09:31 12/02/2008

“Tiền không phải vấn đề đầu tiên”

Lý Hà

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân nói về vấn đề xã hội hoá giáo dục ở Việt Nam

"Nói chung điều chỉnh học phí, nguyên tắc căn bản là học phí phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân."
"Nói chung điều chỉnh học phí, nguyên tắc căn bản là học phí phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân."
Dịch vụ giáo dục không phải là loại dịch vụ hàng hóa bình thường, vì người tiêu dùng chỉ qua thời gian sử dụng tương đối dài mới đánh giá được chất lượng hàng hóa đó. Do đó, Nhà nước phải thay mặt người dân thiết lập hệ thống đánh giá chất lượng dịch vụ giáo dục và công bố để người dân lựa chọn. Dịch vụ nào không đảm bảo đủ các tiêu chuẩn phải đóng cửa.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh như vậy khi nói đến chất lượng cũng như xã hội hoá giáo dục Việt Nam.

“Muốn xã hội hoá không phải có tiền là có tiền đề đầu tiên, mà phải có nhân lực với trình độ nghề nghiệp và tấm lòng phù hợp”. Đây là một trong những bài học mà Chính phủ đã rút ra từ tổng kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 05 về đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục. Như vậy, phải chăng việc điều chỉnh học phí mà ngành giáo dục đưa ra liệu có tạo ra sự mâu thuẫn với tinh thần trên cũng như mâu thuẫn với việc chúng ta đang tiến hành xã hội hoá giáo dục, thưa Phó thủ tướng?

Vừa qua, Chính phủ đã tổng kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 05, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã dự và chỉ đạo hội nghị. Nhiều vấn đề về lý luận đã sáng tỏ hơn qua tổng kết thực tiễn.

Bài học rút ra là muốn xã hội hóa không phải có tiền là có tiền đề đầu tiên, mà phải có nhân lực với trình độ nghề nghiệp và tấm lòng phù hợp. Thiếu giáo viên và bác sĩ thì không thể mở thêm trường học và bệnh viện. Đào tạo, chuẩn bị nhân lực phải đi trước một bước khi tiến hành xã hội hóa.

Bên cạnh đó, làm xã hội hóa thì phải có đất. Không có đất thì không thể mở trường, làm bệnh viện được! Một vấn đề nữa cần nhận rõ là muốn các dịch vụ tư tồn tại thì người cung cấp dịch vụ phải có thu nhập hoặc lợi nhuận, chứ không thể lỗ. Tức là xã hội hóa phải có tiền đề kinh tế.

Để các dịch vụ tư tồn tại được thì sức mua phải đủ lớn: mật độ dân cư phải đủ lớn và thu nhập của người dân cũng phải đủ lớn. Còn nơi nào thưa dân và thu nhập thấp thì phải mở trường công lập.Thu ít, chi nhiều sẽ lỗ, nhưng Nhà nước phải làm khi muốn trẻ đi học. Ở những nơi như thành phố lớn, những người có thu nhập cao có nhu cầu cho con em họ được học tập trong điều kiện tốt hơn ở các trường công lập hiện nay.

Do đó bên cạnh các trường công lập, địa phương đó cần khuyến khích mở các trường tư chất lượng cao hoặc xây dựng một số trường công chất lượng cao. Những người có thu nhập cao, họ tự lo việc học hành cho con em mình, Nhà nước có điều kiện chuyển phần ngân sách đó chăm lo cho người nghèo, vùng khó khăn.

Xin Phó thủ tướng phác hoạ những nét chính trong “bức tranh” xã hội hoá giáo dục ở nước ta và so sánh với các nước có nền giáo dục đã đi trước chúng ta?

Nói về xã hội hoá giáo dục của ta, từ năm 1945, Hồ Chủ tịch đã ra một sắc lệnh yêu cầu trong vòng 1 năm, những người Việt Nam từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Hòa bình, chúng ta phát triển thêm hệ thống giáo dục mầm non, tiểu học, trung học, đại học nhưng đến năm 1995, tức là 50 năm sau ngày giành được độc lập chúng ta mới phổ cập được tiểu học.

Để đạt được điều đó, chúng ta phải có hệ thống trường lớp, đội ngũ giáo viên và kinh phí cho việc phổ cập này. Hiện nay chúng ta đang phấn đấu phổ cập tiếp trung học cơ sở (THCS) vào năm 2010.

