12:13 24/11/2020

"Bước vào" di sản kiến trúc cách đây 800 năm nhờ công nghệ thực tế ảo

Tuệ Mỹ

Bắt đầu từ chiều 23/11, công chúng Thủ đô sẽ có 7 ngày để trải nghiệm miễn phí những hình ảnh kiến trúc của di sản chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo. Từ hàng nghìn mảnh vỡ khảo cổ, từ hàng trăm hiện vật mỹ thuật còn lại sau bao thăng trầm lịch sử, lần đầu tiên, những cộng nghệ thời 4.0 sẽ giúp chúng ta có thể chiêm ngưỡng hình ảnh cổ xưa của chùa Một Cột, và có thể bước vào không gian di sản kiến trúc vàng son thời Lý cách nay 800 năm.
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho biết, trưng bày lần này là kết quả nghiên cứu của nhóm Sen Heritage, kế thừa từ các học giả đi trước. Qua đây, công chúng có thể ngắm nhìn những hình ảnh cổ xưa của chùa Một Cột - Diên Hựu, một công trình kiến trúc đặc sắc, biểu tượng nổi bật của Thăng Long – Hà Nội.Tham quan trưng bày lần này, công chúng sẽ được thấy các ảnh cổ thời Pháp chụp kiến trúc chùa Một Cột thời Nguyễn, ảnh chùa bị đánh sập năm 1954, ảnh phục dựng năm 1955 của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng, ảnh hiện vật của các bảo vật quốc gia như tượng Phật chùa Phật Tích (năm 1057), phiên bản cột đá chùa Dạm (năm 1094), Bia Sùng Thiện Diên Linh (năm 1121)…
Bước vào di sản kiến trúc cách đây 800 năm nhờ công nghệ thực tế ảo - Ảnh 1.
Bước vào di sản kiến trúc cách đây 800 năm nhờ công nghệ thực tế ảo - Ảnh 2.
Trọng tâm trưng bày là các tranh 3D, phim 3D, sản phẩm công nghệ thực tế ảo VR3D, mô hình phỏng dựng kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý được nhóm Sen Heritage, gồm các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư và người yêu thích văn hóa cổ truyền Việt Nam, thực hiện trong 10 năm. Trong đó, điểm nhấn là sản phẩm thực tế ảo VR3D chùa Một Cột - Diên Hựu. Tuy chỉ là sản phẩm công nghệ, nhưng các kiến trúc, tỷ lệ kiến trúc trong sản phẩm được xử lý tốt dựa trên nhiều tài liệu nghiên cứu giá trị. Ngoài ra, sự kiện cũng trưng bày một số mô hình hiện vật và kiến trúc thời Lý như đầu rồng, lá đề song long hiến châu…Theo Ban Tổ chức, mặc dù đây chỉ là "thực tế ảo" nhưng các thức kiến trúc và tỷ lệ kiến trúc đã được xử lý dựa trên số liệu cụ thể, nhằm hướng đến phục vụ việc lưu trữ dữ liệu, bảo tồn văn hóa, tái lập phế tích, quảng bá di sản văn hóa thời Lý đến với công chúng đương đại, đồng thời còn có thể ứng dụng trong công tác trưng bày bảo tàng, giáo dục di sản, quảng bá văn hóa truyền thống, điện ảnh, du lịch...
Bước vào di sản kiến trúc cách đây 800 năm nhờ công nghệ thực tế ảo - Ảnh 3.
Bước vào di sản kiến trúc cách đây 800 năm nhờ công nghệ thực tế ảo - Ảnh 4.
Sen Heritage là một nhóm gồm các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, họa sĩ, và các bạn trẻ yêu thích văn hóa cổ truyền Việt Nam. Leaders của nhóm gồm TS. Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm, VASS), Nhà thiết kế Trần Thanh Tùng (CEO Circle Group, Hội quán Di sản), Kiến trúc sư Đinh Anh Tuấn (CEO VNi, Holomia), và các thành viên khác như Duy Nguyễn, Hiệu Sicula, Lê Minh Quân, Phạm Minh Tùng, Nguyễn Huy…VR3D chùa Diên Hựu - Một Cột thời Lý là sản phẩm đầu tiên của nhóm trong chương trình tái lập các di sản kiến trúc - mỹ thuật thời Lý Trần như: Đài đèn Quảng Chiếu, chùa tháp Sùng Thiện Diên Linh, tháp Báo Thiên, chùa Ngưỡng Sơn Linh Xứng, An Nam tứ đại khí, … và nhiều di sản văn hóa khác.
Trưng bày "Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo" diễn ra đến hết ngày 30/11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.