21:42 23/07/2014

Tín dụng 6 tháng cuối năm: Tìm kế đẩy tiền

Nguyễn Hoài

Nhóm nghiên cứu BIDV nhận xét “tín dụng chưa thể có sự đột biến” trong 6 tháng cuối năm

Tín dụng toàn ngành chỉ tăng 3,52% trong 6 tháng đầu năm 2014<br>
Tín dụng toàn ngành chỉ tăng 3,52% trong 6 tháng đầu năm 2014<br>
Qua nửa năm, tín dụng toàn ngành chỉ tăng 3,52% và đang là áp lực lớn với Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nhẩm tính rằng, nếu ngân sách tiêu được 300 nghìn tỷ đồng trái phiếu phát hành từ hệ thống ngân hàng thì tín dụng chỉ cần tăng 7%.

Nhóm nghiên cứu BIDV vừa đưa ra bản phân tích thị trường tiền tệ trong 6 tháng đầu năm. Nổi lên trong đó là nhận xét “tín dụng chưa thể có sự đột biến” trong 6 tháng cuối năm.

Chưa thể đột biến

Sở dĩ nhận xét như vậy là do đà tăng tín dụng trì trệ từ nửa đầu năm (tăng trưởng huy động 5,26% nhưng tín dụng chỉ tăng 3,52%) sẽ còn kéo dài đến hết năm.

Và để cải thiện chỉ số tín dụng ở nửa đầu năm, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thừa nhận: “Khi tín dụng bị đình trệ, Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt sử dụng kênh tín dụng ngoại tệ như cú hích nhằm góp phần đẩy toa tàu tín dụng toàn hệ thống nhích lên để hỗ trợ cho tăng trưởng”.

Điều bà Hồng nói cũng khớp với thống kê của nhóm phân tích: trong khi cấu phần tín dụng VND chỉ tăng 2,17% thì tín dụng ngoại tệ tăng tới 12,03%; dẫn đến, tỷ lệ LDR (tỷ lệ cấp tín dụng/vốn huy động) đối với nội tệ chỉ xấp xỉ 80%.

Ở đây, có một số thông tin cho rằng, tỷ lệ LDR đối với ngoại tệ lên tới 95% trong 6 tháng đầu năm nhưng Ngân hàng Nhà nước khẳng định, nếu cân đối toàn bộ tổng nguồn ngoại tệ mà ngân hàng thương mại có, bao gồm: tiền gửi ngoại tệ, tiền gửi ngoại tệ trong nước khác, nguồn vốn nước ngoài (vay nước ngoài, tiền gửi từ ngân hàng nước ngoài, khoản cấp tín dụng ngân hàng mẹ cho ngân hàng con, nguồn ủy thác ngoại tệ từ Chính phủ vay nợ nước ngoài...) thì tỷ lệ này chỉ ở mức 60% và hoàn toàn không ảnh hưởng xấu đến tỷ giá.

Trở lại với vấn đề tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm 2014, nhóm phân tích nhận định, thị trường VND liên ngân hàng tiếp tục ổn định trong 6 tháng cuối năm và đó là nền tảng cực kỳ quan trọng để nhận biết tính thanh khoản diễn biến theo chiều hướng tốt.

Theo đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có thể tăng nhẹ, phù hợp với xu hướng tăng trưởng tín dụng nhích lên vào những tháng cuối năm; kỳ hạn qua đêm đến 1 tuần có thể dừng ở mức 4,5%/năm.

Tìm kế đẩy tiền

Dù muốn hay không thì tại thời điểm này, cùng với nỗ lực tăng trưởng tín dụng, kể cả khi không thể cán đích 12% - 14% thì Chính phủ vẫn phải tìm cách đẩy tiền ra.

Phân tích điểm này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, khi mà ngành ngân hàng đã làm hết cách, tháo gỡ mọi khó khăn mà tín dụng không tăng trưởng được như ý muốn bởi vì sức hấp thụ vốn kém, tổng cầu chưa hồi phục thì cũng không phải quá lo ngại. Bởi lẽ, nếu ngân hàng không đầu tư được tín dụng thì sẽ mua trái phiếu.

