09:14 10/01/2021

Xông hơi rất dễ chịu, nhưng xông sao cho đúng cách?

Hoài Phương

Xông hơi giúp giãn nở mạch máu dưới da, kích thích lưu thông khí huyết và thúc đẩy việc đào thải độc tố ra khỏi cơ thể theo đường mồ hôi. Các loại tinh dầu trong nước xông giúp sát trùng đường hô hấp trên, tạo cảm giác nhẹ nhõm, sảng khoái, hết nghẹt mũi… Chính vì vậy, xông hơi giúp cơ thể giảm mệt mỏi, giảm đau nhức cơ khớp và phục hồi sức khỏe sau một ngày làm việc căng thẳng. Các triệu chứng cảm, nghẹt mũi cũng thuyên giảm đáng kể. Xông hơi còn hỗ trợ điều trị các bệnh viêm mũi dị ứng và viêm xoang…
Trong làm đẹp, xông hơi là một biện pháp chăm sóc hiệu quả và tiết kiệm. Trong suốt quá trình xông hơi, các lỗ chân lông giãn nở, đẩy các chất cặn bã ra ngoài, giúp da sạch mụn và kích thích hình thành collagen, giúp da mịn màng và đẹp hơn. Bên cạnh đó, các tinh dầu sử dụng trong xông hơi sẽ giúp làm lành các vết thương, giữ làn da sáng khỏe. Tác dụng làm đẹp da còn phát huy nhiều hơn nếu nếu mát xa và dùng kem dưỡng sau khi xông hơi.Tuy nhiên, không phải ai cũng sử dụng được biện pháp xông hơi với thảo dược, việc xông hơi thảo dược nếu không đúng cách, có thể gây ra những nguy hại đối với sức khoẻ. Chỉ nên điều trị xông lá trong khoảng từ 1- 2 ngày đầu khi nhiễm lạnh.  Vì khi người bệnh bị nhiễm khí độc, gió độc đang nằm dưới da nên phương pháp xông sẽ có tác dụng mở lối cho khí độc thoát ra ngoài. Khoảng từ ngày thứ 3 trở lên người cảm lạnh đã bị nhiễm tà khí sâu vào trong  lúc đó không nên xông mà phải dùng các phương pháp khác.
Xông hơi rất dễ chịu, nhưng xông sao cho đúng cách? - Ảnh 1.
Các dược liệu dùng để xông hơi đa phần dùng dạng tươi, dễ kiếm, dễ hái ngay trong vườn nhà. Liều lượng mỗi lần, thường dùng dưới dạng một nắm (tương đương 50 - 70g). Tùy theo từng chứng bệnh mà có các dược liệu tương ứng, ví dụ khi bị cảm mạo phong hàn, nồi lá xông sẽ có nhiều vị thuốc,  được cấu tạo theo các nguyên tắc sau:- Dược liệu mang tính kích thích khai mở tuyến mồ hôi: đó  là các loại lá có mùi thơm, tức có chứa các thành phần bay hơi: tinh dầu, coumarin, các chất terpen... có khả năng kích thích tuyến mồ hôi: lá sả, khuynh diệp, tía tô, kinh giới, hương nhu, bạc hà, cúc tần...- Dược liệu mang tính thanh nhiệt: lá tre, lá duối, lá mây... là những dược liệu chứa nhiều chất chlorophyl (diệp lục tố) có tác dụng  thanh nhiệt giải độc tốt.- Dược liệu mang tính nhuận hạ, lợi tiểu: Lá và dây khoai lang, rễ khoai lang chứa nhiều chất nhựa có tác dụng nhu nhuận  đường tiêu hóa.
Như vậy, tác dụng chung của các dược liệu nói trên là làm cho cơ thể ra mồ hôi dẫn đến hạ nhiệt khi sốt cao, thanh nhiệt  giải độc và nhuận hạ, giúp cơ thể thải nhiệt qua đường đại tiểu tiện.
Xông hơi rất dễ chịu, nhưng xông sao cho đúng cách? - Ảnh 2.
Các dược liệu xông được đun trong nồi đậy kín, sôi khoảng 5-7 phút. Lấy ra, đặt  phía trước người bệnh, trùm chăn kín, người bệnh cởi áo để hơi lá xông trực tiếp vào toàn bộ phần da trên cơ thể,  mở vung nồi cho hơi bốc lên, đồng thời múc lấy một bát nước xông khoảng 100ml. Trong quá trình xông, thỉnh thoảng lại quấy đảo để cho hơi bốc mạnh. Khi hơi đã giảm, người bệnh uống bát nước lá xông.Như vậy, dưới tác động của  hơi nước bão hòa, tinh dầu của các dược liệu đã kích thích khai mở lỗ chân lông, làm  mồ hôi thoát ra. Việc uống bát nước lá xông có ý nghĩa làm ấm bên trong, tăng áp lực thẩm thấu, đẩy tiếp mồ hôi ra ngoài, tăng sức giải cảm. Chú ý, cần lau nhanh mồ hôi, mặc áo ngay, tránh gió lùa. Và không ra gió sau khi xông.
Những người bị một số bệnh tuyệt đối không được áp dụng các biện pháp xông như: bệnh huyết áp, tim mạch, mắc bệnh ngoài da, phụ nữ mang thai, những người hay ra mồ hôi, mất máu nhiều, mới ốm dậy thể trạng còn yếu, người cao tuổi, trẻ em…