10:09 21/08/2008

Tội phạm chứng khoán đã vào tầm ngắm

Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung có quy định bốn tội phạm mới trong lĩnh vực chứng khoán

Một buổi đấu giá cổ phần doanh nghiệp ở Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Việc cố ý thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật khi chào bán, niêm yết hoặc giao dịch chứng khoán là một trong bốn tội phạm mới trong lĩnh vực chứng khoán được đưa vào dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung.
Một buổi đấu giá cổ phần doanh nghiệp ở Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Việc cố ý thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật khi chào bán, niêm yết hoặc giao dịch chứng khoán là một trong bốn tội phạm mới trong lĩnh vực chứng khoán được đưa vào dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung.
Bài viết của Luật sư Đặng Thế Đức, Công ty Luật Indochine Counsel.

Trong chương trình xây dựng pháp luật năm 2008, Chính phủ đang lấy ý kiến các bộ, ngành, người dân cả nước về dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung, trong đó, có quy định bốn tội phạm mới trong lĩnh vực chứng khoán.


Bốn loại tội danh mới được đưa vào dự thảo luật lần này bao gồm: tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật khi chào bán, niêm yết hoặc giao dịch chứng khoán (điều 181a); tội giao dịch nội gián trong lĩnh vực chứng khoán (điều 181b); tội gian lận và lừa đảo trong giao dịch chứng khoán (điều 181c); tội thao túng giá chứng khoán (điều 181d).

Cả bốn tội danh này đều có chung một đặc điểm là người vi phạm sử dụng, lợi dụng thông tin một cách trái pháp luật. Điều này cũng dễ hiểu đối với đặc trưng của thị trường chứng khoán, nơi mà người có thông tin là người chiến thắng.

Tội giao dịch nội gián trong lĩnh vực chứng khoán

“Người nào biết được thông tin liên quan đến công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng chưa được công bố mà nếu được công bố có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán của công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng đó mà sử dụng thông tin này để mua, bán chứng khoán hoặc tiết lộ, cung cấp thông tin này hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin đó”. Tội danh đầu tiên được định nghĩa như vậy.

Vậy những người biết được thông tin liên quan là ai? Luật Chứng khoán định nghĩa những người biết được thông tin nội bộ gồm ba nhóm như sau:

Thứ nhất, nhóm người có chức vụ và cổ đông lớn, gồm: thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc của công ty đại chúng; thành viên ban đại diện quỹ đại chúng; và cổ đông lớn của công ty đại chúng, quỹ đại chúng.

Thứ hai, nhóm người tiếp cận được thông tin nhờ vị trí công tác: người kiểm toán báo cáo tài chính của công ty đại chúng, quỹ đại chúng; công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và người hành nghề chứng khoán của công ty; và tổ chức, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh, cung cấp dịch vụ với công ty đại chúng, quỹ đại chúng và cá nhân làm việc trong tổ chức đó.

Thứ ba, nhóm người khác tiếp cận được thông tin nội bộ trong công ty đại chúng, quỹ đại chúng; và tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp có được thông tin nội bộ từ những đối tượng trên.

Nếu hiểu theo định nghĩa trên, chủ thể của loại tội phạm này rất rộng, bao gồm từ người có chức vụ của doanh nghiệp đến bất kỳ người nào có thông tin gián tiếp. Như vậy sẽ dẫn đến tính khó khả thi trong việc áp dụng điều khoản này, vì để chứng minh người nào đó lợi dụng thông tin nhằm mua bán chứng khoán là rất khó khăn, và lại càng khó hơn nếu là lợi dụng thông tin một cách gián tiếp.

Mặt khác, giả sử nhóm người có chức vụ như giám đốc, thành viên HĐQT thực hiện công bố thông tin theo Thông tư 38/2007/TT-BTC, sau đó mua, bán cổ phiếu thì có bị xem là tội phạm theo điều khoản này không? Đây cũng là vấn đề cần được các cơ quan soạn luật xem xét để thống nhất quan điểm áp dụng.

Dường như có hai luồng ý kiến, luồng thứ nhất cho rằng có phạm tội này, vì rằng việc công bố thông tin không đồng nghĩa với việc không lợi dụng thông tin nội bộ, luồng ý kiến thứ hai cho rằng họ đã công bố thông tin là chứng tỏ sự minh bạch trong việc mua bán, yếu tố lợi dụng thông tin để mua trước, bán trước không còn. Chúng tôi nghiêng về luồng ý kiến thứ hai này.

Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật khi chào bán, niêm yết hoặc giao dịch chứng khoán

“Người nào có nghĩa vụ cung cấp thông tin mà cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật khi chào bán, niêm yết hoặc giao dịch chứng khoán...”. Đó là định nghĩa của tội danh trên.

Đối với hành vi chào bán, niêm yết chứng khoán, chủ thể của tội phạm này hẹp hơn nhiều so với tội giao dịch nội gián, chỉ nhằm vào nhóm người có nghĩa vụ công bố thông tin. Người có nghĩa vụ công bố chủ yếu là những người ký tên trong các hồ sơ chào bán, niêm yết.

Cụ thể như trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán, bản cáo bạch là tài liệu quan trọng nhất, trong đó những người có trách nhiệm phải ký vào bản cáo bạch nhằm đảm bảo sự khách quan, trung thực, chính xác và đầy đủ đối với những thông tin trong đó. Những người có nghĩa vụ ký vào đó thường là người đại diện theo pháp luật, kế toán trưởng của tổ chức xin niêm yết, và người đại diện theo pháp luật của tổ chức tư vấn, kiểm toán.

Đối với giao dịch chứng khoán, chủ thể là người có nghĩa vụ công bố thông tin cũng đã được quy định tại Luật Chứng khoán, và cụ thể là tại Thông tư số 38/2007 của Bộ Tài chính về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Theo đó, những thông tin họ phải công bố gồm ba loại: thông tin định kỳ; thông tin bất thường; và thông tin theo yêu cầu.

Tuy nhiên, chủ thể có nghĩa vụ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán chủ yếu là các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Người trực tiếp công bố là người đại diện theo pháp luật. Như vậy, vấn đề đặt ra là trong trường hợp việc công bố thông tin sai lệch hoặc cố ý che giấu là do công ty hoặc do yêu cầu từ cả tập thể ban giám đốc và hội đồng quản trị thì liệu ai sẽ là người chịu trách nhiệm.

Ví dụ như trong trường hợp công ty niêm yết hoạt động kinh doanh thua lỗ nhưng báo cáo tài chính kiểm toán nhiều năm liên tiếp vẫn là có lợi nhuận, và thành viên ban giám đốc và thành viên hội đồng quản trị đã “nhanh chân” bán hết cổ phiếu. Vì vậy, chúng tôi dự kiến đây cũng là vấn đề khó khăn trong việc xác định chủ thể của tội danh này nếu pháp luật không làm rõ được trách nhiệm của người có nghĩa vụ công bố thông tin và những người có trách nhiệm khác trong doanh nghiệp.

Tội thao túng giá chứng khoán

“Người nào thực hiện các giao dịch chứng khoán giả tạo hoặc các hành vi giao dịch chứng khoán bị pháp luật nghiêm cấm khác để thao túng giá chứng khoán gây hậu quả nghiêm trọng...”.

Biểu hiện đặc trưng của tội danh này là các màn kịch “bơm, thổi” giá chứng khoán, tinh vi hơn là kết hợp với việc tạo thông tin sai lệch nhằm lôi kéo, xúi giục người khác mua, bán. Ở Việt Nam mới chỉ phát hiện những vụ việc đơn giản và đơn lẻ như sử dụng nhiều tài khoản để liên tục mua bán một loại chứng khoán nhằm tạo ra các giao dịch giả tạo để kích giá hoặc dìm giá.

