Tiền đồng tăng giá tới đâu?
Sự lên giá của tiền đồng so với Đô la Mỹ đang phản ánh kết quả tích cực động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước
Từ đầu tháng 4/2010, Đô la Mỹ bắt đầu giảm giá so với tiền đồng.
Tỷ giá niêm yết chuyển khoản bán ra của các ngân hàng thương mại rớt từ mức trần 19.100 xuống 19.000, thậm chí dưới 19.000 đồng/Đô la Mỹ vào trung tuần tháng 4. Trên thị trường tự do giá mua bán Đô la cũng giảm mạnh.
Sự lên giá của tiền đồng so với Đô la Mỹ đang phản ánh kết quả tích cực động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong việc chuyển dịch Đô la tín dụng sang Đô la thương mại.
Câu hỏi bây giờ là sự chuyển dịch này nên đến mức độ nào và làm thế nào để kiểm soát nó một cách hợp lý nhằm ổn định tỷ giá, kìm chế lạm phát từ nay đến cuối năm?
Vay ngoại tệ lời 1%/tháng
Thay vì vay tiền đồng với lãi suất cao, trung bình 16%/năm (khoảng 15-17%/năm) những tháng qua nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang vay ngoại tệ với lãi suất bình quân 4%/năm (trong mức 3-5%/năm), chênh lệch 12%/năm, tương đương 1%/tháng.
Nếu vay kỳ hạn sáu tháng, doanh nghiệp được lợi lãi suất khoảng 6%. Giả sử doanh nghiệp vay ngoại tệ khi tỷ giá ở mức 19.100 đồng/Đô la Mỹ, thì 6% chênh lệch lãi suất trên tương đương 1.146 đồng/Đô la Mỹ.
Nếu sáu tháng sau (đáo hạn vay) tỷ giá cao hơn 19.100 + 1.146 = 20.246 đồng/Đô la Mỹ thì người vay mới lỗ. Thông thường khi vay ngoại tệ, doanh nghiệp bán ngay cho ngân hàng lấy tiền đồng.
Hiện nay khi tiền đồng lên giá, họ được hưởng lợi kép: vừa bán được Đô la Mỹ với giá cao hơn giá hiện hành, vừa được chênh lệch lãi suất. Điều này lý giải tại sao việc vay ngoại tệ đang tăng lên và dù ngân hàng có cam kết lãi suất cho vay tiền đồng tối đa 14%/năm, doanh nghiệp vẫn chê. Họ đề nghị giảm lãi suất cho vay xuống 10-12%/năm.
Trong khi đó, các nhà xuất khẩu thay vì 3-6 tháng sau khi thu Đô la về mới bán cho ngân hàng, thì họ bán ngay cho ngân hàng bây giờ bằng cách vay ngoại tệ và trả nợ khi nguồn thu Đô la về trong tương lai. Nguồn cung ngoại tệ vì thế trở nên dồi dào.
Ngân hàng Nhà nước bơm tiền, ngân hàng thương mại “chê”
Trả lời phỏng vấn VnEconomy ngày 15/4/2010, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bơm ra một lượng lớn tiền đồng qua kênh thị trường mở, nhưng các ngân hàng mua rất ít.
Cụ thể tháng 1/2010, Ngân hàng Nhà nước chào mua [lượng giấy tờ có giá tổng cộng] 264.000 tỉ đồng, nhưng các ngân hàng chỉ mua 153.000 tỉ đồng; tháng 2 Ngân hàng Nhà nước chào mua 262.000 tỉ đồng, nhưng sức mua chỉ được 73.000 tỉ đồng; tháng 3 Ngân hàng Nhà nước chào mua 218.000 tỉ đồng, các ngân hàng mua 94.000 tỉ đồng. 12 ngày đầu tháng 4-2010 Ngân hàng Nhà nước chào mua 97.000 tỉ đồng, các ngân hàng chỉ đáp ứng được 47.000 tỉ đồng.
