09:16 19/10/2007

Tiêu chuẩn không thiếu, nhưng...

Thùy Linh

Hệ thống tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam không hề yếu kém, thậm chí “hoành tráng” so với các nước trong khu vực

Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hiện nay có khoảng 6.000 tiêu chuẩn, trong đó 20% hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế.
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hiện nay có khoảng 6.000 tiêu chuẩn, trong đó 20% hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế.
Các hoạt động thương mại toàn cầu hiện nay đòi hỏi tất cả hàng hoá phải đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Để tiếp cận thị trường toàn cầu, trong đó có thị trường Bắc Mỹ, sản phẩm và hàng hoá Việt Nam phải đạt tiêu chuẩn chất lượng và được các phòng thử nghiệm tại Hoa Kỳ kiểm tra chặt chẽ trước khi được nhập vào thị trường Hoa Kỳ.

Trước yêu cầu xúc tiến và đẩy mạnh các quan hệ thương mại và các mối liên kết với Hoa Kỳ cũng như áp dụng các tiêu chuẩn và quy trình của Hoa Kỳ vào thị trường đang phát triển của Việt Nam, Liên hợp các phòng thử nghiệm Washington đã phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 của Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xây dựng tiêu chuẩn và tác động đối với thương mại” tại Hà Nội ngày 18/10. Một hội thảo tương tự cũng đã được tổ chức trước đó vào ngày 16/10 tại Tp.HCM.

Theo ông Mike Violette, Chủ tịch Liên hợp các phòng thử nghiệm Washington: “Với việc mở cửa thị trường thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường kiểm soát quy trình và sản phẩm sau khi Việt Nam gia nhập WTO, đây chính là thời điểm thích hợp để xem xét các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn cơ bản. Hơn nữa, Chính phủ Hoa Kỳ đang cam kết rộng hơn trong hoạt động đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, tạo ra một môi trường thuận lợi cho các hoạt động giao thương”.

Việc gia nhập WTO là một thuận lợi lớn để các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập vào khu vực và thế giới, mở mang sự giao lưu trao đổi, tăng cường tiếp xúc học hỏi nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thị trường quốc tế sẽ là một thách thức lớn đối với chất lượng sản phẩm của Việt Nam trong vấn đề quan hệ thương mại. Để hàng hoá Việt Nam có thể có chỗ đứng trên thị trường thế giới, các nhà sản xuất đã phải nghiên cứu kỹ lưỡng đặc điểm yêu cầu của thị trường các nước đó. Đã đến lúc phải xem họ cần gì để làm chứ không phải chỉ nói mình làm được gì.

Trước hết, về mặt tiêu chuẩn chất lượng. Trước đây, các nhà sản xuất chỉ quen với tiêu chuẩn Liên Xô cũ (TOCT) và các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) cũng xuất phát chủ yếu từ TOCT. Trong khi các nước trên thế giới chủ yếu dựa vào các tiêu chuẩn ISO, IEC và ITU, bên cạnh đó có Ủy ban Codex. Xu thế hiện nay các tiêu chuẩn quốc tế thường được các quốc gia tham khảo hoặc chấp nhận hoàn toàn tiêu chuẩn quốc gia để thuận lợi hoá cho hoạt động thương mại.

Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hiện nay có khoảng 6.000 tiêu chuẩn, trong đó 20% hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ như tiêu chuẩn liên quan đến thực phẩm chủ yếu là các tiêu chuẩn được chấp nhận từ tiêu chuẩn Codex, các tiêu chuẩn về điện-điện tử của Việt Nam chấp nhận hoàn toàn với tiêu chuẩn IEC.

Tuy nhiên, trong định hướng để hài hoà với các tiêu chuẩn quốc tế, Việt Nam chủ yếu định hướng vào hai khía cạnh quan trọng. Một là liên quan đến quản lý, những vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh sức khoẻ và môi trường thì chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế tương ứng để đảm bảo cho việc hội nhập, hài hoà và thừa nhận thuận lợi. Hai là các tiêu chuẩn về phương pháp đo, thử, phân tích để tạo dựng phương pháp thống nhất trên toàn thế giới.

Theo nhìn nhận của ông Lương Văn Phan, Phó giám đốc Trung tâm tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, hệ thống tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam không hề yếu kém, thậm chí “hoành tráng” so với các nước trong khu vực. Chúng ta đã có trên 8.000 tiêu chuẩn đã ban hành, nếu loại ra khoảng 2.000 tiêu chuẩn không còn thích hợp thì số tiêu chuẩn của chúng ta đều tương đương với các tiêu chuẩn của quốc tế.

Yếu kém của chúng ta hiện nay, theo ông Phan, thể hiện ở hai khâu: thứ nhất, chúng ta chưa đủ năng lực để kiểm soát, ví dụ như liên quan đến các phương tiện thử nghiệm mà đôi khi các phương tiện đó rất đắt tiền. Nhiều khi chúng ta muốn quản lý nhưng không có điều kiện để thử và xác định. Thứ hai, quan trọng hơn, là nhận thức từ phía các nhà quản lý về tuân thủ luật pháp, tuân theo các tiêu chuẩn.

Các chuyên gia Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh rằng vấn đề của Việt Nam không phải là chất lượng mà là cần xác định sớm phải chú ý đến vấn đề chất lượng trong hệ thống. Để sớm hội nhập tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, việc tổ chức các hội thảo, tập huấn, diễn đàn... của các nhà quản lý doanh nghiệp xoay quanh nội dung tiêu chuẩn chất lượng được xem như một biện pháp hữu hiệu để góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục mọi người.