Theo ông Bình, năm 2013, Quốc hội chỉ cho phép thâm hụt ngân sách 4,8% GDP nên Bộ Tài chính chỉ phát hành trái phiếu khoảng 80 nghìn tỷ đồng (cuối năm 2013, Chính phủ đề xuất và được Quốc hội chấp nhận nới lên 5,3% GDP - PV).

Thực tế năm 2013 cho thấy, ngân hàng dư tiền nhưng tín dụng không ra được, trong khi kênh trái phiếu chính phủ cũng bị kẹt luôn do chỉ tiêu thâm hụt ngân sách Quốc hội chỉ cho phép ở mức độ như nói trên. Nhưng cũng nhờ đó mà áp lực giảm lãi suất của năm 2013 cũng vơi nhẹ, vì rằng, khi dư vốn, thanh khoản dồi dào thì buộc ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước không cần thiết phải can thiệp.

Tuy nhiên, với 2014, mặt bằng lãi suất ở thời điểm này là hợp lý do còn phải cân đối giữa ngoại tệ và VND; cân đối với lạm phát khoảng 5% như mục tiêu của Chính phủ đã đề ra. Bởi lẽ, nếu để lãi suất xuống quá thấp thì tiền quá nhiều, dẫn đến chi tiêu dễ dãi và nguy cơ lạm phát bùng lên là khó tránh.

Như nói ở trên, năm 2013, do “room” thâm hụt ngân sách chỉ được phép 4,8% GDP nên Bộ Tài chính chỉ dám phát hành khoảng trên 80 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ; còn năm nay, Quốc hội cho phép tỷ lệ trên tăng lên 5,3% GDP nên Bộ Tài chính có quyền phát hành trên 300 nghìn tỷ đồng.

Qua 6 tháng đầu năm 2014, đã phát hành trên 150 nghìn tỷ đồng, đạt trên 50%. Như vậy, nửa năm còn lại, nếu phát hành thành công 150 nghìn tỷ đồng và toàn bộ số tiền thu được qua phát hành trái phiếu được đẩy ra nền kinh tế thì mọi chuyện êm ả hơn.

“Nếu 300 nghìn tỷ đồng phát hành trái phiếu được đẩy ra nền kinh tế thì sẽ tác động rất tốt đến tăng trưởng. Trong trường hợp này, tăng trưởng tín dụng chỉ cần 7% thì vẫn đảm bảo mức tăng trưởng khoảng 5,6% như mục tiêu Chính phủ đã đặt ra, cao hơn mức 5,4% của 2013. Chưa kể, lạm phát dự kiến chỉ xoay quanh 5% và là năm đầu tiên trong gần một thập kỷ, lạm phát thấp hơn tăng trưởng”, ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, với hệ thống ngân hàng, kể cả khi không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% - 14% thì vẫn đóng góp rất lớn, đó là mua trái phiếu chính phủ, tạo nên nguồn tài chính cho ngân sách chi tiêu. Vì nếu ngân hàng không mua thì chẳng ai mua.

Theo thống kê của nhóm nghiên cứu BIDV, so sánh về mặt kỳ hạn trái phiếu, có một điểm tích cực là mặc dù kỳ hạn 3 năm vẫn duy trì vị trí dẫn đầu, chiếm tới 37% tổng lượng phát hành nhưng sự thay đổi  đang diễn ra ở kỳ hạn 2 năm và 5 năm. Tỷ trọng kỳ hạn 2 năm thu hẹp đáng kể từ 36% của năm 2013 xuống còn 27%, còn tỷ trọng kỳ hạn 5 năm tăng từ 21% lên 27%.

Điều này sẽ giảm áp lực thanh khoản đáng kể, nếu cầu tín dụng được các chuyên gia dự kiến hồi phục vào năm 2016.