Vì sao Ngân hàng Nhà nước đột nhiên tăng lượng chào mua giấy tờ có giá để đưa tiền đồng ra nhiều như vậy? Đây chắc chắn không phải sự bắt đầu của chính sách nới lỏng tiền tệ vì Thống đốc nói rõ: “Thỏa thuận (ý nói áp dụng lãi suất thỏa thuận - NV) không có nghĩa là nới lỏng”.
Động thái gia tăng bơm tiền được lý giải như sau: doanh nghiệp bán ngoại tệ vay được cho ngân hàng - ngân hàng thừa ngoại tệ nên bán lại cho Ngân hàng Nhà nước - Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ của tổ chức tín dụng. Số ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua, được đưa vào quỹ dự trữ ngoại hối.
Hãng Reuters ngày 7/4/2010 dẫn nguồn tin từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm nay được dự báo tăng thêm 15%, lên 17,5 tỉ Đô la Mỹ, sau khi giảm 34% năm 2009.
Trước đó, các định chế quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và WB nhận định vào cuối năm ngoái, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ước 15-16 tỉ Đô la Mỹ, sau khi đạt đỉnh khoảng 23 tỉ Đô la Mỹ trong năm. Con số này tỏ ra phù hợp với mức tăng 15% và giảm 34% mà WB đề cập nói trên.
Như vậy Ngân hàng Nhà nước thời gian qua có khả năng đã mua vào khoảng 2-2,5 tỉ Đô la Mỹ, tức bơm ra thị trường tương đương 38.000 - 47.500 tỉ đồng (tỷ giá 19.000 đồng/Đô la Mỹ). Lượng tiền bơm ra này chưa thể ngang bằng với lượng tiền hút về, tương đương với số ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước bán ra nhiều đợt trong năm ngoái và đầu năm nay nhằm can thiệp ổn định tỷ giá mỗi lần điều chỉnh biên độ hoặc tỷ giá liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Việc bơm ra tiền đồng qua thị trường mở hiện nay chính là để cân bằng việc bán - mua ngoại tệ nhằm cải thiện dự trữ ngoại hối.
Ngoại tệ huy động chảy sang ngoại tệ thương mại
Từ năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước ngừng công bố con số tuyệt đối dư nợ cho vay và huy động vốn của hệ thống ngân hàng.
Thay vào đó, website của cơ quan quản lý ngành ngân hàng chỉ công bố mức thay đổi của tăng trưởng tín dụng hàng quí, hàng tháng. Năm 2009 tăng trưởng tín dụng theo Ngân hàng Nhà nước là 37,73% so với cuối năm 2008; quý 1/2010 là 3,34% so với cuối năm 2009.
Trong một cuộc họp vào cuối năm 2008, Ngân hàng Nhà nước cho biết dư nợ cả hệ thống năm đó khoảng 1,3 triệu tỉ đồng. Tính ra, dư nợ cho vay năm 2009 ước chừng 1,75 triệu tỉ đồng và quí 1-2010 khoảng 1,8 triệu tỉ đồng.
Trong cơ cấu dư nợ, từ nhiều năm nay, dư nợ cho vay bằng tiền đồng thường chiếm khoảng 75-85%, bằng ngoại tệ 15-25% tùy thời kỳ. Năm ngoái, theo các ngân hàng phỏng đoán, dư nợ tiền đồng - ngoại tệ ước 80-20%.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tăng trưởng dư nợ tiền đồng hơn 43% và ngoại tệ hơn 17%. Tuy nhiên, sang quý 1/2010 tỷ trọng dư nợ tiền đồng và ngoại tệ đổi chiều.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp Chính phủ tháng 3/2010, dư nợ ngoại tệ quí 1 tăng 14,07% so với cuối năm ngoái trong khi dư nợ tiền đồng chỉ tăng 0,57%. Từ đây có thể nhận thấy cơ cấu cho vay đang biến đổi theo hướng tăng tỷ trọng dư nợ ngoại tệ, giảm dư nợ tiền đồng.
