12:33 22/12/2008

Tiền thưởng: Vài “bí mật” của Phố Wall

Kiều Oanh

Nhiều khả năng, tiền thưởng của ngành tài chính - ngân hàng Mỹ năm nay sẽ chỉ bằng một nửa của năm ngoái

Trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, các nhà chức trách Mỹ và giói cổ đông đang đặt câu hỏi về vai trò của những khoản tiền thưởng khổng lồ trong việc gây ra thách thức hiện nay cho ngành này.
Trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, các nhà chức trách Mỹ và giói cổ đông đang đặt câu hỏi về vai trò của những khoản tiền thưởng khổng lồ trong việc gây ra thách thức hiện nay cho ngành này.
Đối với Dow Kim, một nhà quản lý tại lĩnh vực đầu tư cho vay địa ốc của ngân hàng đầu tư Merrill Lynch, năm 2006 là một năm tuyệt vời.

Lương của Kim năm này tại Merrill chỉ là 350.000 USD, nhưng tổng thu nhập của anh tại tập đoàn gấp 100 lần con số này, tức là 35 triệu USD. Đó là vì, tiền thưởng của Kim gấp đúng 99 lần lương của anh. Năm đó, bộ phận của anh làm ăn cực phất.

Thời hoàng kim

Các đồng nghiệp của Kim, thậm chí cả những người có chức vụ thấp hơn anh rất nhiều, cũng có mức thu nhập rất cao trong năm 2006. Năm đó, tổng mức tiền thưởng mà Merrill chi ra cho lãnh đạo và nhân viên tập đoàn dao động trong khoảng 5 - 6 tỷ USD. Một nhà phân tích tại Merrill có mức lương cơ bản là 130.000 USD/năm nhận được khoản tiền thưởng 250.000 USD, một nhà giao dịch có lương cơ bản 180.000 USD/năm nhận được mức tiền thưởng 5 triệu USD…

Cũng trong năm 2006, tổng tiền lương và thưởng của CEO Merrill khi đó là Stanley O’Neal là 46 triệu USD. Tổng thu nhập của 100 người có thù lao cao nhất trong năm đó tại Merrill là 500 triệu USD.

Tuy nhiên, mức lợi nhuận kỷ lục 7,5 tỷ USD của Merrill trong năm 2006 nhanh chóng tan biến như bong bóng xà phòng. Từ đó, tập đoàn này đã thua lỗ gấp 3 lần mức lợi nhuận trên do khủng hoảng tài chính. Kết cục, Merrill đã bị bán lại cho ngân hàng Bank of America.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã xảy ra khủng hoảng, Merrill vẫn hào phóng trong chuyện tiền thưởng. Brian Lin là một trong những nhà giao dịch cuối cùng được tuyển vào bộ phận chứng khoán địa ốc của Merrill vào mùa hè năm 2007. Khi đó, Merrill vẫn hứa sẽ thưởng cho Lin nếu anh gia nhập tập đoàn. Tuy số tiền thưởng này được Lin giữ bí mật, người ta cho rằng, số tiền sẽ không dưới con số triệu USD.

Phần lớn thời gian của thập kỷ này được xem là thời hoàng kim của Phố Wall, tất nhiên trừ cuộc khủng hoảng hiện nay. Trong đó, tiền lương chỉ bằng một góc của tiền thưởng.

Mùa thưởng cuối năm luôn là quãng thời gian tưng bừng của ngành tài chính Mỹ. Điều này đặc biệt đúng ở New York, nơi cứ 4 USD được các công ty trả cho nhân viên, thì có 1 USD trả cho nhân viên trong ngành tài chính.

Cuối năm, các quan chức ngành tài chính - ngân hàng Mỹ luôn tụ tập trong những bữa tối sang trọng, trò chuyện sôi nổi về cách tiêu tiền, từ các cuộc bán đấu giá từ thiện, tới những ngôi nhà mới, xe hơi mới, những tác phẩm nghệ thuật…

Cơn sốt tiền thưởng này đã định nghĩa lại khái niệm thế nào là thành công của cả một thế hệ. Những sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu tìm kiếm cơ hội cho mình trong ngành ngân hàng, thay vì những lĩnh vực khác như y dược, cơ khí hay giáo dục.

Môi trường làm việc ở Phố Wall rất khắc nghiệt, nhưng lời hứa về tiền thưởng ở đây cũng thật tuyệt vời. Trong các ký túc xá ở trường đại học, những câu chuyện về những người 30 tuổi mỗi năm kiếm 5 triệu USD ở Phố Wall là những chuyện được kể thường xuyên.

Mặc dù các quan chức hàng đầu Phố Wall vẫn là những người nhận nhiều tiền thưởng nhất, số nhân viên ở đây có thu nhập từ 1 triệu USD trở lên cũng khiến nhiều người phải sốc. Ở Phố Wall, mục tiêu đầu tiên là kiếm được 1 triệu USD.

Trong năm 2006, có hơn 100 nhân viên trong bộ phận giao dịch trái phiếu của Merrill kiếm được hơn 1 triệu USD. Cũng năm này, có hơn 50 người làm việc Goldman Sachs có thu nhập trên 20 triệu USD.

