15:10 13/10/2007

Trả “vạ nợ”

“Vạ nợ” là một thuật ngữ để gọi số nợ do một chính phủ mắc phải mà không được sự đồng thuận của dân chúng

Tổng thống Suharto ký văn kiện chấp nhận bó giải pháp tái cơ cấu của IMF.
Tổng thống Suharto ký văn kiện chấp nhận bó giải pháp tái cơ cấu của IMF.
“Vạ nợ”, tạm dịch cụm từ “odious debts”, là một thuật ngữ để gọi số nợ do một chính phủ mắc phải mà không được sự đồng thuận của dân chúng hoặc không vì một mục đích chính đáng mà các chính phủ kế tục phải trang trải.

Định nghĩa trên của các giáo sư Michael Kremer, Seema Jayachandran, thuộc Đại học Harvard và luật gia Jonathan Shafter trong nghiên cứu “Applying the Odious Debts Doctrine while Preserving Legitimate Lending”.

Từ ngữ “vạ nợ” đã xuất hiện từ 80 năm qua với những trái phiếu của Sa hoàng mà tân chính quyền Xô Viết đã từ khước không thanh toán. Gần đây là các món nợ mà chế độ apartheid trước kia ở Nam Phi đã vay ngược lại lợi ích của người da đen (“Dettes odieuses: nous ne payons rien”, Denise Comanne, 2004). Nợ ở Nga dười thời Boris Yeltsin cũng thế. Andrei Kolganov nêu vấn đề “Ai trả nợ cho nước Nga?” trong bài viết: “Qui va payer les dettes de la Russie? (CADTM, 3/1999).

Gần đây nhất là số nợ mà tân chính quyền Iraq đang phải gánh từ chế độ Saddam Hussein và nay phải mắc nợ vì cuộc chiến tranh hiện tại.

Danh sách các nước bị “vạ nợ” rất đông.

GS Stiglitz (giải Nobel Kinh tế học 2001) viết: “Iraq không là nước duy nhất muốn được xóa nợ. Cớ gì mà dân chúng Congo bị buộc phải trả nợ dưới thời Mobutu, càng “mắc vạ” hơn khi các nước cho vay thừa biết rằng tiền của sẽ không đến tay người dân mà vào trong các tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ của Mobutu?

Cũng thế, vì sao mà người dân Ethiopia nay phải trả các món nợ của chế độ Mengistu, trong đó có cả số nợ dùng để mua vũ khí sát hại dân chúng? Cớ gì mà dân chúng Chile nay vẫn còn phải trả nợ của chế độ độc tài Pinochet? Người dân Argentina vẫn đang phải trả nợ của “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” trong nước họ từ năm 1976-1983”.

Hiện trên thế giới đang dấy lên một phong trào đòi rũ “nợ vạ” mà rất nhiều nhà kinh tế học đang đấu tranh.

Vạ lung lay

Eric Toussaint của Tổ chức CADTM (Comité pour l’ Annulation de la Dette du Tiers - Monde - Ủy ban đòi rũ nợ cho thế giới thứ ba) đã tóm tắt quá trình dính “vạ nợ” của Indonesia là do có sự “đồng lõa” của WB và IMF: trong bài viết “IMF and WB: the destruction of Indonesia's sovereignty “(IMF và WB: tàn phá nền kinh tế Indonesia, CADTM, 18/10/2004):

“Tháng 3/1966, cuối cùng thì Suharto cũng đã thành công trong việc buộc Tổng thống Sukarno trao quyền hành lại cho mình. Sáu ngày sau đó, Chính phủ Hoa Kỳ loan báo mở tín dụng cho Indonesia. Song, Hoa Kỳ không muốn trực tiếp cho chế độ Suharto vay nợ mà “ủy quyền” cho IMF.

Ngày 13//1966, Indonesia gia nhập trở lại WB (mà cựu tổng thống Sukarno rút ra năm trước - chú thích của người viết). Quan hệ WB với Indonesia lúc đó thật đặc biệt. Chuyến công du đầu tiên của tân Chủ tịch WB là McNamara (lúc đó vừa thôi chức bộ trưởng Bộ Quốc phòng và giã từ chiến tranh Việt Nam - chú thích của người viết) là đến Indonesia.

Ngày 15/6/1968, tại Jakarta, trước mặt Suharto, McNamara phát biểu: “Đây là lần đầu tiên WB thiết lập một phái bộ thường trú tại một nước đang phát triển. Các vấn đề của Indonesia đòi hỏi một giải pháp độc nhất và một sự tập trung bậc nhất các nỗ lực của chúng tôi, hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới”.

Từ đó, WB xây dựng nên hình ảnh “phép lạ kinh tế” của Indonesia và duy trì hình ảnh đó, cho dù có biết rất rõ những sai trái của chế độ Suharto. Nhiều báo cáo nội bộ của WB chứng thực điều đó. Thế nhưng WB vẫn không giảm rót nợ cho Indonesia mà lại càng gia tăng.

