11:06 16/12/2008

Triển vọng thị trường trái phiếu 2009?

Thanh Hải

Chủ tịch Diễn đàn Thị trường trái phiếu Việt Nam nhận định về triển vọng thị trường trái phiếu trong nước năm 2009

Trong năm 2009, nhu cầu đầu tư trái phiếu có xu hướng giảm xuống khi đối tượng các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng co lại - Ảnh: Việt Tuấn.
Trong năm 2009, nhu cầu đầu tư trái phiếu có xu hướng giảm xuống khi đối tượng các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng co lại - Ảnh: Việt Tuấn.
Đánh giá về thị trường trái phiếu trong nước năm nay, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Chủ tịch Diễn đàn Thị trường trái phiếu Việt Nam cho rằng đây là một năm thị trường có nhiều biến động.

Ông nói:

- Trong quý 1/2008, nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp, khối lượng phát hành thành công ước đạt 78% tổng giá trị phát hành trên thị trường sơ cấp.

Tuy nhiên, bước sang quý 2 tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam bắt đầu bộc lộ những bất ổn như lạm phát và thâm hụt thương mại tăng cao, cộng với biến động về tỷ giá đã làm cho nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu có xu hướng rút khỏi thị trường đẩy giá trái phiếu trên thị trường thứ cấp giảm mạnh đồng thời trên thị trường sơ cấp khối lượng phát hành thành công chỉ đạt 30% khối lượng phát hành.

Từ tháng 9/2008 trở lại đây, chính sách cắt giảm lãi suất cơ bản liên tục đã có tác động tích cực đến nhu cầu đầu tư trái phiếu của các tổ chức tín dụng trong nước và làm giá trái phiếu tăng nhanh trở lại.

Tuy nhiên, xu hướng bán ròng trái phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tăng.

Xét về các phương diện khác, trong năm 2008, hoạt động của thị trường trái phiếu cũng đã tiếp tục được Chính phủ quan tâm từng bước tạo điều kiện phát triển với việc tập trung hoạt động giao dịch trái phiếu từ HOSE về HASTC để hình thành thị trường trái phiếu chuyên biệt.

Vậy sự phát triển của thị trường trái phiếu Việt Nam trong năm tới sẽ như thế nào, theo quan điểm của ông?

Tôi cho rằng trước mắt trong năm 2009 thì thị trường trái phiếu Việt Nam sẽ có nhiều thách thức. Nếu không có các giải pháp kịp thời thì tính thanh khoản trên thị trường trái phiếu thứ cấp trong năm 2009 cũng có nguy cơ bị giảm sút.

Thứ nhất, nhu cầu đầu tư trái phiếu có xu hướng giảm xuống khi đối tượng các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng co lại.

Xu hướng rút vốn đầu tư khỏi các thị trường, tài sản có độ rủi ro cao chuyển sang thị trường và tài sản có độ rủi ro thấp cùng với việc giảm mạnh tỷ lệ đòn bẩy trong hoạt động đầu tư và chuyển sang giữ tiền mặt đã sẽ còn tiếp tục tác động mạnh tới khả năng tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường trái phiếu cũng như cổ phiếu Việt Nam, ít nhất là trong nửa đầu năm 2009.

Thứ hai, mặc dù ở nước ngoài khi kinh tế bộc lộ nhiều rủi ro tiềm ẩn thì các nhà đầu tư thường có xu hướng tăng cường đầu tư vào trái phiếu Chính phủ nhưng ở Việt Nam xu hướng này chưa có điều kiện hình thành rõ, do đối tượng nhà đầu tư trái phiếu trong nước chưa đa dạng, chủ yếu mới chỉ là các ngân hàng thương mại và các công ty bảo hiểm.

Việc đẩy mạnh mua khối lượng lớn trái phiếu Chính phủ từ các nhà đầu tư nước ngoài của các ngân hàng trong nước thời gian qua sẽ có thể dẫn đến khả năng tham gia đầu tư vào trái phiếu của đối tượng này sẽ bị hạn chế trong năm 2009 vì lý do thanh khoản và giới hạn đầu tư trên tổng tài sản.

Ngoài ra, việc phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ gặp nhiều khó khăn nếu thị trường trái phiếu Chính phủ không phát triển và thu hút được nhà đầu tư vì trái phiếu chính phủ luôn được coi là chuẩn cho trái phiếu doanh nghiệp.

Để kích thích sự phát triển của thị trường trái phiếu trong năm 2009, theo ông cần phải có những giải pháp như thế nào?

Theo tôi, cần có hai nhóm giải pháp cơ bản.

Thứ nhất, Chính phủ cần tập trung điều hành đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào xu hướng phát triển vững chắc của nền kinh tế.

Thứ hai, tiếp tục tập trung xây dựng, đổi mới, nâng cấp các cơ sở hạ tầng, khuôn khổ pháp lý, phương thức quản lý... tạo điều kiện cho việc phát triển hoạt động của thị trường trái phiếu.

Trong đó, một số giải pháp cần tập trung là: Xây dựng chiến lược phát triển cụ thể cho thị trường trái phiếu Việt Nam ở cả thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp đối với cả trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể tham gia trên thị trường, đặc biệt là của Hiệp hội Thị trường trái phiếu để có các chính sách quản lý, giám sát, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ thể này hoàn thành tốt vai trò và trách nhiệm của mình.