15:02 26/04/2008

“Tôi tin thị trường đã chạm đáy”

Trong tình trạng nhiều cổ phiếu đang ở mức giá thấp, nhà đầu tư băn khoăn tự hỏi, không biết thị trường đã chạm đáy hay chưa?

"Hy vọng, sau đợt giảm sâu của thị trường lần này, cả doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ rút ra được bài học đắt giá là khi thị trường lạc quan, bất cứ ai cũng có thể kiếm lợi nhuận, nhưng nếu ngược lại thì thật không dễ dàng gì để đối mặt."
"Hy vọng, sau đợt giảm sâu của thị trường lần này, cả doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ rút ra được bài học đắt giá là khi thị trường lạc quan, bất cứ ai cũng có thể kiếm lợi nhuận, nhưng nếu ngược lại thì thật không dễ dàng gì để đối mặt."
Trong tình trạng nhiều cổ phiếu đang ở mức giá thấp, nhà đầu tư băn khoăn tự hỏi, không biết thị trường đã chạm đáy hay chưa? Cơ quan quản lý cần tiếp tục có giải pháp gì để vực dậy thị trường?

Báo giới đã có cuộc trao đổi với ông Kevin Snowball, Giám đốc Quỹ PXP Vietnam về vấn đề này.

Với mức giảm sâu của giá cổ phiếu như hiện nay, ông có cho rằng, VN-Index đã chạm đáy?

Tôi tin rằng, thị trường đã chạm đáy. Tất nhiên, rất khó đưa ra những cơ sở chính xác để nhận biết thị trường đã chạm đáy, nhưng tôi đồng ý với ý kiến trích trong cuốn sách “Sự giàu có, chiến tranh và trí khôn” rằng, theo đúng định nghĩa, thị trường thực sự chạm đáy khi mọi người đã bi quan hết mức…

Thật khó hình dung được tâm lý thị trường lại bi quan đến như vậy vào thời điểm 25/3/2008, khi VN-Index chỉ còn 496,64 điểm, giảm đến mức thấp nhất kể từ tháng 9/2006.

Ngay sau thời điểm này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phải thông báo giảm biên độ dao động giá cổ phiếu. Tôi cho rằng, thời điểm xấu nhất của thị trường đã qua. Trong bất cứ tình huống nào thì việc VN-Index tăng trong tháng 4/2008 đã cho thấy, nhà đầu tư bắt đầu có sự lạc quan hơn về thị trường.

Ông nhìn nhận thế nào về nền kinh tế Việt Nam hiện nay? Mối quan hệ qua lại giữa diễn biến của nền kinh tế Việt Nam với biến động của thị trường chứng khoán được thể hiện như thế nào?

Nền kinh tế Việt Nam đang trải qua một giai đoạn khó khăn khi phải đối mặt với lạm phát tăng cao, tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại... Đây là thách thức thực sự đối với khả năng quản lý vĩ mô của Chính phủ, nhưng Việt Nam không phải là nước duy nhất gặp phải những khó khăn này.

Tôi tin tưởng Chính phủ Việt Nam có thể kiểm soát được khó khăn trong trung hạn. Tuy nhiên, giải pháp thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát xem ra không phải là giải pháp có tính quyết định trong thời điểm hiện nay.

Liên quan đến thị trường chứng khoán, rõ ràng, thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng của nền kinh tế khó khăn, lợi nhuận của các công ty suy giảm, nhưng những yếu tố này không đáng lo ngại bằng các quyết định thiếu trách nhiệm của rất nhiều công ty niêm yết.

Vào năm 2007, trào lưu chung của doanh nghiệp niêm yết là ưu tiên đầu tư trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, không chú trọng vào ngành nghề chính. Hy vọng, sau đợt giảm sâu của thị trường lần này, cả doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ rút ra được bài học đắt giá là khi thị trường lạc quan, bất cứ ai cũng có thể kiếm lợi nhuận, nhưng nếu ngược lại thì thật không dễ dàng gì để đối mặt.

Thị trường chắc chắn sẽ bình ổn trong dài hạn. Việc giá cổ phiếu suy giảm mạnh và kéo dài như hiện nay sẽ là tác nhân chính đào thải những nhà đầu tư thiếu kiến thức, kinh nghiệm. Điều quan trọng nhất là niềm tin trên thị trường chứng khoán phải được phục hồi.

Tôi hy vọng, đến cuối năm 2008, VN-Index sẽ đạt hơn 600 điểm và để đạt được mức đó, chỉ số này phải tăng hơn 10% so với hiện nay. Với nhà đầu tư, cách tốt nhất là hãy làm quen với suy nghĩ mua chứng khoán để “làm giàu từ từ”, chứ không phải là “làm giàu nhanh chóng”.

Những biện pháp của cơ quan quản lý về ngắn hạn đã hạn chế được quá trình xuống sâu của giá cổ phiếu. Nhưng nếu giá cổ phiếu tiếp tục đi xuống thì theo ông, cơ quan quản lý cần có biện pháp gì để phục hồi thị trường?

Thật ra, thị trường đã tăng điểm khi có sự can thiệp của Chính phủ và đang trên đà bình ổn từ từ. Đây là tín hiệu đáng lạc quan. Tuy vậy, diễn biến về việc giải chấp các hợp đồng repo cổ phiếu vẫn đang là mối lo ngại lớn cho nhà đầu tư.

Tình hình này sẽ còn tệ hơn khi những người tự cho mình là “chuyên gia” nhưng không có bằng chứng cụ thể xác thực được quy mô của vấn đề, luôn chỉ ra rằng, cầm cố, repo cổ phiếu là nguyên nhân duy nhất gây ảnh hưởng xấu đến thị trường.

Tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý nên yêu cầu các ngân hàng, công ty chứng khoán công khai số lượng cổ phiếu đã cầm cố hay repo, từ đó những người liên quan mới có thể cùng đưa ra các giải pháp khi cần thiết. Nếu chúng ta chưa có bằng chứng cụ thể mà suy đoán là không nên.

Giải pháp “không tốn kém” để khôi phục thị trường hiện nay có thể là bãi bỏ giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong những ngành nghề ít nhạy cảm. Mặc dù trên lý thuyết, nhà đầu tư nước ngoài có thể thôn tính các công ty Việt Nam một cách hợp pháp, nhưng các cổ đông hiện hữu (bao gồm cổ đông Nhà nước) không bị buộc phải bán cổ phiếu của mình nếu họ không muốn.

Việc mở rộng quyền mua của nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp thêm sức cầu cho thị trường, giúp ổn định giá cổ phiếu và ổn định tâm lý cho nhà đầu tư nói chung.