09:00 10/09/2019

Tiếng kêu thúc thủ của doanh nghiệp nhà nước

Đoàn Trần

Đã đến lúc phải thấy rằng yêu cầu lấy lại hình ảnh cho doanh nghiệp nhà nước là yêu cầu cấp bách

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình hỏi các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, trong đó có nhiều "anh cả đỏ" lừng lẫy một thời, "doanh nghiệp nhà nước là then chốt, có nhất trí thế không?". Đáp lại là một không khí im lặng đầy hoài nghi bao trùm, nghe ngóng và... thúc thủ.

Doanh nghiệp nhà nước đang bước vào công cuộc cải tổ lớn chưa từng có, được ví như cuộc chiến, chiến đấu với bản thân để vươn lên, chiến đấu với những điều tiếng từ dư luận để khẳng định vai trò "then chốt" trong nền kinh tế. 

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương kêu gọi doanh nghiệp nhà nước, "dồi dào niềm tin, cũng như ra trận, thiếu niềm tin thì không thể thắng. Phải có niềm tin để từng bước gây dựng lại hình ảnh tốt đẹp của doanh nghiệp nhà nước". 

Hội nghị chuyên đề trực tuyến với hai đầu cầu Nam, Bắc của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương ngày 9/9 về tình hình triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, trở thành cuộc đối thoại giữa Trưởng Ban Kinh tế Trung ương với các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước. Đối thoại để "Nghị quyết 12 phải đi vào cuộc sống", Trưởng Ban Kinh tế Trung ương quả quyết nói, "đối thoại để doanh nghiệp nhà nước nhận thức đúng vai trò, nhận diện trúng khó khăn, vướng mắc".

"Không phải đầu cũng phải tai"

Gần 2 tiếng sau câu hỏi "doanh nghiệp nhà nước là then chốt, có nhất trí thế không?" của Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Tập đoàn Cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuận đáp lời từ đầu cầu phía Nam sau khi nghe ngóng đầy thận trọng. Do đó, phát biểu này của ông Thuận càng giống như một tiếng kêu thúc thủ của doanh nghiệp nhà nước. 

Sự rút lui vào "boongke" của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, trong đó có ông Thuận cũng là điều dễ hiểu bởi như tại Tập đoàn Cao su, vừa mới tháng 8 rồi, hàng loạt cựu lãnh đạo của Tập đoàn này vừa bị tuyên án như cựu tổng giám đốc, cựu chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Cao su Việt Nam Lê Quang Thung lĩnh bốn năm tù, cựu giám đốc, cựu chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cao su Phú Riềng, cựu phó tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam Nguyễn Hồng Phú lĩnh ba năm sáu tháng tù... vì tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại 43,2 tỉ đồng. 

Chủ tịch Tập đoàn Cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuận than phiền về ác cảm mà của xã hội và kể cả một số lãnh đạo đối với doanh nghiệp nhà nước, trong khi những sai phạm của khu vực này là con sâu bỏ rầu nồi canh, thì lại đánh đồng tất cả các doanh nghiệp nhà nước giống như lực lượng "ăn tàn phá hại". 

Nhắc đến thời kỳ Tây Bắc cực kỳ khó khăn vào chục năm trước, khi khu vực tư nhân đều lảng tránh, Tập đoàn Cao su vẫn xông pha đến nơi đây đầu tư. Nhiều năm tháng đã đi qua những khoản đầu tư của Tập đoàn đóng góp quan trọng cho nỗ lực giảm nghèo cho vùng đất này nhưng cơ chế chính sách cho Tập đoàn hầu như không có được bao nhiêu, nhận về thiệt thòi nhưng Tập đoàn Cao su chưa từng than thở. 

Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn, Tập đoàn thực hiện rất quyết liệt, triệt để thoái vốn những lĩnh vực không trọng yếu theo đúng quy định mặc dù doanh nghiệp đang làm ăn rất hiệu quả... 

"Chúng tôi nỗ lực rất lớn nhưng đánh giá của xã hội dường như vẫn không mấy thiện chí. Doanh nghiệp nhà nước đã không còn được ưu tiên gì như ngày xưa, vậy thì, bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp, thì cũng phải bình đẳng trong cả đánh giá, ai làm tốt thì phải nói tốt thì mới có thể phát huy được năng lực, nhiệt huyết", ông Thuận cho biết, "cứ thế này, tâm lý lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước là thúc thủ thay vì thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giữ an toàn còn hơn là tiến về phía trước".

Chia sẻ trước nỗi niềm này của doanh nghiệp, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho hay, trong xu thế mở đường cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, mời gọi họ tham gia vào cùng sân chơi với doanh nghiệp nhà nước nhưng doanh nghiệp tư nhân rất ngại tham gia vào những doanh nghiệp nào có vốn nhà nước. 

"Họ bảo tôi là, "thôi anh ạ, e đi chỗ khác 'chơi', chứ dính vào đây không phải đầu cũng phải tai, vào đây em sợ lắm". Rõ ràng, đã đến lúc chúng ta phải thấy rằng yêu cầu lấy lại hình ảnh cho doanh nghiệp nhà nước là yêu cầu cấp bách, kéo dài tâm tư này sẽ trở thành rào cản hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước", ông Bình nói.

