09:05 15/02/2008

Tổng quan thương mại Việt Nam - Morocco

Đặng Nguyễn

Morocco là một thị trường giàu tiềm năng cho xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam trong năm 2008 và những năm tới

Hàng hóa nông sản bày bán ở một khu chợ tại Morocco.
Hàng hóa nông sản bày bán ở một khu chợ tại Morocco.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, mặc dù trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Morocco còn ở mức khiêm tốn với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước trong năm 2007, đạt khoảng 47 triệu USD, nhưng Morocco lại là một thị trường giàu tiềm năng cho xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam trong năm 2008 và những năm tới.

Năm 2007, tổng giá trị nhập khẩu hàng hoá từ các nước trên thế giới của Morocco lên tới gần 30 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2006. Với dân số khoảng 32 triệu người và thu nhập bình quân đầu người đạt 2.200 USD/năm (2007), nước này còn có nhu cầu rất lớn với các sản phẩm chè xanh, cà phê, hạt tiêu, hạt điều.

Sản phẩm chủ lực

Theo thống kê của Hải quan Morocco, năm 2007 Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường này hơn 46 triệu USD hàng hoá các loại, tăng khoảng 110% so với năm 2006.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam vào thị trường này là cà phê (trên 18,3 triệu USD), tivi màu (9,8 triệu USD), giày dép (6,5 triệu USD), linh kiện máy tính (4,88 triệu USD), cao su - săm lốp xe đạp xe máy (1,89 triệu USD), hàng dệt may (1,15 triệu USD), cơm dừa (735 ngàn USD)...

Trong cơ cấu hàng nhập khẩu từ Việt Nam của Morocco thì mặt hàng cà phê trong vài năm trở lại đây có chiều hướng tăng nhanh về lượng. Cũng theo số liệu của Hải quan Morocco, trong năm 2007, Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường này 10.494 tấn cà phê loại chưa rang xay, chưa khử cafein với tổng giá trị 18,8 triệu USD, tăng tới 90,8% so với năm 2006 và chiếm khoảng 30% thị phần cà phê robusta nhập khẩu của nước này.

Như vậy, hiện nay cà phê đã trở thành sản phẩm đứng đầu trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Morocco, chiếm 41% trong tổng giá trị xuất khẩu 46 triệu USD của tất cả các mặt hàng trong năm 2007.

Trên thế giới, Morocco được đánh giá là một trong những thị trường nhập khẩu cà phê xanh (cà phê hạt chưa rang xay) tương đối lớn, trong đó 80% là cà phê robusta và 20% là cà phê arabica. Trung bình mỗi năm Morocco nhập khẩu khoảng 28 ngàn tấn. Mặc dù thị trường cà phê ở Morocco còn chưa mang tính cơ cấu nhưng lại có sự cạnh tranh quyết liệt.

Việc tiêu thụ cà phê không đóng bao vẫn chiếm ưu thế do giá rẻ và không phải đáp ứng bất kỳ một chuẩn mực vệ sinh và chất lượng nào. Tuy nhiên, thị trường cà phê đóng gói ngày càng trở nên cạnh tranh hơn và thu hút nhiều nhà rang xay trong và ngoài nước.

Hiện nay thị trường Morocco tiêu thụ cà phê vẫn còn mang tính thời vụ với mức tiêu thụ bình quân khoảng 0,8 kg/người/năm, trong đó khu vực thành thị có xu hướng tiêu thụ tăng cao nhất. Điều này cho thấy đã có sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng vì chè xanh vẫn là đồ uống truyền thống rất phổ biến tại Morocco.

Những rào cản

Thương vụ Việt Nam tại Morocco khẳng định, nếu hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai tốt thì xuất khẩu cà phê của Việt Nam vào thị Morocco có thể đạt khối lượng 13 - 14 ngàn tấn mỗi năm.

Hiện nay, mặt hàng này của Việt Nam đang phải cạnh tranh với 6 nước khác trên thế giới cũng đang xuất khẩu cà phê robusta vào Morocco, bao gồm Ghine, Indonesia, Bờ Biển Ngà, Uganda, Togo và Congo.

Theo quy định pháp lý của Morocco, trong mẫu 300 gram, trọng lượng nhân hỏng không được vượt quá 10%, nếu không hàng sẽ bị ách lại tại cảng. Thương vụ Việt Nam tại Morocco khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vào thị trường này cần lưu ý rằng cà phê nhập khẩu vào Morocco phải tuân thủ việc kiểm tra chất lượng và các quy định hết sức chặt chẽ, do một cơ quan chống gian lận và một phòng thí nghiệm đảm nhiệm.

Đây là rào cản đầu tiên khi hàng bắt đầu vào lãnh thổ quốc gia Morocco. Những người có trách nhiệm sẽ phân tích mẫu lấy từ các bao khác nhau để kiểm tra xem có đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định hay không.

Về nhập khẩu, năm 2007 Việt Nam đã nhập từ Morocco một số mặt hàng với tổng giá trị khoảng 1 triệu USD, bao gồm mặt hàng sắt thép phế liệu (389 ngàn USD), quần áo và sợi tổng hợp (235 ngàn USD), giày thể thao (34 ngàn USD) và các loại hàng hoá khác khoảng 340 ngàn USD.

Thống kê trong giai đoạn 1991 - 2001 cho thấy, từ năm 1995, Việt Nam mới bắt đầu xuất khẩu sang Morocco và từ năm 1996 mới nhập khẩu từ Morocco. Tháng 6/2001, Việt Nam và Morocco đã ký Hiệp định thương mại, quy định dành cho nhau quy chế MFN trong buôn bán song phương. Từ đó đến năm 2003, buôn bán hai chiều dao động trong khoảng 1 - 3 triệu USD/năm.

Năm 2004, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đã tăng vọt lên tới 12,2 triệu USD, năm 2005 đã tăng lên 16,2 triệu USD và năm 2006 đạt 20,3 triệu USD. Và Việt Nam liên tục duy trì được tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Morocco khoảng 25%/năm trong giai đoạn 2004 - 2006.

Đặc biệt, năm 2007, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Morocco đã bứt phá ngoạn mục với tỷ lệ tăng trưởng 110%.