Tiền lương sẽ là thách thức với tăng trưởng kinh tế
Vấn đề tiền lương còn là thách thức đối với tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và bảo vệ việc làm cho người lao động
Đây là nhận định được Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trong văn bản tham gia ý kiến đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2016 và 4 tháng 2017 thuộc lĩnh vực Uỷ ban.
Thông tin từ đây là tiền lương bình quân của năm 2016 ước đạt là 5,71 triệu đồng/tháng, tăng 7,5% so với năm 2015 (5,28 triệu đồng/tháng), nguyên nhân tăng chủ yếu là do việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2016.
"Tuy nhiên tiền lương vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Đây sẽ là thách thức đối với tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và bảo vệ việc làm cho người lao động" - Uỷ ban nhận định.
Vẫn nằm trong nội dung lao động, việc làm và tiền lương, Uỷ ban cho biết tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động ước tính lần lượt tương ứng là 2,30% và 1,64% (năm 2015 là 2,33% và 1,89%; năm 2014 là 2,10% và 2,40%). Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,02%. Vấn đề quan tâm là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) có xu hướng tăng, ước tính năm 2016 là 7,34% (năm 2015: 7,03%; năm 2014: 6,26%); tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2016 đạt 53%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ, bằng cấp đạt 21%.
Năng suất lao động xã hội năm 2016 ước đạt 84,5 triệu đồng/lao động (tương đương 3.853 USD/lao động), tăng 5,3 % so với năm 2015 (3.660 USD/lao động) cho thấy tiếp tục có sự cải thiện đáng kể, tăng đều qua các năm nhưng vẫn còn ở mức thấp so với năng suất lao động của các nước ASEAN. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp là khu vực có năng suất lao động thấp còn chiếm tỷ lệ cao (41,9%) .
Theo Uỷ ban thì tính đến hết 31/12/2016, tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội mới đạt 24,5% lực lượng lao động và bảo hiểm thất nghiệp đạt 20,75%, là thách thức đối với mục tiêu mở rộng đối tượng vào năm 2020. Vấn đề cần quan tâm là số lượng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn cao, đặc biệt tình trạng chủ sở hữu doanh nghiệp chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, tiền lương của người lao động đã bỏ trốn nên quyền lợi về an sinh xã hội của người lao động chưa được đảm bảo.
Chuyển sang 2017, Uỷ ban nhận xét, trong quý 1/2017, các chỉ tiêu về lĩnh vực lao động-việc làm và năng suất lao động vẫn ở mức ổn định. Lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất và đô thị có xu hướng tăng cao so với cùng kỳ năm 2016. Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 7,4%, bảo hiểm thất nghiệp tăng 7,7%, bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Văn bản cũng nêu một số vấn đề mà theo Uỷ ban là đáng quan tâm. Như, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm đối với lao động trẻ, có chuyên môn kỹ thuật vẫn có xu hướng tăng lên, thâm dụng lao động trong các ngành dệt may, da giày và thất nghiệp ở độ tuổi 35 – 40 còn phổ biến.
Ngoài ra, nợ bảo hiểm xã hội chưa được kìm chế có hiệu quả, đến hết 31/3/2017 là 14.019 tỷ đồng (trong đó nợ bảo hiểm xã hội 10.001 tỷ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp 552 tỷ đồng). Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 17,0% so với cùng kỳ năm trước là dấu hiệu không tốt, xu hướng hưởng bảo hiểm xã hội một lần gia tăng, có tình trạng người lao động muốn về hưu sớm hoặc về hưu trước năm 2018 để tránh giảm sút về lương hưu do quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội.