08:54 23/04/2008

Toàn cảnh vụ từ chức của Chủ tịch Samsung

Kiều Oanh

Tuyên bố từ chức của ông Lee được phát trên sóng truyền hình Hàn Quốc đã gây một cú sốc lớn tại quốc gia này

Tuyên bố từ chức của ông Lee được phát trên sóng truyền hình Hàn Quốc đã gây một cú sốc lớn tại quốc gia này - Ảnh: Forbes.
Tuyên bố từ chức của ông Lee được phát trên sóng truyền hình Hàn Quốc đã gây một cú sốc lớn tại quốc gia này - Ảnh: Forbes.
Ngày 22/4, vị doanh nhân được coi là quyền lực nhất Hàn Quốc - ông Lee Kun Hee, Chủ tịch tập đoàn Samsung - đã tuyên bố từ chức.

Động thái này này của ông Lee được đưa ra vài ngày sau khi bị cơ quan chức năng của Hàn Quốc buộc tội ông trốn thuế và có những hành vi gian lận khác.

Tuyên bố gây sốc

Tuyên bố từ chức của ông Lee được phát trên sóng truyền hình Hàn Quốc đã gây một cú sốc lớn tại quốc gia này, mặc dù người dân Hàn Quốc từ lâu đã quen với việc các doanh nhân hàng đầu của đất nước phải ra hầu tòa.

“Tôi xin được bày tỏ lời xin lỗi sâu sắc vì đã khiến đất nước phải bận tâm và sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về những việc mà mình đã làm”, ông Lee nói.

Mặc dù một số quan chức Samsung trước đó cho biết, ông Lee có thể có những hành động mang tính quyết định nhằm đưa tập đoàn thoát khỏi cuộc khủng hoảng hình ảnh tồi tệ nhất trong vòng nhiều năm qua, hầu như chẳng ai có thể đoán trước được việc ông sẽ từ chức. Trong hơn 20 năm ngồi ở ghế Chủ tịch Samsung, bản thân ông Lee đã vượt qua vô số những vụ scandal tham nhũng và buộc tội hối lộ khác.

Cuối năm ngoái, một cựu luật sư của Samsung đã tố cáo nhiều lãnh đạo hàng đầu của tập đoàn này có một quỹ đen nhằm mục đích hối lộ các chính khách, các nhà hành pháp và các quan chức. Một cuộc điều tra sau đó được tiến hành trong 3 tháng và ông Lee cùng với 9 quan chức cao cấp khác của Samsung đã bị truy tố, nhưng cơ quan chức năng không tìm được bằng chứng nào chứng minh được hành vi hối lộ của họ.

Thay vào đó, trong kết quả điều tra được công bố tuần trước, ông Lee bị cơ quan điều tra tố cáo đã trốn thuế với số tiền thuế lên tới ít nhất 128 triệu USD. Thêm vào đó, ông còn bị buộc tội làm thiệt hại lợi ích của các cổ đông khác bằng cách ngấm ngầm dàn xếp để các công ty thành viên của Samsung bán cổ phiếu với giá rẻ cho con trai ông, nhằm mục đích chuyển giao quyền quản lý cho anh này.

Nếu bị kết án, ông Lee có thể chịu mức án phạt tù từ 5 năm đến chung thân. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, với truyền thống “giơ cao đánh khẽ” đối với các đại doanh nhân ở Hàn Quốc, ông sẽ không phải ngồi tù lâu.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng phát hiện ra ông Lee có giữ khoảng 4,6 tỷ USD ẩn dưới dạng cổ phiếu và tài khoản ngân hàng được mở dưới tên của các quan chức Samsung và được quản lý bởi những bộ hạ thân tín nhất của ông. Theo người phát ngôn của Samsung, số tiền này là một phần tài sản mà ông Lee thừa kế từ người cha đã quá cố của ông. Tập đoàn này cũng cho rằng, ông Lee cần phải có những khoản vốn bí mật để bảo vệ quyền quản lý của ông khỏi những âm mưu sáp nhập từ các đối thủ khác.

Lập luận nói trên được cơ quan điều tra chấp nhận nhưng các nhà phê bình vẫn mạnh mẽ chỉ trích việc các nhà điều tra không chịu đào sâu vào việc số tiền này có phải là tiền tham ô của tập đoàn và đã được sử dụng để hối lộ các chính trị gia hay không. Giới phê bình cũng cho rằng, quyết định chưa bắt giữ ông Lee và các cấp dưới của ông là một biểu hiện nương nhẹ nữa đối với hành vi tham nhũng tại các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc và điều này có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài ngại vào nước này.

Samsung tuyên bố, ông Lee “sẽ không sử dụng số tiền này cho bản thân và gia đình, mà cho những hoạt động có ích”. Các công tố viên cho biết, số tiền 4,6 tỷ USD trên sẽ được chuyển sang các tài khoản mang tên ông Lee. Sau khi bị trừ thuế, số tiền này sẽ được sử dụng vào các mục đích từ thiện chứ không được chuyển cho ông Lee hoặc người thân. Các đại gia ở Hàn Quốc bị kết tội tham nhũng từ trước đến nay vẫn thường đóng góp những khoản tiền lớn cho các quỹ từ thiện.

Sau khi ông Lee từ chức, các công ty thành viên của Samsung sẽ tạm thời tự quản lý độc lập.

Ai sẽ là người kế vị ông Lee tới lúc này vẫn còn là một ẩn số. Con trai của ông Lee là Lee Jae Yong, người được coi là ứng cử viên sáng giá cho việc tiếp quản chức chủ tịch, sẽ rời vị trí giám đốc phụ trách khách hàng hiện nay và ra nước ngoài làm việc với một vai trò khác chưa được công bố cụ thể. Cùng từ chức với ông Lee còn có 4 quan chức cấp cao khác, bao gồm người đứng đầu Phòng Kế hoạch chiến lược kiêm Phó chủ tịch tập đoàn Lee Hak Soo và một số giám đốc điều hành các công ty thành viên khác.
Cùng với đó, Văn phòng Kế hoạch chiến lược - một bộ phận từ lâu gây tranh cãi - cũng sẽ bị giải tán. Báo cáo trực tiếp lên chủ tịch, văn phòng này có sức mạnh lớn và thường xuyên bị buộc tội là bảo vệ cho lợi ích của nhà họ Lee trong khi gây bất lợi cho các cổ đông khác của Samsung.

Vài chuyện bên lề

Những chaebol - tập đoàn khổng lồ - đã đưa Hàn Quốc vươn lên từ đống đổ nát của cuộc chiến tranh hai miền những năm 1950 - 1953 trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của châu Á. Người Hàn Quốc lâu nay đã quen sống tràn ngập với các sản phẩm và dịch vụ của các chaebol này. Một người dân ở nước này có thể sinh ra trong một bệnh viện của Samsung, học đại học tại trường đại học của Samsung, sử dụng hàng điện tử của Samsung, kết hôn trong một khách sạn của Samsung, và qua đời trong một bệnh viện của Samsung.

Tuy nhiên, các tập đoàn này nhiều năm qua cũng đã bị lên án mạnh mẽ về việc có những cấu trúc quản lý thiếu minh bạch và không thể thâm nhập. Trước đây, Chính phủ Hàn Quốc thường có rất nhiều ưu đãi chính trị cho Samsung và các chaebol khác, coi các tập đoàn này là những đầu tàu của nền kinh tế và cũng là một nguồn quỹ đen cho hoạt động chính trị. Các nhà phê bình cho rằng, đã nhiều năm qua những tập đoàn gia đình này hầu như chẳng chịu thay đổi, mặc dù các quan chức của họ đã liên tục phải ra tòa vì những lời cáo buộc tham nhũng và hối lộ.

Nhiều người cho rằng, sự từ chức của ông Lee chỉ là việc thay đổi người nắm ghế cao nhất ở Samsung, còn sự thật thì gia đình họ Lee vẫn là những người chủ của tập đoàn này. “Việc Chủ tịch Lee từ chức không thể được coi là một bước cải cách lớn vì hệ thống quản lý của Samsung được thiết kế để ông Lee có thể gây ảnh hưởng như ý muốn”, một nhà phân tích nhận xét.

Trong khi đó, người phát ngôn của Samsung cho biết, việc chuyển giao quyền lực này sẽ khởi đầu một quá trình mới theo đó sự minh bạch trong Samsung sẽ được cải thiện đáng kể. Đồng thời, hoạt động quản lý sẽ mang tính tự quản cao hơn và sẽ chấm dứt một hệ thống quyền sở hữu cổ phiếu phức tạp trước đây từng đem lại cho ông Lee quyền lực to lớn, mặc dù ông chỉ nắm một lượng cổ phiếu nhỏ trong toàn bộ tập đoàn.

Đề cập đến hai vấn đề được quan tâm nhiều nhất, Samsung cho biết tập đoàn này sẽ không nhảy vào lĩnh vực ngân hàng và cũng sẽ không thành lập một công ty mẹ. Từ lâu đã có những tin đồn rằng, một khi Chính phủ Hàn Quốc nới lỏng những quy định hiện nay, tập đoàn gia đình này sẽ “nuốt chửng” các ngân hàng trong nước. Cũng từ lâu, các nhà phân tích cho rằng, rồi sẽ đến lúc Samsung sẽ phải áp dụng mô hình công ty mẹ để cải thiện sự minh bạch và gia tăng giá trị của tập đoàn.

Với thành tựu của tập đoàn Samsung, ông Lee đã được coi là một người anh hùng của Hàn Quốc. Với 60 công ty thành viên và chiếm tới 1/5 kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc, Samsung được coi là xương sống của nền kinh tế nước này. Trong số các thành viên của tập đoàn này, không thể không kể tới “anh cả” Samsung Electronics - hãng sản xuất hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thẻ nhớ máy tính và màn hình phẳng, đồng thời là nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ hai toàn cầu.

Samsung hiện chiếm khoàng 20% tổng giá trị vốn hóa thị trường tại khu vực giao dịch chính của thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Tập đoàn này có 250.000 nhân viên và đạt doanh thu hàng năm khoảng 160 tỷ USD, ngang với GDP của Singapore.

Ông Lee tiếp quản Samsung vào năm 1987 sau khi cha ông đồng thời là người sáng lập tập đoàn - cựu Chủ tịch Lee Byung-chull qua đời. Khi đó, Samsung chỉ là một hãng sản xuất chuyên bắt chước các sản phẩm điện tử của Nhật Bản. Dưới sự chèo lái của ông Lee, hãng này đã trở thành tập đoàn có lợi nhuận cao nhất ở Hàn Quốc và là đối thủ cạnh tranh chính của các đại gia như Sony, Nokia và Motorola.

Ông Lee vẫn được giới công nhân của Samsung coi như một vị thánh sống, tuy nhiên, ông ít khi xuất hiện trước công chúng. Người Hàn Quốc coi ông vừa là một doanh nhân có tầm nhìn, vừa là một con người của quá nhiều bí mật. Sinh năm 1942, ông đã tốt nghiệp đại học Waseda tại Nhật và đã từng học tại Đại học George Washington ở Mỹ. Nỗi đau lớn nhất của ông tới lúc này là việc một trong ba người con gái của ông đã tự tử khi đang sống ở New York.