Phổ cập - hiểu theo nghĩa thông thường là ai muốn đi học cũng đều được học, với tiểu học đã được miễn học phí, còn THCS thì vẫn đóng học phí. Phổ cập 2 bậc học này có ý nghĩa xã hội rất lớn, nhưng đồng thời cũng tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn với ngân sách lên tới 50,9% so với tổng ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục.

Với THCS có 6,2 triệu học sinh, trung học phổ thông (THPT) có 3,1 triệu học sinh, bây giờ câu hỏi đặt ra là có phổ cập THPT (tức là tất cả các em học xong lớp 9 sẽ tiếp tục học hết lớp 12) được không? Câu trả lời là chưa làm được bởi hệ thống trường lớp chưa phát triển để tiếp nhận, chất lượng các em tốt nghiệp THCS chưa đủ để vào học hết THPT và tài chính cho phổ cập bậc học này cũng chưa đủ.

Ví dụ, nếu đặt mục tiêu phổ cập THPT thì cũng cần đầu tư vào đây khoảng 20% tổng chi ngân sách cho giáo dục, như vậy, 70% ngân sách giáo dục đã dành cho bậc học phổ thông thì không còn tiền để làm những việc khác như đầu tư cho giáo dục mầm non, đào tạo nghề nghiệp, giáo dục đại học nữa. Đối với giáo dục đại học, hiện ngân sách của bậc học này chiếm 16,2% ngân sách dành cho giáo dục, chỉ bằng hơn một nửa so với kinh phí dành cho bậc tiểu học.

Chúng ta đang phát triển một nền kinh tế cần có nhân lực trình độ cao nhưng chi cho toàn bộ bậc đại học gồm 1,4 triệu sinh viên chỉ bằng hơn phân nửa so với chi cho giáo dục tiểu học (27,4%). Hiện nay, học phí đại học của chúng ta khoảng 200.000 đồng/tháng, tức khoảng 150 USD/năm, trong khi ở Mỹ, ở Anh, đa số từ 10.000 USD - 15.000 USD/năm, điều đó có nghĩa 1 sinh viên họ đóng học phí 1 năm, bằng 1 sinh viên ta đóng 60 tới 100 năm.

Với mức đầu tư thấp như vậy không thể nâng đáng kể chất lượng đào tạo và tăng quy mô đào tạo. Mặc dù, về lý thuyết, về tình cảm chúng ta muốn phổ cập tất cả các bậc học nhưng thực tế chỉ làm được từng bậc học theo từng giai đoạn phù hợp với khả năng kinh tế của đất nước.

Vậy để giải được bài toán điều chỉnh tăng học phí, ngành giáo dục đã có những tính toán thế nào, thưa Phó thủ tướng?

Học phí trong bối cảnh xã hội hóa, theo chúng tôi cần tuân thủ 4 nguyên tắc chủ yếu: một là, xã hội hóa phải làm cho tổng đầu tư cho giáo dục tăng hơn trước (bao gồm cả nhà nước và tư nhân cùng tăng), trong đó, tăng đầu tư của nhà nước rất quan trọng. Hiện nay có nhiều tỉnh không chi hết định mức chi của Chính phủ dành cho giáo dục – cái đó rất không ổn.

Vừa qua, có nơi phải chuyển những trường mầm non bán công sang tư thục, phải thu phí nhiều hơn, nhiều em sẽ thất học. Vì vậy, phải xác định làm gì thì làm nhưng số người đi học giảm là không được. Do đó, nguyên tắc thứ hai là xã hội hóa giáo dục nhưng số người đi học phải tăng thêm. Thứ ba là xã hội hóa phải tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục và nguyên tắc thứ tư là đảm bảo công bằng tốt hơn.

Nói chung điều chỉnh học phí, nguyên tắc căn bản là học phí phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Tức là, người có thu nhập thấp đóng ít, thu nhập cao hơn cũng đóng cùng một tỷ lệ nhưng giá trị tuyệt đối lớn hơn so với người nghèo. Khi nói đến đóng học phí theo khả năng chi trả thì ngay trong đó cũng đảm bảo tính công bằng.

