11:50 16/02/2009

Tránh khủng hoảng, Việt kiều về nước kiếm việc

Điểm khác biệt của thị trường nhân lực năm nay là sự xuất hiện của đối tượng lao động là Việt kiều

Nhiều hãng ôtô sa thải nhân lực hàng loạt - Ảnh: Hoàng Hà.
Nhiều hãng ôtô sa thải nhân lực hàng loạt - Ảnh: Hoàng Hà.
Trước làn sóng cắt giảm nhân sự ở hầu hết các nước trên thế giới, Việt kiều nộp đơn xin việc tại các công ty ở Việt Nam ngày càng phổ biến.

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tìm kiếm nhân tài Vina (Vina Head Hunter) - Lâm Quang Vinh cho hay, điểm khác biệt của thị trường nhân lực năm nay là sự xuất hiện của đối tượng lao động là Việt kiều. Họ là những người muốn quay về quê hương học tập và làm việc, hoặc bị các công ty nước ngoài sa thải trong các đợt cắt giảm nhân sự.

Chỉ chiếm khoảng 1% số người đến tìm việc làm tại Vina Head Hunter song đây cũng là nhân tố lạ, thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng. Bởi họ tuy nằm trong diện sa thải của các công ty nước ngoài nhưng đều là những người có kinh nghiệm và có trình độ cao so với mặt bằng lao động tại Việt Nam. Trong số này phần lớn là những người đã kinh qua các công việc thuộc lĩnh vực công nghệ, thông tin, chế tạo máy móc, trang thiết bị...

"Khủng hoảng là cơ hội tốt nhất để doanh nghiệp lựa chọn nhân sự có năng lực", ông Vinh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Mai Hương - giám đốc một công ty "săn đầu người" ở Hà Nội, sử dụng nhân sự cao cấp là những Việt kiều có trình độ cao trong bối cảnh hiện nay không hề dễ, đòi hỏi doanh nghiệp phải cân nhắc chế độ đãi ngộ cùng với chính sách làm việc riêng. Vì dù có bị các công ty nước ngoài sa thải trong cuộc khủng hoảng vừa rồi thì xét trên mọi khía cạnh họ vẫn là những người mang phong cách làm việc mới và có chuẩn mực quốc tế.

Thông thường khi muốn tuyển dụng đối tượng lao động này, doanh nghiệp phải thương thảo lương bổng trực tiếp và thường là thông qua các mối quen.

Theo các công ty săn đầu người, nguồn nhân lực hiện không căng thẳng như mấy năm trước. Làn sóng sa thải nhân viên tại nhiều công ty lớn khiến cho thị trường lao động đang ở ngưỡng cung vượt cầu.

Dù các vị trí như kế toán, bán hàng... vẫn được doanh nghiệp tìm kiếm song cũng giảm khoảng một nửa so với cùng thời điểm năm ngoái và các điều kiện mà nhà tuyển dụng đưa ra cho người lao động cũng ngày một khắt khe. Có những đơn vị bắt buộc đòi hỏi phải có kinh nghiệm từ hai năm trở nên, số khác thì yêu cầu bằng cấp khá hoặc giỏi đối với sinh viên mới ra trường...

Ông Nguyễn Quốc Thái - phụ trách trang website giới thiệu việc làm trực tuyến (i-hoatieu.com) cho biết: "Việc các công ty mạnh tay cắt giảm nhân sự khiến cho lượng người không có việc làm ngày càng có xu hướng tăng hơn. Đã thấy xuất hiện một số nhân lực là người nước ngoài tham gia trang web tuyển dụng của chúng tôi".

Theo ông, một điểm khác biệt nữa ở thị trường nhân lực năm nay là các doanh nghiệp không còn tập trung vào số lượng, thay vào đó, họ chọn lựa nhân công có tay nghề cao, có thể kiêm nhiệm nhiều công việc ở nhiều vị trí khác nhau.

Chẳng hạn nhân viên bán hàng điện tử, ngoài kỹ năng giới thiệu sản phẩm, họ phải biết tư vấn khách hàng, thậm chí kiêm luôn vai trò của nhân viên kỹ thuật. Bên cạnh đó, quy mô doanh nghiệp cũng đang được thu hẹp dần để thích ứng với thời buổi khủng hoảng, khó khăn.

Chẳng hạn, trước đây, một công ty có quy mô 10 nhân viên, mỗi người đảm nhiệm một công việc khác nhau, thời điểm hiện tại, số lượng nhân lực được gói gọn, giảm một nửa. Lương trả cao hơn, nhưng đổi lại nhân viên phải đảm đương nhiều phần việc, năng động và năng suất lao động của 3 người phải tương đương với 10 người.

"Nếu như năm 2007 và đầu năm 2008 là thời của "việc tìm người" thì đến đến hiện tại, xu hướng đảo chiều thành "người tìm việc", một trăm người tìm việc thì có vài người có được vị trí như ý", ông Thái nói.

Trên thực tế, cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã xuất hiện làn sóng cắt giảm nhân lực ồ ạt tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ đầu năm, nhiều công ty, tập đoàn lớn tại Việt Nam cũng lên kế hoạch cắt giảm nhân sự, có đơn vị tiết giảm tới một nửa, hoặc ít nhất là 30%.

