12:53 19/06/2008

Tìm nghề cho nông dân mất đất

Hà Lê

Những năm gần đây, một lượng lớn đất nông nghiệp đã phải chuyển đổi mục đích sử dụng

Nghề thủ công cũng góp phần tạo việc làm cho nông dân mất đất.
Nghề thủ công cũng góp phần tạo việc làm cho nông dân mất đất.
Những năm gần đây, một lượng lớn đất nông nghiệp đã phải chuyển đổi mục đích sử dụng.

Khi nông dân phải chuyển đổi nghề để bảo đảm cuộc sống, việc chính quyền cần có chính sách, giải pháp hỗ trợ hiệu quả là bài toán khó không riêng tỉnh Đồng Nai mà của nhiều địa phương khác.

Thủ tướng đã có Chỉ thị 11/2006/CT-TTG yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có định hướng quy hoạch, kế hoạch về chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm và vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động ngay trong quá trình xây dựng quy hoạch và kế hoạch thu hồi đất nông nghiệp...

Loay hoay tìm nghề

Đối với nông dân, ngoài cày cấy ra, họ chẳng biết làm nghề gì. Nhiều người trong số họ đành chấp nhận “về hưu”, mặc dù nếu còn đất sản xuất, họ vẫn có thể ra đồng làm việc.

Anh Phạm Văn Đ. (Tư Đ.), 52 tuổi, trước đây làm nông nghiệp ở Hợp tác xã Gò Me (phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa), không làm được việc gì khác, nên “thu nhập” hàng tháng của anh là khoản lãi tiền gửi ngân hàng, từ số tiền được đền bù khi bị thu hồi đất.

Ông Trần Quang Dũng, lô E5 khu tái định cư An Phước (An Phước, Long Thành) cho biết, sau khi có tiền đền bù, ông dồn hết vào xây được căn nhà này để ở, nay không biết làm gì thêm để có thu nhập. Nhiều gia đình do không có nghề, nên phải làm đủ thứ việc, kể cả làm thuê, làm mướn...

Nhiều nông dân có đất bị thu hồi nằm trong các dự án khu công nghiệp, khu dân cư ở các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom... đều khẳng định, số người được học nghề chưa nhiều.

Một trong những nguyên nhân khiến nông dân không mặn mà lắm trong chuyện học nghề, là họ chưa quen với những việc cần phải suy nghĩ, học các kiến thức mới để điều khiển những thiết bị hiện đại... Làm nghề nông cơ cực, nhưng lại dễ, đó là suy nghĩ của rất nhiều người.

Cho nên, khi được chính quyền địa phương giao số tiền hỗ trợ dạy nghề, thì họ dùng vào chi tiêu là chính. Trung tâm dạy nghề ở các huyện, nhiều lúc cũng không nắm được có bao nhiêu học viên đã qua học nghề là đối tượng bị thu hồi đất.

Điều này cho thấy, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, đoàn thể địa phương trong việc đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất chưa chặt chẽ.

Chính quyền cùng vào cuộc

Đến thời điểm này, huyện Nhơn Trạch có 595 dự án đầu tư trên tổng diện tích 12.063 hécta. Theo UBND huyện Nhơn Trạch, đến nay đã tạo điều kiện giải quyết việc làm cho 3.351 lao động có đất bị giải tỏa trắng và mất trên 30% đất sản xuất (đạt 75%).

Trong số này có 1.450 lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn; 600 lao động được vay vốn giải quyết việc làm tại chỗ; 1.301 lao động có việc làm thông qua các chương trình kinh tế - xã hội... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập và chưa phù hợp với yêu cầu thực tế.

Còn với huyện Trảng Bom, trong số hộ bị thu hồi đất đã có 1.608/2.689 người 18-35 tuổi được tuyển dụng vào các công ty, doanh nghiệp; còn lại tiếp tục sản xuất nông nghiệp (392 người) hoặc làm việc khác (689 người). Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND huyện, còn khoảng 20% số hộ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống do phải chuyển đổi nghề nghiệp.

Đứng trước tình hình đó, ngày 8/4/2008, UBND tỉnh Đồng Nai đã ký ban hành “Quy định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nhân dân thuộc diện thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”.

Theo đó, có hai mức hỗ trợ học nghề: ngắn hạn và dài hạn. Các đối tượng tham gia học nghề ngắn hạn được hỗ trợ học phí tối đa 300 ngàn đồng/tháng; được hỗ trợ tiền ăn mỗi ngày thực học: 10 ngàn đồng/người nhưng không quá 250 ngàn đồng/tháng.

Tổng kinh phí hỗ trợ cho học viên học nghề ngắn hạn, không vượt quá 4,6 triệu đồng (tăng 1,8 triệu đồng so với trước). Số tiền này, cơ quan chức năng chi trả trực tiếp cho cơ sở dạy nghề...

Đối với học nghề dài hạn (cao đẳng nghề, trung cấp nghề), ngoài nguồn kinh phí Nhà nước cấp hàng năm, người tham gia lớp học được hỗ trợ tiền ăn 4,6 triệu đồng trong suốt thời gian học; hỗ trợ tiền học phí tối đa 300 ngàn đồng/người/tháng. Tiền hỗ trợ này cũng được trả trực tiếp cho cơ sở dạy nghề...

Khi quy định học nghề và giải quyết việc làm được triển khai ở các địa phương trong thời gian tới, sẽ không còn tình trạng người lao động nhận tiền hỗ trợ nhưng không chịu học nghề. Điều này sẽ giúp người lao động tích cực tham gia lớp học khi chọn cho mình một nghề thích hợp.

Và như thế, hy vọng sẽ giảm bớt được tình trạng thất nghiệp đối với nông dân không còn đất sản xuất.