Nói cách khác, các ngân hàng đang lấy vốn huy động ngoại tệ cho vay ngoại tệ và thông qua việc bán Đô la Mỹ vay lấy tiền đồng của doanh nghiệp để biến ngoại tệ huy động thành ngoại tệ thương mại. Con số ngoại tệ huy động chuyển dịch thành ngoại tệ thương mại trong quý 1/2010, qua nhiều số liệu tính toán, ước đoán 2 tỉ Đô la Mỹ.
Bước đầu, Ngân hàng Nhà nước đã tương đối thành công trong việc giải quyết vấn đề thừa Đô la huy động, thiếu Đô la thương mại tồn tại đã lâu của hệ thống ngân hàng. Song, nhìn về tương lai, đến tháng 6-7 năm nay, khi các khoản vay ngoại tệ của doanh nghiệp đáo hạn, liệu có xảy ra tình trạng doanh nghiệp đổ xô đi mua ngoại tệ trả nợ, và Ngân hàng Nhà nước có bán Đô la cho tổ chức tín dụng để đối tượng này bán lại cho doanh nghiệp?
Một trong những phương thức kiểm soát hiệu quả quá trình này là tiếp tục tăng giá tiền đồng ở mức thích hợp để người dân chuyển dịch tiết kiệm ngoại tệ thành tiết kiệm tiền đồng, bán ngoại tệ cho ngân hàng thay vì gửi tiết kiệm ngoại tệ. Đây là cách để tăng nguồn cung Đô la thương mại và giảm Đô la huy động một cách triệt để.
Tuy vậy, nhìn từ góc độ thương mại, một khi tiền đồng hấp dẫn hơn cũng có nghĩa là xuất khẩu không được hưởng lợi từ tỷ giá. Tính toán để cân bằng lợi ích của nhiều chủ thể là điều Ngân hàng Nhà nước sẽ còn phải tiếp tục làm khi điều hành tỷ giá năm nay.
Hải Lý (TBKTSG)
Tỷ giá niêm yết chuyển khoản bán ra của các ngân hàng thương mại rớt từ mức trần 19.100 xuống 19.000, thậm chí dưới 19.000 đồng/Đô la Mỹ vào trung tuần tháng 4. Trên thị trường tự do giá mua bán Đô la cũng giảm mạnh.
Sự lên giá của tiền đồng so với Đô la Mỹ đang phản ánh kết quả tích cực động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong việc chuyển dịch Đô la tín dụng sang Đô la thương mại.
Câu hỏi bây giờ là sự chuyển dịch này nên đến mức độ nào và làm thế nào để kiểm soát nó một cách hợp lý nhằm ổn định tỷ giá, kìm chế lạm phát từ nay đến cuối năm?
Vay ngoại tệ lời 1%/tháng
Thay vì vay tiền đồng với lãi suất cao, trung bình 16%/năm (khoảng 15-17%/năm) những tháng qua nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang vay ngoại tệ với lãi suất bình quân 4%/năm (trong mức 3-5%/năm), chênh lệch 12%/năm, tương đương 1%/tháng.
Nếu vay kỳ hạn sáu tháng, doanh nghiệp được lợi lãi suất khoảng 6%. Giả sử doanh nghiệp vay ngoại tệ khi tỷ giá ở mức 19.100 đồng/Đô la Mỹ, thì 6% chênh lệch lãi suất trên tương đương 1.146 đồng/Đô la Mỹ.
Nếu sáu tháng sau (đáo hạn vay) tỷ giá cao hơn 19.100 + 1.146 = 20.246 đồng/Đô la Mỹ thì người vay mới lỗ. Thông thường khi vay ngoại tệ, doanh nghiệp bán ngay cho ngân hàng lấy tiền đồng.
