia đình trong tương lai xa vẫn còn tồn tại, nhất là ở miền núi và các vùng sâu, vùng xa. Tôi gọi tình trạng song hành hai dạng kinh tế này là thuyết nhị nguyên, không thể chỉ thiên về một bên nào. Con đường đi lên nông trang gia đình là tất yếu, nhưng Luật Đất đai lại chưa đáp ứng được nhu cầu đó.

Do vậy, sửa đổi Luật Đất đai lần này cần tạo đột phá: giao đất lâu dài; cho chuyển nhượng tự do; không bán thì cho thuê; bỏ qui định hạn điền; đồng thời để tránh tình trạng đất thừa kế bị chia nhỏ do nhiều thế hệ phát triển, nên đánh thuế thừa kế (ở Hà Lan chỉ một người được thừa kế).

Mặt khác, phải tăng cường kiểm soát để tránh đầu cơ đất đai, và thu hồi ngay đất đai sử dụng sai mục đích.

Không dễ nhận ra sai lầm trong chính sách nông nghiệp, mà phải mất hàng 20-30 năm hoặc lâu hơn nữa mới đau xót, ân hận. Vậy nếu không thể giải quyết vấn đề ngay, thì cũng đừng gây khó khăn cho con đường nông trang gia đình."

Quá trình dồn điền đổi thửa ở nông thôn

(Ông Mai Văn Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá)

"Từ khi thực hiện cơ chế Khoán 10, ruộng đất nông nghiệp ở nước ta đã được chia đều cho nông dân, với cách làm cơ bản là “có ruộng tốt, ruộng xấu, có gần, có xa” phần nào đã tạo sự “công bằng” trong việc giao đất cho nông dân sản xuất ổn định lâu dài.

Sau giai đoạn Khoán 10, chúng ta đã có một số lần thực hiện dồn điền đổi thửa, đó là quá trình người nông dân chuyển đổi các thửa ruộng của mình để từ nhiều ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn.

Với việc dồn điền đổi thửa, người nông dân vẫn gắn bó với ruộng đất của mình nhưng bước đầu có điều kiện để áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, song vẫn giữ nguyên số nhân khẩu, số diện tích được chia ổn định từ những năm 1990.

Nhưng đây chưa phải là quá trình tích tụ ruộng đất, có chăng chỉ là tiền tích tụ ruộng đất, hay là đêm trước của tích tụ ruộng đất.

Để đứng vững và phát triển trong môi trường cạnh tranh toàn cầu, chúng ta phải thay đổi từ một nền nông nghiệp tự cấp, tự túc sang một nền nông nghiệp hàng hoá, với những vùng sản xuất chuyên canh, ứng dụng tiến bộ khoa hoạc kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm với số lượng lớn, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng với giá thành hạ, đáp ứng nhu cầu của thị trường và xuất khẩu.

Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử để lại, ruộng đất ở nông thôn rất manh mún, không chỉ làm tăng chi phí sản xuất, hạn chế khả năng đầu tư, thực hiện cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mà còn làm lãng phí quỹ đất nông nghiệp do có nhiều bờ vùng, bờ thửa.

Chính vì vậy việc tích tụ ruộng đất để hình thành các gia trại, trang trại sản xuất hàng hoá là xu thế tất yếu, là sự vận động đúng quy luật.

Tuy nhiên, không thể tích tụ ruộng đất một cách tự phát, mà phải có sự can thiệp của Nhà nước bảo đảm tích tụ có hạn điền phù hợp, nhằm vừa khuyến khích phát triển trang trại và sản xuất hàng hoá lớn vừa phải bảo đảm cho những người nông dân không thể vào nhà máy xí nghiệp vẫn có đất để sản xuất, không bị bần cùng hoá."

Cần có chính sách thích hợp

(Viện sĩ Đào Thế Tuấn)

"Tích tụ ruộng đất là một yêu cầu của phát triển trong tương lai nhưng là một vấn đề phức tạp cần nghiên cứu kỹ để xây dựng các chính sách thích hợp. Vấn đề chỉ có thể giải quyết cùng với chính sách ruộng đất chung và luật ruộng đất vì có nhiều mối quan hệ với kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa.

Về nguồn đất để tích tụ. Theo dự báo dến 2020 nước ta sẽ còn 9,5 triệu nông dân, so với 17,5 triệu hiện nay, phải rút đi gần một nửa. Số người bỏ nông thôn sẽ để lại đất nông nghiệp và đất thổ cư để canh tác và xây dựng nông thôn.

Đất thổ cư của dân thành thị chỉ bằng khoảng 1/10 dân nông thôn, vậy ta có thu hồi đất thổ cư ấy không hay để cho họ có đất vừa ở thành thị vừa ở nông thôn, hay họ sẽ bán lại cho người khác để muốn làm gì thì làm?

Ỏ nông thôn cũng sẽ có người bỏ nông nghiệp chuyển sang làm ngành nghề, số người này có phải trả lại đât nông nghiêp không, hay vừa có đất nông nghiệp để cho thuê, vừa có đất phi nông nghiệp?

Về chính sách phân phối đất sẽ thu được. Sẽ chia đều như đã làm lúc bắt đầu đổi mới hay sẽ để cho chính quyền địa phương bán. Bán cho ai, tiền thu được sẽ đi vào đâu? Đây là nguồn để đầu cơ ruộng đất.

Tại các nước tiên tiến Nhà nước có một cơ quan mua lại tất cả ruộng đất như là tổ chức SAFER của Pháp, và phân phối theo kế hoạch sử dụng. Ta sẽ làm như vậy không, hay để cho thị trường ruộng đất phát triển tự do.

Không nên quên rằng hiện nay ở các nước tiên tiến hầu như không có lao động làm thuê trong nông nghiệp ở nông thôn nữa, vì lao động bị thu hút ra thành thị do ở đấy thu nhập cao hơn. Các nông trại lớn gặp khó khăn vì thiếu lao động, phải bán lại cho trung nông để lập các nông trại gia đình.

Hiện nay ở các nước tiên tiến biện pháp để giải quyết hiệu ứng quy mô là tổ chức các hợp tác xã kiểu mới, hợp tác xã là liên minh của các nông trại gia đình, không cần phải tích tụ ruộng đất, chỉ cần tích tụ hoạt động kinh doanh, chế biến và tiêu thụ đầu ra.

Cải cách ruộng đất và việc quay lại nền kinh tế gia đình nông dân là các thành tựu lớn của công cuộc phát triển của nước ta, đã đưa một nước đông dân và ít đất thành một nước đảm bảo đủ an ninh thực phẩm, và xuất khẩu nông sản vào loại nhất nhì thế giới."