Như vậy, ở thành phố, học sinh đi học sẽ phải đóng học phí nhiều hơn so với miền núi nhưng trường lớp có điều kiện phát triển tốt hơn. Ở những địa phương có thu nhập cao, nhà nước có thể giảm đầu tư, mức hỗ trợ giảm đi để tăng chi cho những địa phương nghèo bởi chúng ta cam kết phổ cập nhưng chất lượng tối thiểu phải như nhau. Ở những địa phương đó, người dân phải đóng ít tiền hơn hoặc thậm chí không đóng tiền học nhưng vẫn được hưởng nền giáo dục cao hơn mức họ đóng góp. Nhà nước phải hỗ trợ nhiều hơn cho các địa phương nghèo.

Tức là khi áp dụng nguyên tắc đóng học phí theo khả năng chi trả và nhà nước hỗ trợ chi phí cho vùng nghèo, người nghèo thì về nguyên tắc không xảy ra tình trạng vì không đủ khả năng đóng học phí mà không đi học được. Dự kiến sẽ có khoảng 20% người dân trong 1 địa phương có nhu cầu được miễn, giảm học phí. Với nhóm gia đình có thu nhập cao hơn mức bình quân của địa phương, mong muốn đóng góp mức học phí cao hơn để con em họ học ở những trường có chất lượng tốt hơn chuẩn tối thiểu thì nhà nước cho phép có trường chất lượng cao thu phí cao hơn.

Tuy nhiên, tỷ lệ các trường thu phí cao phải nhỏ và sẽ điều chỉnh tùy vào tín hiệu của cuộc sống, nếu có nhu cầu lớn hơn thì mở rộng.

Tuy nhiên, tâm lý chung của người dân là chỉ cần nói đến “tăng” đã thấy sợ, nhất là khi thu nhập của phần đông dân chúng tương đối thấp?

Nếu tính học phí đại học cũng dựa vào thu nhập của người dân thì sẽ rơi vào vòng bế tắc, luẩn quẩn: nước nghèo nên ngân sách cho giáo dục ít, người dân thu nhập thấp nên khả năng đóng học phí thấp, do đó chi cho đào tạo ít. Hệ quả là thiếu kinh phí xây dựng trường lớp, mua sắm thiết bị, trả lương giáo viên kém nên chất lượng đại học thấp, quy mô nhỏ. Nếu cứ thế thì những người ra trường với chất lượng đào tạo thấp làm việc hiệu quả không cao, nền kinh tế lại chậm phát triển, đất nước tiếp tục nghèo.

Thưa Phó Thủ tướng, như vậy là đang dần đến thời điểm mà học phí đại học ở Việt Nam không thể không tăng?

Chúng tôi đã làm việc với một trường cao đẳng ở Nghệ An hợp tác với Hàn Quốc, mức học phí sinh viên phải đóng mỗi tháng là 100.000 đồng nhưng UBND tỉnh phải bù 400.000 đồng/tháng/sinh viên. Nhưng tất cả sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm với thu nhập từ 1,5 triệu đồng/tháng trở lên.

Học phí thật để đào tạo sinh viên cao đẳng làm nghề được là phải 500.000 đồng/tháng (gấp 2,5 lần học phí đại học hiện nay). Vì vậy, không tăng học phí đại học thì không thể có chất lượng như mong muốn.

Sau hơn một năm quyết liệt đổi mới ngành giáo dục, đánh giá của Phó Thủ tướng thế nào và ông có mong muốn gì trước thềm năm mới?

Sau hơn một năm nhìn lại, cảm giác của tôi lúc này là rất mừng khi nhân dân đòi hỏi ngành giáo dục đổi mới và đã không trách ngành giáo dục khi tổ chức thi nghiêm túc. Điều đó là sự động viên chúng tôi. Chúng tôi rất biết ơn lãnh đạo chính quyền cấp tỉnh ngay đầu năm học 2006-2007 đã có chỉ thị cho ngành giáo dục địa phương mình tham gia tích cực cuộc vận động “Hai không” của ngành.

Trước kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay kém hơn năm trước, một mặt chúng tôi rất buồn vì chưa làm tròn trách nhiệm xã hội, chưa đáp ứng nhu cầu của dân. Nhưng cái vui là chúng ta đã nói thẳng, nói rõ các yếu kém của ngành và nhân dân đang đòi hỏi mình phải làm tốt điều này hơn.

Mong muốn trong năm học tới và những năm tiếp theo, chúng tôi tiếp tục được sự ủng hộ quyết liệt như vậy và hơn nữa của cấp uỷ, chính quyền địa phương, phụ huynh, thầy, cô giáo và tất cả các em học sinh cùng chung sức để đẩy mạnh sự nghiệp phát triển giáo dục.