Jeffrey Winters, giáo sư kinh tế chính trị Northwestern University, nhấn mạnh đến tính chất bất hợp pháp của số nợ này của Indonesia và sự đồng lõa của WB: “Lẽ ra WB đã phải tiến hành một loạt biện pháp như tăng cường giám sát các dự án của WB, từ đó giảm tham ô ngay trong thực hiện các dự án này, cho dù không tài nào ngăn chặn được nạn tham ô trong toàn bộ chính phủ Indonesia. Lẽ ra WB đã phải đe dọa giảm cho vay nếu như những thâm hụt từ vốn của WB không được từng bước giảm bớt. Lẽ ra WB đã có thể ngưng ngay việc cho vay”.

Trong trường hợp này rõ ràng WB đã hậu thuẫn cho một chế độ khét tiếng là gian lận. Các lý do chính trị (một chính phủ chống cộng ở Indonesia với Suharto thay cho một chính phủ Sukarno bị nghi ngờ là thân cộng và là đầu tàu của Phong trào không liên kết - chú thích của người viết) cùng các lợi ích địa chính trị (một tiền đồn ngoài khơi Thái Bình Dương) của “chủ nhân” các định chế này đã dẫn đến sự dung thứ và đồng lõa này.

Theo một báo cáo về thất thoát vốn vay do WB công bố vào tháng 8/1997, khoảng 20-30% ngân sách dành cho phát triển bị mất một cách hợp pháp qua những đề mục chi tiêu ngân sách “phát triển cơ sở hạ tầng”, trong đó có cả các đề mục như tôn tạo trụ sở cơ quan chính phủ, xe công vụ, thay vì dành cho cải thiện dân sinh.

Trong thời gian từ năm 1967-1998, Suharto đã chiếm đoạt 15-35 tỉ USD, bỏ xa Ferdinand Marcos của Philippines (chỉ 5-10 tỉ USD) và Mobutu của Zaire (khoảng 5 tỉ USD). Thế nhưng, chính thức mà nói, WB không nhìn nhận trọn vẹn sự dính líu của mình, mà chỉ đưa ra những ca cẩm nhằm phủi trách nhiệm đã bao che cho một chế độ “đểu”.

Báo cáo tổng quan 1998 chỉ thừa nhận: “Nhiều nhân viên WB chúng tôi ở trụ sở trung ương không hay biết gì hoặc không quan tâm đủ đến các thói tật ở địa phương và do đó bị xỏ mũi một cách dễ dàng”.

Đùng một cái “phép lạ kinh tế Indonesia” tan như bong bóng xà bông trong cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính Đông Nam Á năm 1997-1998. Chỉ trong vòng một năm, đồng rupee của Indoneisa mất đi 80% trị giá của nó, làm ăn thua lỗ, hãng xưởng đóng cửa, thất nghiệp bùng nổ.

Eric Toussaint viết tiếp: “Nguyên nhân một phần do nền kinh tế Indonesia dựa trên nạn tham nhũng câu kết giữa chính phủ với các ngân hàng, các tập đoàn tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài rót vào. Đến khi IMF đưa ra “liều thuốc đắng” tái cấu trúc kinh tế, “con bệnh” Indonesia chịu không nổi liều thuốc này. Bằng cách áp đặt những điều kiện ngặt nghèo với Suharto, IMF thúc giục ông này tiến hành một số biện pháp kinh tế mất lòng dân.

Ngày 5/5/1998, đáp ứng những thỏa thuận mới ký với IMF bỏ tài trợ nhu yếu phẩm, tăng giá xăng, điện... 15 ngày sau, Suharto rời khỏi ghế sau khi Hoa Kỳ trực tiếp can thiệp và Ngoại trưởng Madeleine Albright yêu cầu ông này từ chức. Washington cho rằng Suharto bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ đến đó là đủ rồi. Chiến tranh lạnh đã kết thúc được gần 10 năm rồi, đã đến lúc sang trang”.

Kinh nghiệm cho thấy đồng tiền vay nợ thường đi lòng vòng rồi vào túi các thân nhân và thân hữu nhà cầm quyền, cùng với những đặc quyền kinh doanh. Gọi là “chủ nghĩa gia đình” (nepotism) và “chủ nghĩa bạn bè” (croynism). Thường thì cả hai “chủ nghĩa” này đi đôi với nhau.

Trong trường hợp Suharto, Business Week (17/11/1997) mô tả như sau: “Đàn con của ngài tổng thống cùng bạn bè của ông ta đồng nghĩa với các cơ sở kinh doanh hàng đầu ở Indonesia. Ngân hàng Yama do trưởng nữ Tutut làm chủ. Ngân hàng Utama do “cậu hai” Sigit Harjoyudant làm chủ. Vốn của hai ngân hàng này do các ngân hàng khác bơm vào. “Cậu ba” Bambang Trihatmodjo sở hữu 25% tài sản Ngân hàng Andromeda. “Cậu út” Tommy thì đảm trách chương trình sản xuất “xe hơi Indonesia của người Indonesia”, 690 triệu USD vốn do các ngân hàng bị buộc cho vay”.