10:12 17/07/2007

Tổng phản công bảo vệ “Made in China”

Trung Quốc đã lấy các kết quả điều tra bởi bộ phận truyền thông quốc gia để chứng minh rằng Mỹ làm ăn cũng bết bát

Hàng thực phẩm của Trung Quốc nổi tiếng thế giới về hương vị.
Hàng thực phẩm của Trung Quốc nổi tiếng thế giới về hương vị.
Người Mỹ đã dấy lên một làn sóng mạnh mẽ để chống lại thực phẩm không an toàn của Trung Quốc.

Khởi đầu bằng việc phát hiện ra những chất hoá học có hại cho sức khoẻ trong thức ăn nhập từ Trung Quốc. Khi đã bị ám ảnh thì người Mỹ bỗng nhiên tìm thấy chất độc hại trong mọi thể loại thức ăn, từ các sản phẩm lúa mạch, trái cây, gia vị cho đến thức ăn cho thú nuôi.

Mỹ là nước nhập khẩu thực phẩm từ Trung Quốc nhiều nhất thế giới, và khi có một số trường hợp tử vong không rõ ràng, được cho là liên quan đến những gì họ ăn hàng ngày, thì người Mỹ đã lồng lộn lên và nắm lấy cơ hội này để tẩy chay, đẩy Trung Quốc xuống vũng bùn tai tiếng.

Nhiều công ty Mỹ đã lên tiếng khuyến cáo người tiêu dùng của họ là không nên sử dụng thức ăn nhập từ Trung Quốc. Đỉnh điểm là việc một công ty chuyên sản xuất thức ăn dinh dưỡng cho người và động vật thực hiện chiến dịch tẩy chay hàng Trung Quốc bằng cách không dùng nguyên liệu của nước này và dán nhãn “Không dùng hàng Trung Quốc” cho các sản phẩm của mình.

Trước tình thế đó, Trung Quốc, nước được coi là đối trọng cho Mỹ trong những năm tới, sẽ có phản ứng như thế nào? Im lặng, thanh minh yếu ớt, đợi khi vấn đề chìm xuồng rồi lại tiếp tục làm ăn với Mỹ? Nước này đã phát pháo phản công, nhằm vào những sản phẩm của Mỹ, không bó buộc trong phạm vi chỉ có thực phẩm mà thôi.

Trung Quốc đã lấy các kết quả điều tra bởi bộ phận truyền thông quốc gia để chứng minh rằng Mỹ làm ăn cũng bết bát. Họ đưa ra những trường hợp hoàn toàn bất lợi cho Mỹ, như việc một thanh niên bị chết bởi vì chiếc điện thoại anh đang dùng hiệu Motorola, một nhãn hiệu của Mỹ, bỗng nhiên phát nổ khi anh đang nói chuyện với bạn.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng rêu rao rằng mọi người không nên dùng kính sát tròng được được sản xuất bởi một công ty của Mỹ, Advanced Medical Optics, nếu không muốn bị mù bất tử. Và họ cũng khơi gợi lại chuyện chất lượng thịt bò của Mỹ đã làm nước này điêu đứng lúc trước.

Trung Quốc cũng ra sức thanh minh cho chất lượng sản phẩm của mình bằng các kết quả nghiên cứu và các động thái hối lỗi tích cực. Tại Washington, Trung Quốc đã tập hợp một đội ngũ những chuyên gia vận động hành lang. Tại Bắc Kinh, chính phủ đã đi những nước đi không bình thường khi tìm kiếm lời khuyên từ những công ty không thuộc chính phủ, như Ogilvy and Edelman – một công ty chuyên về truyền thông đối ngoại về việc làm sao đưa những thông điệp tích cực từ Trung Quốc đến với Mỹ.

Kết quả là một chiến dịch bảo vệ các nhãn mác “Made in China” ra đời bằng cách đem những thông tin xác thực về chất lượng thực phẩm của Trung Quốc đến với người tiêu dùng và thế giới. Chính phủ Trung Quốc tự tin rằng các sản phẩm của họ là hoàn toàn an toàn và những trường hợp tử vong hoàn toàn không liên quan tới họ.

Và rồi họ cũng đã cho biết những hành động kịp thời nhằm trừng phạt những thành viên thiếu trách nhiệm của chính phủ, như việc đóng cửa 180 nhà máy sản xuất đã bỏ chất hoá học vào thức ăn cùng với việc tử hình Zheng Xiaoyu, Cục trưởng Thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc.

Chiến dịch vận động đó vẫn còn đang tiếp diễn với nhiều chiêu thức chính trị hiệu quả và hiểm hóc. Kết quả sẽ là gì?

Cuộc chiến sẽ còn tiếp diễn đến đâu thì không ai biết, nhưng hiện nay hai ông lớn đang đấu đá nhau một cách quyết liệt, hay chính xác là hiện nay chỉ có Trung Quốc đấu với “phần còn lại” của thế giới. Nhưng hãy mong rằng mọi chuyện được làm sáng tỏ trong thời gian sớm nhất, vì những người trực tiếp bị ảnh hưởng là chúng ta, những khách hàng của cả hai nước, chứ không phải là những quan chức đang tranh cãi kia.