Hiện nay khi tiền đồng lên giá, họ được hưởng lợi kép: vừa bán được Đô la Mỹ với giá cao hơn giá hiện hành, vừa được chênh lệch lãi suất. Điều này lý giải tại sao việc vay ngoại tệ đang tăng lên và dù ngân hàng có cam kết lãi suất cho vay tiền đồng tối đa 14%/năm, doanh nghiệp vẫn chê. Họ đề nghị giảm lãi suất cho vay xuống 10-12%/năm.
Trong khi đó, các nhà xuất khẩu thay vì 3-6 tháng sau khi thu Đô la về mới bán cho ngân hàng, thì họ bán ngay cho ngân hàng bây giờ bằng cách vay ngoại tệ và trả nợ khi nguồn thu Đô la về trong tương lai. Nguồn cung ngoại tệ vì thế trở nên dồi dào.
Ngân hàng Nhà nước bơm tiền, ngân hàng thương mại “chê”
Trả lời phỏng vấn VnEconomy ngày 15/4/2010, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bơm ra một lượng lớn tiền đồng qua kênh thị trường mở, nhưng các ngân hàng mua rất ít.
Cụ thể tháng 1/2010, Ngân hàng Nhà nước chào mua [lượng giấy tờ có giá tổng cộng] 264.000 tỉ đồng, nhưng các ngân hàng chỉ mua 153.000 tỉ đồng; tháng 2 Ngân hàng Nhà nước chào mua 262.000 tỉ đồng, nhưng sức mua chỉ được 73.000 tỉ đồng; tháng 3 Ngân hàng Nhà nước chào mua 218.000 tỉ đồng, các ngân hàng mua 94.000 tỉ đồng. 12 ngày đầu tháng 4-2010 Ngân hàng Nhà nước chào mua 97.000 tỉ đồng, các ngân hàng chỉ đáp ứng được 47.000 tỉ đồng.
Vì sao Ngân hàng Nhà nước đột nhiên tăng lượng chào mua giấy tờ có giá để đưa tiền đồng ra nhiều như vậy? Đây chắc chắn không phải sự bắt đầu của chính sách nới lỏng tiền tệ vì Thống đốc nói rõ: “Thỏa thuận (ý nói áp dụng lãi suất thỏa thuận - NV) không có nghĩa là nới lỏng”.
Động thái gia tăng bơm tiền được lý giải như sau: doanh nghiệp bán ngoại tệ vay được cho ngân hàng - ngân hàng thừa ngoại tệ nên bán lại cho Ngân hàng Nhà nước - Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ của tổ chức tín dụng. Số ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua, được đưa vào quỹ dự trữ ngoại hối.
Hãng Reuters ngày 7/4/2010 dẫn nguồn tin từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm nay được dự báo tăng thêm 15%, lên 17,5 tỉ Đô la Mỹ, sau khi giảm 34% năm 2009.
Trước đó, các định chế quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và WB nhận định vào cuối năm ngoái, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ước 15-16 tỉ Đô la Mỹ, sau khi đạt đỉnh khoảng 23 tỉ Đô la Mỹ trong năm. Con số này tỏ ra phù hợp với mức tăng 15% và giảm 34% mà WB đề cập nói trên.
Như vậy Ngân hàng Nhà nước thời gian qua có khả năng đã mua vào khoảng 2-2,5 tỉ Đô la Mỹ, tức bơm ra thị trường tương đương 38.000 - 47.500 tỉ đồng (tỷ giá 19.000 đồng/Đô la Mỹ). Lượng tiền bơm ra này chưa thể ngang bằng với lượng tiền hút về, tương đương với số ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước bán ra nhiều đợt trong năm ngoái và đầu năm nay nhằm can thiệp ổn định tỷ giá mỗi lần điều chỉnh biên độ hoặc tỷ giá liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Việc bơm ra tiền đồng qua thị trường mở hiện nay chính là để cân bằng việc bán - mua ngoại tệ nhằm cải thiện dự trữ ngoại hối.