Về xử lý hành chính thì thời gian qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã phát hiện, xử lý một số “ông lớn” về hành vi thao túng giá, liên quan đến một số cổ phiếu VF1, STB. Tuy nhiên, việc xử lý cao nhất cũng chỉ là phạt lên đến 30-160 triệu đồng.

Trong thời gian tới đây, thị trường đăng ký giao dịch bắt đầu hoạt động tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội với khối lượng cả ngàn công ty đại chúng. Theo luật quy định thì mỗi một công ty đại chúng sẽ có ít nhất một công ty chứng khoán đứng ra bảo trợ thông tin và giao dịch cổ phiếu cho các công ty này.

Có thể đây chính là mảnh đất màu mỡ để các hành vi thao túng giá bằng việc bắt tay, liên minh giữa các “ông lớn”, giữa các tổ chức để “thổi giá” công ty mà họ là cổ đông lớn hoặc là công ty bảo trợ, và không loại trừ có sự tham gia của các nhân viên môi giới, phân tích, tư vấn và công ty chứng khoán, vì lợi nhuận béo bở, và những mối quan hệ chằng chịt từ nhiều cá nhân.

Đặt ra vấn đề này là điều cần thiết, bởi vì bài học đã có rất nhiều, ngay tại các thị trường có hệ thống pháp luật được đánh giá cao và có sự giám sát chặt chẽ như thị trường chứng khoán Mỹ.

Tội gian lận và lừa đảo trong giao dịch chứng khoán

“Người nào tạo dựng hoặc công bố thông tin sai sự thật nhằm lôi kéo, xúi giục người khác mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán...”.

Thực tế tại một số quốc gia đã phát hiện và xử lý các hành vi gian lận và lừa đảo chứng khoán, bằng cách mua bán trước cổ phiếu, sau đó tìm cách đột nhập vào hệ thống tin học của các công ty chứng khoán hoặc vào các tài khoản của nhà đầu tư, dùng tài khoản của họ để đặt lệnh mua chứng khoán với giá cao.

Tuy nhiên, nếu theo mặt khách quan của tội danh này trong dự thảo thì lại không phải tội gian lận và lừa đảo chứng khoán. Không biết các nhà làm luật của Việt Nam sẽ xếp hành vi này vào nhóm tội danh nào.

Lời kết

Để hội đủ điều kiện cấu thành một trong bốn tội danh nêu trên, ngoài dấu hiệu dễ dàng xác định là đã bị kết án mà chưa được xóa án tích hoặc đã bị xử lý hành chính thì Bộ luật Hình sự còn quy định hoặc phải có các dấu hiệu: “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán”, “thu lợi bất chính lớn” hoặc “gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán”.

Vậy, thế nào là nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn, thu lợi bất chính lớn? Cần xác định một ranh giới rõ ràng, để người có trách nhiệm không “run tay” khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Việc Bộ Tư pháp đưa bốn tội danh về lĩnh vực chứng khoán trong lần sửa luật này đã chứng tỏ quyết tâm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán của Chính phủ. Tuy nhiên, cho dù việc xử lý hình sự có tính chất răn đe và trừng phạt mạnh hơn nhiều so với xử lý hành chính, nhưng nó vẫn có những điểm yếu đặc trưng là sự vận hành của quy trình tố tụng chặt chẽ và nhiều thủ tục.

Trong khi đó, việc xử lý hành chính luôn được đảm bảo thực hiện bởi một cơ quan thường trực là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị thành viên. Vì vậy, để duy trì, đảm bảo các mục tiêu công bằng, minh bạch của thị trường, cũng như hạn chế tối đa các vi phạm hình sự xảy ra, vấn đề cần làm là thiết lập được một bộ máy giám sát thực sự mạnh, hiệu quả và xử lý nghiêm minh khi có vi phạm xảy ra, cho dù đó là những “cổ đông” nhỏ hay là những liên minh, tập đoàn có ảnh hưởng lớn.

(Theo TBKTSG)