10:43 01/11/2007

Tiếp thị địa phương: Tại sao không?

Cạnh tranh được định hình ở bốn cấp độ: toàn cầu, quốc gia, địa phương và doanh nghiệp

Giống như tiếp thị sản phẩm, nhưng “sản phẩm” địa phương phải được hiểu là đất đai, thổ nhưỡng, vị trí, địa lý, lịch sử, văn hoá, kinh tế, v.v… và cả con người của vùng đất đó.
Giống như tiếp thị sản phẩm, nhưng “sản phẩm” địa phương phải được hiểu là đất đai, thổ nhưỡng, vị trí, địa lý, lịch sử, văn hoá, kinh tế, v.v… và cả con người của vùng đất đó.
Cạnh tranh được định hình ở bốn cấp độ: toàn cầu, quốc gia, địa phương và doanh nghiệp. Trong bài viết này, chúng ta bàn về khả năng cạnh tranh ở cấp địa phương.

Tiếp thị cái đặc biệt của địa phương

Giống như tiếp thị sản phẩm, nhưng “sản phẩm” địa phương phải được hiểu là đất đai, thổ nhưỡng, vị trí, địa lý, lịch sử, văn hoá, kinh tế, v.v… và cả con người của vùng đất đó. Sản phẩm địa phương có đặc tính là hiếm, không dịch chuyển, không trùng lắp và tính đặc thù rất cao. Bởi vậy nó đòi hỏi cách tiếp thị cũng phải độc đáo, linh hoạt và khác biệt.

Tiếp thị địa phương là những hoạt động giới thiệu với các nhà đầu tư, kinh doanh, khách du lịch, khách vãng lai, v.v… những cái có đặc biệt của địa phương mình mà các địa phương khác dù muốn cũng khó có thể cạnh tranh được. Những sản phẩm bình thường của địa phương, như một hòn đá thiên nhiên, cũng có thể thổi được vào nó một cái hồn – biến nó thành hòn vọng phu - chẳng hạn. Hòn đá bỗng nhiên huyền hoặc và trở thành nguồn lợi cho thị trường tại chỗ.

Xây dựng chiến lược tiếp thị địa phương là tìm cách phát huy những đặc thù riêng của địa phương mình nhằm hấp dẫn những thị trường và khách hàng muốn nhắm tới, vì thế nó phải dựa trên tiêu chí coi nhà đầu tư và khách hàng là trọng tâm. Cạnh tranh giữa các địa phương với nhau không chỉ là chất lượng sản phẩm và giá cả rẻ, mà còn cạnh tranh bằng cơ chế - chính sách, sự tận tụy - chuyên nghiệp của bộ máy nhà nước, thái độ ứng xử văn minh lịch sự của người dân, uy tín của doanh nhân và thương hiệu của doanh nghiệp.

Làm như thế nào?

Tiếp thị địa phương phải do người đứng đầu địa phương cầm trịch, như người nhạc trưởng điều khiển một dàn nhạc khổng lồ. Người tham gia “hoà nhạc” là tất cả cán bộ - công nhân viên chức nhà nước, tất cả các doanh nghiệp đóng trên địa bàn và toàn bộ cư dân của địa phương. Vì lẽ này tiếp thị địa phương đòi hỏi tính cộng đồng rất cao của xã hội dân sự và tính minh bạch công khai của nhà nước, cả địa phương là một thực thể hài hoà thống nhất, thân thiện với đầu tư, thân thiện với du khách.

Hoạt động tiếp thị địa phương phải dựa trên chiến lược phát triển kinh tế, xã hội ở cấp quốc gia và nền tảng cho hoạt động này là cơ chế, chính sách cụ thể của từng địa phương. Nếu làm được như thế thì hoạt động tiếp thị địa phương sẽ nhịp nhàng, đồng bộ. Mâu thuẫn cục bộ trong hoạt động tiếp thị của địa phương sẽ được hạn chế ở mức thấp.

Lưu ý là chính những nhà đầu tư, kinh doanh, khách du lịch, khách vãng lai,... cũng là những người tham gia tiếp thị cho địa phương mình, vì họ là “người thật, việc thật”. Nếu địa phương để lại trong lòng lượng khách này nhiều thiện cảm thì họ sẽ đem những gì được nghe, được thấy, được đối xử nói lại cho nhiều người. Điều đó giúp tạo được niềm tin và thuyết phục nhóm khách hàng mới đến với địa phương.

Không giống những sản phẩm khác, lợi thế của nhiều sản phẩm địa phương là không dịch chuyển. Vì thế khi được “bán rồi” chẳng ai đem đi; ngược lại họ còn phải đem tiền bạc và của cải đến trút vào thị trường địa phương. Điều đó giúp sản phẩm địa phương được gia tăng giá trị.