09:17 26/06/2012

Tin xấu dồn dập tấn công châu Âu

Hoài An

Châu Âu đang đứng trước hàng loạt sự việc mới, khiến cơn bão nợ công càng lúc càng khó khống chế hơn

Bão nợ công đang ngày một đẩy châu Âu tiến gần hơn tới bờ vực.
Bão nợ công đang ngày một đẩy châu Âu tiến gần hơn tới bờ vực.
Hôm qua (25/6), tổ chức định mức tín nhiệm Moody's đã hạ từ một tới 4 bậc tín nhiệm nợ và tiền gửi dài hạn của 28 ngân hàng Tây Ban Nha. Đây là cú đòn mới nhất của Moody's giáng xuống hệ thống tài chính toàn cầu.

Trước đó, hồi tháng 5, Moody's cũng đã hạ bậc 16 ngân hàng Tây Ban Nha. Còn vào ngày 13/6 vừa qua, Moody's đã hạ ba bậc xếp hạng tín nhiệm tín dụng của Tây Ban Nha, chỉ vài ngày sau khi Madrid đạt được thỏa thuận vay 100 tỷ euro (125 tỷ USD) để củng cố hệ thống ngân hàng nước này.

Theo Moody's, nguyên nhân hạ bậc cùng lúc 28 ngân hàng là do tài chính ngày càng suy yếu của Chính phủ Tây Ban Nha có thể khiến nước này gặp khó trong việc hỗ trợ các ngân hàng. Ngoài ra, các nhà băng này dễ bị tác động bởi khoản thua lỗ từ bong bóng bất động sản đã nổ của Tây Ban Nha.

Hôm qua, Chính phủ Tây Ban Nha chính thức gửi thư đến Chủ tịch các bộ trưởng bộ tài chính Khu vực đồng Euro đề nghị các đối tác trong khối hỗ trợ tài chính hệ thống ngân hàng nước này. Quy mô của gói giải cứu mới, theo giới thạo tin, lên tới 100 tỷ Euro (tương đương 125 tỷ USD).

Đề nghị trên được đưa ra sau khi các công ty tư vấn độc lập cho biết các ngân hàng của Tây Ban Nha có thể cần tới 62 tỷ Euro để thoát khỏi tình trạng khó khăn. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Tây Ban Nha De Guindos khẳng định, chính quyền nước này cam kết thực hiện các quy định pháp lý và điều kiện vay.

Mục đích của việc làm này là nhằm hoàn tất biên bản ghi nhớ kịp đưa ra thảo luận tại cuộc họp nhóm các bộ trưởng bộ tài chính Khu vực đồng Euro dự kiến diễn ra vào 9/7 tới. Ông De Guindos cũng cam kết khoản hỗ trợ trên sẽ được rót qua Quỹ Tái cấu trúc ngân hàng (FROB) do nhà nước kiểm soát.

Trước đó, hai công ty tư vấn độc lập Olive Wyman (Mỹ) và Roland Berger (Đức) đã kiểm toán 14 ngân hàng lớn nhất của Tây Ban Nha và kết luận rằng trong "kịch bản" căng thẳng nhất, các ngân hàng nước này sẽ cần từ 51-62 tỷ euro để trang trải khoản thiếu hụt do bong bóng bất động sản nước này.

Ngoài yếu tố Tây Ban Nha, kinh tế châu Âu cũng đứng trước một cú sốc mới khi hôm qua Cộng hòa Síp bất ngờ xin cứu trợ từ Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) nhằm ngăn chặn những rủi ro cho nền kinh tế đất nước, sau khi hệ thống ngân hàng Cộng hòa Síp bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng khu vực.

Các ngân hàng của Síp đã bị tổn thất một lượng lớn trái phiếu Chính phủ Hy Lạp và cũng đang đối mặt với tình trạng thua lỗ nặng nề do khoản vay cho các doanh nghiệp trong nước giữa bối cảnh các doanh nghiệp này cũng bị thiệt hại nặng nề bởi cuộc suy thoái sâu tại đối tác thương mại lớn nhất là Hy Lạp.

Như vậy, Cộng hòa Síp đã chính thức trở thành nước thứ 5 trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu cầu cứu trợ tài chính để vượt khủng hoảng. Điều này mặc dù đã được dự báo cách đây vài tuần khi nước này chật vật khôi phục lại hệ thống ngân hàng, song vẫn gây cú sốc đối với giới đầu tư quốc tế.

Một tin tức khác cũng cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nợ công đang diễn biến ở châu Âu đó là khoản viện trợ bằng đồng Euro dành cho các nước nghèo đã giảm đáng kể. Đáng chú ý là Hy Lạp và Tây Ban Nha, hai nước vốn chìm ngập trong thâm hụt ngân sách, đều cắt giảm mạnh viện trợ.

Trong khi đó, Đức và Italy mặc dù đã tăng các chương trình viện trợ, nhưng cũng giống như toàn Liên minh châu Âu, hai nước này vẫn không thể thực hiện được các cam kết của mình.

Theo báo cáo của Tổ chức chống đói nghèo quốc tế (ONE) công bố ngày 25/6, tổng số tiền viện trợ từ 27 nước thành viên Liên minh châu Âu trong năm 2011 vừa qua đã giảm 1,5% xuống còn 50,86 tỷ euro (khoảng 63,76 tỷ USD) và đây là lần cắt giảm đầu tiên kể từ năm 2002.

Việc cắt giảm này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến các nước nghèo đang cần sự hỗ trợ từ các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là những nước châu Phi. Các biện pháp thắt chặt ngân sách sẽ tác động mạnh tới chương trình viện trợ có thể kéo lùi thời điểm một số nước châu Phi có thể đứng vững trên đôi chân mình.

ONE tính rằng, 15 nước là thành viên Liên minh châu Âu trước năm 2004 phải tăng nguồn viện trợ cho châu Phi trong thời gian từ 2004-2015 lên 26,6 tỷ Euro để tôn trọng cam kết mà họ đã công khai. Tính đến cuối năm ngoái, tổng số tiền viện trợ tăng thêm mới chỉ đạt 6 tỷ Euro, tương đương 22,5% mục tiêu.