Giám đốc nhân sự một công ty viễn thông tại Hà Nội than thở: "Chưa bao giờ chúng tôi cảm phải đau đầu như với việc đặt bút ký cho nhân viên mình nghỉ việc. Bởi tất cả những người nằm trong danh sách tiết giảm nhân lực đều do chính chúng tôi đào tạo họ, thậm chí có người gắn bó với công ty từ những ngày đầu".

Theo ông, việc tuyển dụng nhân lực đã khó, việc sa thải nhân viên còn khó gấp nhiều lần, ấy là việc phải cân nhắc bồi thường hợp đồng, cân nhắc khoản tiền hỗ trợ thất nghiệp, chưa kể bị oán trách bị mang tiếng vô tâm...

Hồi cuối tháng 7/2008, hãng hàng không tư nhân Vietjet Air tiến hành cắt giảm 30% nhân sự, trong đó có cả giám đốc điều hành là người nước ngoài. Số khác bị luân chuyển công tác sang các bộ phận phù hợp với mức lương ít hấp dẫn hơn. Tổng giám đốc Nguyễn Đức Tâm thừa nhận: giá nhiên liệu tăng cao, khách du lịch lại giảm mạnh là bài toán khó cho tất cả các hãng hàng không chứ không chỉ riêng Vietjet Air. "Sức ép này khiến chúng tôi phải tính toán kỹ hơn các khoản chi phí, cắt giảm nhân lực và hoãn bay là việc không thể đừng được", ông Tâm nói.

Mới đây, Tổng công ty Hàng khôngViệt Nam (Vietnam Airlines) quyết định đồng loạt tăng lương cho các cán bộ chủ chốt trong tổng công ty. Song song với đó là việc cân đối lại bậc lương cho những người ở vị trí ít quan trọng và không mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp.

Tất nhiên, việc cải cách tiền lương của hãng cũng gặp không ít "lời ra tiếng vào" song lãnh đạo công ty vẫn bảo vệ quan điểm rằng: nếu không tăng lương, rất khó giữ chân được người tài, nhất là trong bối cảnh nhân lực hàng không cao cấp đang khan hiếm trong khi đó một số hãng hàng không tư nhân đang "ngấp nghé" ra đời.

Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng dám mạnh tay tăng lương để giữ chân người tài vì họ phải tính toán trên lợi nhuận công ty. Ông Bùi Quốc Cường - giám đốc một doanh nghiệp phần mềm ở Hà Nội cho rằng: "Trong lúc khó khăn hiện nay mà đặt vấn đề tăng lương hay mời những người giỏi ở các công ty khác về để đãi ngộ bằng chế độ đặc biệt thì nói thật... chúng tôi không đủ sức".

Ông cho hay từ cuối năm 2008 đến nay công ty sản xuất cầm chừng vì nhân viên đảm nhận các vị trí chủ chốt trong công ty xin nghỉ việc để chuyển sang doanh nghiệp khác có mức lương hậu hĩnh hơn. "Những nhân viên này được đào tạo để đảm nhận các vị trí mắt xích trong công ty nên khi họ bỏ việc đều tạo thành một lỗ hổng cũng khá lớn", ông thừa nhận.

Giải pháp tạm thời được ông Cường áp dụng lúc đó là "xắn tay vào làm" và tự mình đảm đương nhiều việc khác nhau. Ngoài ra, ông thuê sinh viên ở các ngành đào tạo chuyên về công nghệ để làm part time để duy trì các hợp đồng nhỏ lẻ, đồng thời tiếp tục tuyển dụng nhân lực về và đào tạo thành người của mình.

"Rất khó tính chuyện tuyển dụng nhân sự cấp cao vào lúc này vì kỹ sư giỏi thường đòi mức lương cao hoặc tìm tới các công ty quy mô lớn, những điều kiện này thì hiện giờ công ty chưa thể đáp ứng", ông nói.

Bà Thu Hương - giám đốc một công ty truyền thông ở Hà Nội thì cho rằng thời buổi kinh doanh khó khăn, doanh thu có thể giảm, lợi nhuận có thể ít nhưng công ty vẫn sống được, còn mất nhân viên giỏi thì công ty coi như hết hy vọng. Chính vì thế để đối phó với nạn chảy máu chất xám, các công ty đã nghĩ tới trăm phương nghìn cách để giữ chân nhân viên của mình, trong đó cách đơn giản nhất là tăng lương.

Tuy nhiên, bà Hương hiểu tăng lương chưa phải là sự lựa chọn khôn ngoan đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cách thức này chỉ áp dụng với những nhân viên đặc biệt, nhân viên chủ chốt chứ không nên "cào bằng" mức lương của mọi nhân viên.

Ngoài ra, bà cho rằng việc xây dựng chế độ đãi ngộ xứng đáng cho nhân viên làm việc tốt và giúp đỡ những nhân viên khó khăn để động viên họ yên tâm gắn bó lâu dài với công ty cũng là một giải pháp tốt trong thời buổi khó khăn này.

Hồng Anh (VnExpress)