09:26 12/07/2007

Tranh chấp quyền lực ở Park Hyatt

Minh Quang

Bên trong khách sạn là sự tranh chấp quyền lực giữa những ông chủ, những người đã tạo dựng ra nó

Khách sạn Park Hyatt Saigon.
Khách sạn Park Hyatt Saigon.
Park Hyatt Saigon bao phủ bên ngoài bởi sự sang trọng và quí phái của một khách sạn đẳng cấp quốc tế và nó càng sang trọng và quí phái hơn khi tọa lạc trên vùng đất đắc địa nhất của Tp.HCM.

Song bên trong khách sạn là sự tranh chấp quyền lực giữa những ông chủ, những người đã tạo dựng ra nó.

Ông Dato’Jaya JB Tan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Radiant Investment Limited (RIL) phải bỏ dở tất cả mọi công việc ở Malaysia để tức tốc bay sang Việt Nam. Chuyến bay vội vã của ông Chủ tịch không phải để giải quyết một phi vụ bị kẹt của Khách sạn Park Hyatt Saigon mà RIL đã bỏ hàng chục triệu USD ra đầu tư mà là để gặp gỡ với giới truyền thông tại đây.

Đằng sau cuộc tranh chấp quyền lực

Vào năm 1994 RIL (trước đây được gọi là PHB) cùng với United Concord International (UCI) và Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn (tên cũ là Công ty Xây lắp công nghiệp) thành lập liên doanh được gọi là Công ty Khách sạn Grand Imperial Sài Gòn (GISH), trong đó phía Việt Nam sở hữu 30% đóng góp mặt bằng để xây dựng khách sạn tiêu chuẩn quốc tế.

Liên doanh GISH chọn Tập đoàn Park Hyatt quản lý khách sạn do GISH đầu tư và được đặt tên là Park Hyatt Sài Gòn. Ông Nguyễn Văn Hảo, nguyên là Phó thủ tướng chế độ Sài Gòn cũ, được RIL tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Liên doanh GISH.

Việc quản lý liên doanh của ông Hảo khá suôn sẻ cho khi cuộc khủng hoảng tài chính khu vực xảy ra và hậu quả là dự án xây dựng Khách sạn Park Hyatt Saigon bị ngưng trệ vì thiếu vốn đầu tư. Sau cuộc khủng hoảng, dự án được khởi động lại và ông Hảo được giao trách nhiệm huy động vốn cho khách sạn.

Vốn được huy động đầy đủ theo cam kết của ông Hảo với Hội đồng Quản trị liên doanh và khách sạn được xây dựng như kế hoạch đã được thay đổi sau thời kỳ khủng hoảng. Nhiệm vụ huy động vốn và xây dựng khách sạn hoàn thành, thay vì ông Hảo được Hội đồng Quản trị Liên doanh GISH khen ngợi thì ông bị dọa cho thôi việc.

Sở dĩ xảy ra điều này là vì theo ông Tan, hiện là Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị GISH, cho biết, nhiều thành viên trong Hội đồng quản trị bao gồm 10 thành viên mất tín nhiệm đối với ông Hảo. Ông Tan giải thích nguyên nhân đó là vì ông Hảo đã vượt quyền Hội đồng Quản trị. Chi phí xây dựng khách sạn vượt quá mức cho phép, tức 31 triệu USD thay vì 22,5 triệu USD khi dự toán theo đề xuất của ông Hảo.

Ông Tan cho rằng phát sinh trong dự án là chuyện bình thường nhưng điều khác thường là khi phát sinh chi phí xây dựng ông Hảo không thông báo với Hội đồng Quản trị để có phương án giải quyết.

“Thay vào đó, ông Hảo chỉ thông báo với chúng tôi khi mọi thứ đã hoàn thành. Chi phí xây dựng phát sinh quá lớn và điều này không thể chấp nhận được”, ông Tan phát biểu với báo chí Việt Nam hôm 10/7.

Không chỉ vượt quyền, mà theo ông Tan, còn nhiều vấn đề không rõ ràng trong quản lý liên doanh của ông Hảo. Phản ứng trước sự việc này các thành viên trong Hội đồng Quản trị GISH, cụ thể là RIL, đối tác sở hữu 51% vốn trong liên doanh, đề nghị triệu tập đại hội đề bàn chuyện xem xét tư cách của Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc liên doanh. Tuy nhiên đề nghị này không được Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, tức ông Hảo không chấp thuận, vì không đúng qui định triệu tập của Hội đồng quản trị.

Đề nghị không thành, RIL không dừng lại đó mà thuyết phục Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn ủng hộ mình làm một nghị quyết phế truất ông Hảo. Kết quả là 8 trong 10 thành viên Hội đồng Quản trị đại diện cho hai trong ba đối tác pháp nhân của liên doanh đồng ý phê chuẩn nghị quyết.

Theo nghị quyết, hai vị trí của ông Hảo được thay thế bởi ông Tan làm tân Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Paul Wong, một thành viên trong Hội đồng Quản trị đại diện cho RIL, làm tân Tổng giám đốc GISH.

“Cuộc chiến” nội bộ bất phân thắng bại

Khi nghị quyết được thông qua, liền sau đó là phản ứng của ông Hảo. Tháng 10 năm ngoái, UCI mà ông Hảo làm đại diện đã đâm đơn kiện Hội đồng Quản trị liên doanh đã thông qua nghị quyết không đúng qui định điều lệ của GISH, tức là phải có sự nhất trí 100% Hội đồng Quản trị nghị quyết mới được thông qua.

Tòa sơ thẩm Tp.HCM đã thụ lý vụ kiện và tháng tư vừa qua tòa Sơ thẩm Tp.HCM đã ra phán quyết phản bác đơn kiện của UCI. Thay vào đó tòa công nhận nghị quyết với đại diện của đa số đồng ý, tức 81% sở hữu trong Hội đồng Quản trị.

UCI không đồng ý với phán quyết của tòa sơ thẩm, đã kiện lên tòa phúc thẩm Tp.HCM. Trong khi vụ việc đang được tòa phúc thẩm xem xét thì một loạt bài viết về công ty liên doanh GISH và những bí mật, những vấn đề liên quan đến tài chính của liên doanh được đưa ra công chúng. Một số thành viên trong GISH cho rằng đây là cách trả đũa của ông Hảo khi những quyền lợi của mình bị ảnh hưởng.

Tranh chấp quyền lực giữa ông Hảo và những thành viên còn lại chưa dừng ở bản án của tòa sơ thẩm thậm chí cả bản án của tòa phúc thẩm sau này. Hai bên còn phát sinh những vấn đề khác liên quan đến khoản tiền thực hiện dự án và đóng góp trong liên doanh.

Ông Hảo khiếu kiện RIL dòi 345.000 USD tiền phát sinh của dự án Park Hyatt Saigon, trong khi RIL lại muốn đòi vốn góp mà RIL đóng cho ông Hảo khi thành lập liên doanh GISH. Đối tác UCI đóng góp 19% vốn trong liên doanh, theo ông Tan trong đó có 17% vốn của RIL cung cấp cho ông Hảo, nay RIL đòi lại khoản vốn này.