Tổng số lương thưởng năm 2007 mà gần 600 quan chức của 116 ngân hàng Mỹ được Chính phủ nước này dùng tiền thuế của dân để hỗ trợ thời gian qua lên tới con số 1,6 tỷ USD. Ước tính, số lương thưởng bình quân của mỗi quan chức trong số này là 2,6 triệu USD.

Trong đó, CEO Lloy Blankfein của Goldman Sachs nhận được 54 triệu USD trong tổng số 242 triệu USD lương thưởng dành cho 5 quan chức hàng đầu của ngân hàng này. Con số này vẫn khiêm tốn so với mức thù lao 83 triệu USD mà CEO John Thain của Merrill Lynch, người kế nhiệm cựu CEO O’Neal,  nhận được trong năm 2007. Ông Thain là quan chức có mức thù lao cao nhất trong ngành tài chính – ngân hàng Mỹ năm ngoái.

Chính sách mới


Thù lao ở Phố Wall tùy thuộc vào lợi nhuận, mà lợi nhuận thì phụ thuộc vào những khoản tiền đi vay dễ dàng được đầu tư vào các thị trường như thị trường chứng khoán hay địa ốc. Khi vai trò của ngành tài chính trong nền kinh tế Mỹ tăng cao, thu nhập của những người làm việc trong ngành này cũng phình to, tăng gấp 6 lần kể từ năm 1975 - một tốc độ cao gấp đôi so với mức tăng thu nhập của một công nhân trung bình Mỹ.

Trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, các nhà chức trách Mỹ và giói cổ đông đang đặt câu hỏi về vai trò của những khoản tiền thưởng khổng lồ trong việc gây ra thách thức hiện nay cho ngành này.

Ở thời điểm này, các tài chính - ngân hàng ở Mỹ, đối tượng đang được Chính phủ nước này dùng tiền thuế của dân để cứu trợ, đang chuẩn bị lên danh sách thưởng cuối năm, do đó, việc giám sát của các cơ quan chức năng đối với hoạt động này càng được tăng cường. Nhiều khả năng, tiền thưởng của ngành tài chính - ngân hàng Mỹ năm nay sẽ chỉ bằng một nửa của năm ngoái, nhưng nhiều quan chức của ngành này vẫn có thể bỏ túi hàng triệu USD.

Năm nay, các quan chức của một số tập đoàn tài chính lớn của Mỹ như Goldman Sachs, AIG, Citigroup… một phần vì áp lực từ các kế hoạch hỗ trợ của Chính phủ nước này, một phần do tự nguyện, đã chấp nhận không nhận một đồng tiền thưởng nào. Thu nhập năm nay của các quan chức hàng đầu ở Goldman Sachs sẽ chỉ là tiền lương cơ bản ở mức khoảng 600.000 USD/năm/người.

Thống đốc bang New York David Paterson mới đây cho hay, bang này năm nay thiệt hại 178 triệu USD tiền thuế thu nhập cá nhân vì 6 quan chức hàng đầu của Goldman không có tiền thưởng!

Hiện một số ngân hàng như Morgan Stanley và UBS cũng đã đặt ra những quy định mới về tiền thưởng, cho phép thu hồi một phần thu nhập của lãnh đạo và nhân viên nếu mức thu nhập đó được trả dựa trên lợi nhuận không có thật. Nếu chính sách này được áp dụng từ trước, có lẽ hàng trăm triệu tiền thưởng tại hai tập đoàn này trong năm 2006 đã bị thu hồi.

Giới phê bình cho rằng, tiền thưởng ở Phố Wall lẽ ra không nên lớn tới vậy, vì mức tiền thưởng này chỉ dựa trên lợi nhuận ngắn hạn của các tập đoàn. Họ cho rằng, cách trả thù lao như vậy của Phố Wall chỉ khiến các lãnh đạo và nhân viên của các tập đoàn hành động như những con bạc khát nước. Thậm chí cả những người làm việc ở Phố Wall cũng thừa nhận rằng, họ cũng lóa mắt vì tiền. Để có nhiều tiền thưởng hơn, không ít nhà giao dịch đã xem thường rủi ro.

Cần nói thêm, phần lớn thu nhập của quan chức Phố Wall đều được trả dưới dạng cổ phiếu. Những người đứng đầu các tập đoàn tài chính ở đây cho rằng, cách trả thù lao này giúp tránh được việc họ đưa ra những quyết định “mù quáng”. Tuy nhiên, trên thực tế, số tiền mặt mà họ nhận được cũng là rất lớn.

Như trường hợp của nhà môi giới Kim ở đầu câu chuyện này, trong thời gian từ năm 2001 - 2007 làm việc tại Merrill Lynch, anh được trả tổng số 116,6 triệu USD lương và thưởng. Trong số đó 55 triệu USD là tiền mặt.

Năm 2007, Kim rời Merrill mà không được thưởng một đồng nào. Tuy nhiên, CEO mất chức O’Neal thì lại càng giàu thêm, vì ông này được nhận được từ Merrill một gói bồi thường thôi việc trị giá 161 triệu USD.

(Theo New York Times, AP)