Tổng cục Hải quan nhất trí xây cầu vượt sông Hồng nối Trung Quốc
Tổng cục Hải quan nhất trí với kiến nghị của UBND tỉnh Lào Cai về việc xây cầu qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc)
Tổng cục Hải quan vừa có văn bản gửi Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính về việc xây dựg cầu đường bộ qua sông Hồng trên biên giới Việt - Trung tại khu vực Bản Vược, tỉnh Lào Cai.
Trong văn bản, Tổng cục Hải quan nhất trí với kiến nghị của UBND tỉnh Lào Cai về việc xây cầu qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc).
Tổng cục Hải quan cho rằng, việc xây dựng cầu này nhằm tạo thuận lợi giao thương hai nước và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nói chung và kinh tế địa phương tỉnh Lào Cai nói riêng.
Thỏa thuận về việc xây dựng cầu vượt sông Hồng nối Lào Cai với Vân Nam đã được lãnh đạo 2 tỉnh Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc) thống nhất tại hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh thành gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai và Vân Nam tổ chức ngày 22/11/2017.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai cho biết, dự án trên hiện tại vẫn chỉ dừng ở mức độ chủ trương, đề xuất và tỉnh đã giao cụ thể cho Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu cụ thể.
Hiện tỉnh đang hoàn thiện văn bản để xin ý kiến các Bộ, ngành và Chính phủ. Nếu được đồng tình thì mới triển khai.
Việc lựa chọn hai địa điểm trên để kết nối là vì bên Bá Sái đang hình thành khu hợp tác qua biên giới, bắt đầu làm cơ sở hạ tầng, bên Việt Nam thì cũng như vậy, nên địa hình cả hai bên đều phù hợp.
Hơn nữa, hiện nay cửa khẩu tiểu ngạch vẫn đang hoạt động mạnh, đi qua xã Bản Phiệt (huyện Bát Xát) rồi đi phà, đi thuyền qua bên huyện Ba Sái, nhập khẩu một số mặt hàng như táo, đường...nếu có cầu đi qua thì thuận tiện hơn.
Trước đó, tháng 9/2017, Việt Nam cũng đã khánh thành và thông xe cây cầu Bắc Luân 2 nối tỉnh Quảng Ninh với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc.
Chiều dài cầu phía Việt Nam là 154,5m; phía Trung Quốc dài 463,5m; bề rộng cầu 27,7m, thiết kế 04 làn xe chạy. Tổng mức đầu tư dự án trên 336 tỷ đồng.
Cây cầu này được kỳ vọng giảm tải lưu lượng giao thông qua cầu Bắc Luân I, thúc đẩy hợp tác thương mại, du lịch giữa tỉnh Quảng Ninh và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc); từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông đối ngoại, tạo động lực phát triển cho thành phố cửa khẩu Móng Cái.