"Ăn cây táo, rào cây táo"

Nhẩm tính chỉ còn hơn một năm nữa là kết thúc nhiệm kỳ này, trong khi năm sau cả guồng máy phải cuốn vào Đại hội Đảng các cấp, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng chỉ còn ít thời gian như vậy thì khó có thể thực thi được công cuộc cải tổ toàn diện doanh nghiệp nhà nước, do vậy, cần tập trung vào làm tốt nhất hai việc trước mắt lại tự tin để có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của mình và lan tỏa sự tự tin này ra toàn xã hội thì mới có thể làm phôi pha đi điều tiếng. 

Việc thứ hai là phải nhận diện đúng, trúng những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ để thực hiện tốt vị trí, vai trò của mình, từng bước lấy lại hình ảnh, vị thế của doanh nghiệp nhà nước. 

Ông Bình khẳng định, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của doanh nghiệp nhà nước, xác định cùng với cơ chế, chính sách của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với những biến động thị trường; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chính sách an sinh xã hội.

Kể lại chuyện, "ngày trước, khi tôi còn trẻ có tham gia việc kêu gọi vốn xây dựng cho cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Lúc đó, nếu kêu gọi tư nhân góp vốn họ có làm không, chắc chắn không! Bởi nhiều người đã nói với tôi rằng, làm đường này là ném tiền qua cửa sổ vì làm xong có ma nào đi! Nhưng Nhà nước vẫn quyết tâm làm, cố gắng làm. 

Và đến nay, chúng ta thấy là quyết định này đã giúp cho các tỉnh có cao tốc đi qua phát triển", theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, "nói thế để thấy rằng, kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước là rất quan trọng, nhất là trong những thời điểm đất nước khó khăn".

"Chúng ta muốn các doanh nghiệp nhà nước không chỉ phát triển mà còn phải phát triển lành mạnh. Doanh nghiệp nhà nước cần lấy lại sự tự tin và dồi dào niềm tin, cũng như ra trận, thiếu niềm tin thì không thể thắng. Phải có niềm tin để từng bước gây dựng lại hình ảnh tốt đẹp của doanh nghiệp nhà nước".
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình

Nêu tiếp một ví dụ nữa về EVN, ông Bình nhận định, nếu như không có EVN thì có nhiều nhà máy thủy điện nhỏ và vừa của tư nhân không, có thể có điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng không? EVN đã tạo ra hạ tầng quan trọng cho tư nhân. Hay trong vấn đề an ninh năng lượng, vẫn phải do EVN quyết định. 

Chúng ta có dám cổ phần hóa những nhà máy thủy điện lớn như Lai Châu, Sơn La không? Chắc chắn không, vì ngoài an ninh năng lượng, còn là an toàn hồ đập, điều tiết nước, nếu cứ hăng hái bán lại cho tư nhân, về tay họ rồi, họ nói nước của em là vàng, là tiền, mà lại bảo em xả tưới tiêu cho nông nghiệp sao em chịu vì mục tiêu của em là lợi nhuận...".

Chủ tịch Tập đoàn Cao su Việt Nam giãi bày rằng, "những doanh nghiệp nhà nước chúng tôi ăn cây táo, rào cây táo, chúng tôi đều mong muốn phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả cũng như thực hiện tốt mọi nhiệm vụ nhà nước giao, đặc biệt là các chính sách an sinh". 

Thực tế, theo đánh giá của Chính phủ, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 30a/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; tham gia các chương trình an sinh xã hội của Trung ương cũng như địa phương trên địa bàn cả nước. Có 26/32 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước trong Khối doanh nghiệp Trung ương đã thực hiện hỗ trợ cho 54/62 huyện nghèo toàn quốc, vượt 32,2% so với tổng số vốn cam kết.

Theo kết quả chính thức Tổng điều tra Kinh tế năm 2017 được Tổng cục Thống kê công bố ngày 19/9/2018, tỷ suất sinh lời trên doanh thu (tính bằng tổng lợi nhuận trước thuế/ tổng doanh thu) của doanh nghiệp nhà nước đạt 6,6%, chỉ thua khu vực FDI (đạt 6,7%).

Trong khi đó tỷ suất sinh lời của khu vực ngoài nhà nước đạt tỷ lệ thấp nhất 1,9%; số lượng doanh nghiệp nhà nước ít nhưng thuế và các khoản đã nộp lại đạt cao nhất với 104 tỷ đồng/doanh nghiệp. Mức này được Tổng cục Thống kê đánh giá là cao hơn nhiều so với khối FDI chỉ 18 tỷ đồng/doanh nghiệp và ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước trung bình là 1 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Dù đã và đang phải gánh nhiều điều tiếng, các doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng vai trò chủ công trong xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội mà các thành phần kinh tế khác chưa làm được hoặc không muốn đầu tư, như hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng nông nghiệp và nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng thông tin liên lạc, hạ tầng đô thị và các công trình hạ tầng phục vụ quốc phòng, an ninh... Ví dụ hạ tầng viễn thông hiện nay đạt trình độ tiên tiến khu vực đều do các doanh nghiệp nhà nước đảm nhận.