07:18 01/08/2008

Tìm lời giải bài toán... nhỏ và vừa

Thúy Nhung

Vì sao nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam vẫn chưa thể khẳng định năng lực cạnh tranh?

Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam còn manh mún, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp nên rất khó có khả năng đáp ứng đủ và kịp thời những đơn hàng lớn.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam còn manh mún, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp nên rất khó có khả năng đáp ứng đủ và kịp thời những đơn hàng lớn.
Nền kinh tế cần những doanh nghiệp nhỏ do linh hoạt, dễ thích ứng, nhưng cũng rất cần những doanh nghiệp lớn để đáp ứng được những đơn hàng "to".

TS. kinh tế Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có cách "vào đề" khá ấn tượng, khi trao đổi với VnEconomy xung quanh câu chuyện vì sao nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam vẫn chưa thể khẳng định năng lực cạnh tranh.

Khó vào thị trường công nghiệp

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã thu hút khoảng 45 tỷ USD vốn FDI nhưng chỉ mới giải ngân khoảng 6 tỷ USD. Đại diện của một số doanh nghiệp này cho rằng hiện các doanh nghiệp ở Việt Nam chưa đủ điều kiện để đáp ứng về nguyên vật liệu, linh kiện đầu vào cho họ. Bà nghĩ sao về điều này?

Khi một doanh nghiệp FDI đầu tư vào một nơi nào đó, họ thường kỳ vọng vào thị trường cung ứng nội địa của quốc gia đó. Trừ các ngành có ứng dụng công nghệ cao và các ngành dịch vụ, chi phí cho lao động vẫn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng chi phí của sản phẩm nên họ đặc biệt chú trọng tới nguồn nguyên phụ liệu.

Tuy nhiên, thực tế không ít doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đã phải thất vọng. Họ đã không tìm được những nhà cung ứng đủ mạnh để có thể đáp ứng nhu cầu của mình.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam còn manh mún, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, nên rất khó có khả năng đáp ứng đủ và kịp thời những đơn hàng lớn.

Vậy đâu là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chưa thể khẳng định được vai trò của mình cũng như khó lớn mạnh để đáp ứng được những yêu cầu này?

Hiện nước ta có khoảng 200.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động và khoảng 3,7 triệu hộ kinh doanh cá thể. Những đơn vị kinh doanh này đã góp phần giải quyết hơn 60% lao động phi nông nghiệp trong cả nước. Mỗi năm lại có khoảng 30.000 - 40.000 doanh nghiệp đăng ký và 100.000 - 200.000 hộ kinh doanh cá thể ra đời. Như vậy, vai trò của những doanh nghiệp này là không nhỏ.

Tuy nhiên, những đơn vị kinh doanh này cũng có nhiều điểm hạn chế, đó là khó tiếp cận được với những thị trường công nghiệp - một thị trường rất đặc biệt so với thị trường bán những sản phẩm cuối cùng.

Thêm vào đó, do năng lực quản lý thấp và thường bắt đầu bằng việc tự tạo công ăn việc làm nên khả năng tích lũy vốn và kinh nghiệm của những doanh nghiệp này là khá thấp. Khả năng ứng dụng công nghệ của họ cũng yếu trong khi thị trường công nghiệp có những đòi hỏi khá khắt khe.

Ngoài ra, ý chí vươn lên của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam cũng chưa thực sự mạnh mẽ. Đa phần vẫn còn tâm lý bán cái mình có chứ không phải là những gì thị trường cần. Cộng thêm với sự kém chủ động, không nhanh nhạy trong việc tìm kiếm thị trường cũng khiến cho những doanh nghiệp này khó lớn được.

Cần coi doanh nghiệp FDI là khách hàng tiềm năng

Ở nhiều nước, doanh nghiệp nhỏ chính là đơn vị cung cấp nguyên phụ liệu cho những doanh nghiệp vừa và những doanh nghiệp này lại cung ứng cho những doanh nghiệp lớn hơn, tạo thành một chuỗi cung ứng hiệu quả. Phải chăng các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam vẫn còn thiếu khả năng liên kết?

Đúng khả năng liên kết của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn có những hạn chế. Hiện vẫn tồn tại kiểu mạnh ai nấy làm. Chính kiểu làm ăn nhỏ lẻ này đã khiến cho các doanh nghiệp không thể nâng cao giá trị cho sản phẩm của mình và cũng không thể đáp ứng được các đơn hàng của các đối tác lớn.

Đơn cử như đối với quả vải thiều, nếu không có sự liên kết giữa các nhà sản xuất để cùng nhau xây dựng thương hiệu “Vải thiều Thanh Hà”, cùng cam kết về chất lượng thì người tiêu dùng rất khó có thể phân biệt được với các quả vải từ nơi khác. Như thế thì dù là vải ngon nhưng giá bán cũng sẽ chỉ như những loại vải thông thường.

Khi tìm hiểu vì sao Trung Quốc có thể sản xuất ra những sản phẩm có giá thành rất thấp, chúng tôi đã nhận được câu trả lời từ chính các chuyên gia nước này rằng họ rất chú trọng tới tính liên kết thông qua việc phát triển các cụm công nghiệp.

Trong một cụm công nghiệp, các doanh nghiệp trong một chuỗi cung ứng sẽ được cụm lại với nhau. Khi đó không chỉ tiết kiệm được chi phí vận chuyển mà việc tìm kiếm thị trường, đáp ứng những đơn hàng lớn cũng sẽ được thực hiện dễ dàng hơn.

Nhưng ở Việt Nam, trên thực tế, trong công tác quy hoạch chúng ta chưa thực sự chú trong tới điều này. Việc quy hoạch các cụm công nghiệp mới chỉ nhằm giải quyết vấn đề về mặt bằng sản xuất, ô nhiễm môi trường chứ chưa hỗ trợ cho vấn đề giảm chi phí, liên kết nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đôi khi các cụm công nghiệp dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy hoạch ở một nơi, còn các khu công nghiệp gồm toàn các doanh nghiệp FDI lại được quy hoạch ở một nơi khác. Rất hiếm khi có sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong một cụm hay một khu công nghiệp.

Như vậy, chính các doanh nghiệp FDI sẽ là những khách hàng tiềm năng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam cần chủ động coi những doanh nghiệp FDI là những khách hàng tiềm năng của mình và cần có sự liên kết lại để đáp ứng những đơn hàng lớn của những đơn vị này. Thực tế, các doanh nghiệp FDI  rất “thèm“ có được nguồn nguyên phụ  liệu tại chỗ, được cung cấp bởi các doanh nghiệp nội địa.

Bởi như vậy, họ không chỉ  giải quyết  được vấn đề giá thành mà còn giảm được rất nhiều thời gian cũng như chi phí vận chuyển, đồng thời việc sản xuất của họ  cũng trở nên ít phụ thuộc hơn vào những vấn đề liên quan đến  việc nhập khẩu, tỷ giá thanh toán...

Điều này cho thấy các doanh nghiệp FDI cũng sẽ được lợi rất nhiều nếu các doanh nghiệp nội địa lớn mạnh và họ cũng rất mong chờ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ động tìm đến họ để “chào mời”. Thậm chí họ sẵn sàng có những sự trợ giúp tích cực để các doanh nghiệp này đủ lớn.

Vì vậy, song song với cơ chế thu hút FDI, cơ quan quản lý cũng cần có những cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp này hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi đó, sẽ không chỉ tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, tăng khả năng hấp thụ FDI của nền kinh tế, mà nền công nghiệp nội địa cũng có điều kiện để phát triển.