10:50 06/06/2014

Trên 96% đại biểu chọn chất vấn Bộ trưởng Tài chính

Nguyên Hà

Thủ tướng hay phó thủ tướng được ủy quyền đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp vẫn là phương án được để ngỏ

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Sau ba ngày xin ý kiến, sáng sớm 6/6, danh sách chính thức các vị bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 này đã được gửi đến từng vị đại biểu.

Theo đó, đã có 332 vị thể hiện chính kiến, 166 vị không tham gia chọn người chất vấn. Như vậy, so với 202 vị ở kỳ họp thứ sáu thì số đại biểu không hồi âm đã thấp hơn khá nhiều.

96,4% các vị có hồi âm đã “chấm” Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Và tỷ lệ chọn lần lượt với các vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, Tổng thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp là 91%;  87,7% và 68,4%.

Chiếm tỷ lệ thấp nhất về số người đồng ý chọn (63%) Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân đã không còn nằm trong danh sách trả lời chất vấn trực tiếp.

Sau khi bốn vị được chọn trả lời, Thủ tướng hay phó thủ tướng được ủy quyền đăng đàn vẫn là phương án được để ngỏ.

Trao đổi với VnEconomy ngay sau khi nhận được danh sách chính thức, một số vị đại biểu cho biết họ không hoàn toàn đồng tình với cách đưa 5 chọn 4 như thông lệ hiện nay. Mà nên để danh sách gồm tất cả các vị có trách nhiệm trả lời chất vấn trước Quốc hội để đại biểu lựa chọn, sau đó sẽ chọn 4 vị có kết quả cao nhất. Bởi, chất vấn không nên thôn lần xã lượt mà nên theo lĩnh vực, vấn đề nào cần được ưu tiên.

Một số đại biểu cũng cho biết, khá nhiều đại biểu muốn chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nhưng cả hai kỳ họp gần đây Bộ trưởng đều không có trong danh sách dự kiến.

Tại văn bản gửi xin ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xếp y tế cùng với công thương vào nhóm ngành có nhiều vấn đề bức xúc. Song, trước kỳ họp thứ 7, hai vị bộ trưởng này đã trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (tháng 4/2014).

Tuy nhiên, không ít vị đại biểu cho rằng, chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tại phiên toàn thể của Quốc hội là rất khác nhau.

Nếu nhìn vào các chất vấn bằng văn bản được gửi tới các thành viên Chính phủ từ đầu kỳ họp thứ 7 đến nay thì mức độ bức xúc về các vấn đề của ngành y vẫn dẫn đầu. Trong đó, có vị đại biểu đã hỏi suy nghĩ của vị “tư lệnh” ngành y về việc từ chức.

Tuần sau, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ bắt đầu từ 14h ngày 10/6 với Bộ trưởng Bộ Tài chính. Và nợ công sẽ là một trong những tâm điểm trong các nhóm vấn đề dành cho ông Đinh Tiến Dũng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ý, mang tính vĩ mô, hạn chế việc giải thích dài và tìm hiểu thông tin,thời gian hỏi tối đa không quá 2 phút/1 lần, tăng cường đối thoại giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn. Chủ tọa phiên chất vấn điều hành linh hoạt, đảm bảo hỏi và trả lời ngắn gọn, bám sát nội dung nhóm vấn đề, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Sau hoạt động chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để nâng cao hiệu lực thi hành, có cơ sở để giám sát việc thực hiện.