Ngoại tệ huy động chảy sang ngoại tệ thương mại
Từ năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước ngừng công bố con số tuyệt đối dư nợ cho vay và huy động vốn của hệ thống ngân hàng.
Thay vào đó, website của cơ quan quản lý ngành ngân hàng chỉ công bố mức thay đổi của tăng trưởng tín dụng hàng quí, hàng tháng. Năm 2009 tăng trưởng tín dụng theo Ngân hàng Nhà nước là 37,73% so với cuối năm 2008; quý 1/2010 là 3,34% so với cuối năm 2009.
Trong một cuộc họp vào cuối năm 2008, Ngân hàng Nhà nước cho biết dư nợ cả hệ thống năm đó khoảng 1,3 triệu tỉ đồng. Tính ra, dư nợ cho vay năm 2009 ước chừng 1,75 triệu tỉ đồng và quí 1-2010 khoảng 1,8 triệu tỉ đồng.
Trong cơ cấu dư nợ, từ nhiều năm nay, dư nợ cho vay bằng tiền đồng thường chiếm khoảng 75-85%, bằng ngoại tệ 15-25% tùy thời kỳ. Năm ngoái, theo các ngân hàng phỏng đoán, dư nợ tiền đồng - ngoại tệ ước 80-20%.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tăng trưởng dư nợ tiền đồng hơn 43% và ngoại tệ hơn 17%. Tuy nhiên, sang quý 1/2010 tỷ trọng dư nợ tiền đồng và ngoại tệ đổi chiều.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp Chính phủ tháng 3/2010, dư nợ ngoại tệ quí 1 tăng 14,07% so với cuối năm ngoái trong khi dư nợ tiền đồng chỉ tăng 0,57%. Từ đây có thể nhận thấy cơ cấu cho vay đang biến đổi theo hướng tăng tỷ trọng dư nợ ngoại tệ, giảm dư nợ tiền đồng.
Nói cách khác, các ngân hàng đang lấy vốn huy động ngoại tệ cho vay ngoại tệ và thông qua việc bán Đô la Mỹ vay lấy tiền đồng của doanh nghiệp để biến ngoại tệ huy động thành ngoại tệ thương mại. Con số ngoại tệ huy động chuyển dịch thành ngoại tệ thương mại trong quý 1/2010, qua nhiều số liệu tính toán, ước đoán 2 tỉ Đô la Mỹ.
Bước đầu, Ngân hàng Nhà nước đã tương đối thành công trong việc giải quyết vấn đề thừa Đô la huy động, thiếu Đô la thương mại tồn tại đã lâu của hệ thống ngân hàng. Song, nhìn về tương lai, đến tháng 6-7 năm nay, khi các khoản vay ngoại tệ của doanh nghiệp đáo hạn, liệu có xảy ra tình trạng doanh nghiệp đổ xô đi mua ngoại tệ trả nợ, và Ngân hàng Nhà nước có bán Đô la cho tổ chức tín dụng để đối tượng này bán lại cho doanh nghiệp?
Một trong những phương thức kiểm soát hiệu quả quá trình này là tiếp tục tăng giá tiền đồng ở mức thích hợp để người dân chuyển dịch tiết kiệm ngoại tệ thành tiết kiệm tiền đồng, bán ngoại tệ cho ngân hàng thay vì gửi tiết kiệm ngoại tệ. Đây là cách để tăng nguồn cung Đô la thương mại và giảm Đô la huy động một cách triệt để.
Tuy vậy, nhìn từ góc độ thương mại, một khi tiền đồng hấp dẫn hơn cũng có nghĩa là xuất khẩu không được hưởng lợi từ tỷ giá. Tính toán để cân bằng lợi ích của nhiều chủ thể là điều Ngân hàng Nhà nước sẽ còn phải tiếp tục làm khi điều hành tỷ giá năm nay.
Hải Lý (TBKTSG)