19:02 23/12/2019

Triệu chứng và cách phòng tránh bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

An Nhiên

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (tên quốc tế là COPD), là tình trạng tắc nghẽn đường thở, gây nên bởi các loại khói và khí độc. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nếu không được phát hiện, phòng và chữa trị kịp thời sẽ diễn biến ngày càng nặng và không còn khả năng hồi phục. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 4,2% dân số mắc bệnh COPD.


Theo bác sĩ chuyên khoa, bất cứ người nào cũng có nguy cơ mắc bệnh COPD, kể cả trẻ em hay người lớn, tuy nhiên, bệnh đặc biệt hay gặp ở nam giới từ 40 tuổi trở lên. Đây là bệnh mãn tính, thỉnh thoảng có đợt cấp, hoàn toàn không lây.
Triệu chứng và cách phòng tránh bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính - Ảnh 1.
Người mắc bệnh COPD thường có triệu chứng ho khạc đờm. Ban đầu đờm ít và loãng, sau nhiều, đặc hơn, giai đoạn cuối có thể đổi màu và có mủ. Người bệnh cũng thấy khó thở, người mệt mỏi. Những dấu hiệu này thường bị nhầm lẫn với một số bệnh như: viêm họng mãn, viêm phổi... nên nhiều người bệnh chủ quan và không đi khám. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh COPD có thể gây ra các biến chứng như suy hô hấp, suy tim, ung thư phổi, thậm chí dẫn tới tử vong.Thực tế đáng lo ngại, việc điều trị COPD hiện nay gặp khó khăn, nhất là với những người già, người cao tuổi. Việc người bệnh không tuân thủ điều trị; sử dụng thuốc không đúng cách; chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý; chưa chú ý đến phục hồi chức năng hô hấp và nhất là vẫn tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh khiến bệnh khó cải thiện dứt điểm, thậm chí trầm trọng hơn.Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân chính gây COPD là do hút thuốc lá, thuốc lào từ khi còn trẻ, nhưng nhiều người không nhận thức được tác hại của thói quen này. Họ cho rằng, hút thuốc chỉ liên quan đến ung thư phổi chứ không biết đây cũng là căn nguyên dẫn đến bệnh COPD.
Triệu chứng và cách phòng tránh bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính - Ảnh 2.
Để phòng ngừa bệnh COPD, các chuyên gia khuyến cáo, nam giới không nên hút thuốc lá, thuốc lào tránh tiếp xúc các nguy cơ gây bệnh. Với những người cao tuổi mắc bệnh, để phòng ngừa bệnh tái phát, nên hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc khói thuốc, các hóa chất, khói bụi độc hại.Nên tập thể dục đều đặn hằng ngày, nhất là hít thở không khí trong lành trước và sau khi ngủ dậy và tuân thủ việc uống thuốc theo đúng sự chỉ dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hơn 25% số người mắc bệnh COPD bị suy dinh dưỡng, vì khi ăn họ dễ cảm thấy mệt và khó thở nên chán ăn và ăn ít, dẫn tới suy dinh dưỡng. Do vậy, chế độ ăn cần chia ra nhiều bữa nhỏ trong ngày, nên ăn chậm, nhai kỹ, tránh dùng đồ ăn thức uống có chất kích thích hoặc gây đầy hơi.