09:00 08/02/2024

Trong khi Big Tech Mỹ sa thải hàng loạt, Nhật Bản lại đối mặt thiếu hụt nhân lực công nghệ trầm trọng

Hoàng Hà

Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực có tay nghề cao trong lĩnh vực công nghệ, khi nước này tìm cách số hóa nền kinh tế và khởi động ngành công nghiệp bán dẫn...

Theo nghiên cứu mới của công ty tuyển dụng Morgan McKinley, 3/4 các nhà quản lý tuyển dụng công nghệ ở Nhật Bản nhận thấy quá trình tuyển dụng hiện nay “rất cạnh tranh”, thiếu hụt ứng viên có tay nghề cao là lý do hàng đầu. Báo cáo cho thấy xu hướng này cũng phổ biến ở các ngành, với 90% tổ chức được khảo sát phải đối mặt với thị trường tuyển dụng cạnh tranh.

Báo cáo lưu ý rằng các nhà tuyển dụng Nhật Bản đã phải đẩy nhanh quá trình tuyển dụng để không bị thua thiệt so với các đối thủ cạnh tranh. Điều này hoàn toàn trái ngược với Mỹ, nơi 32.000 nhân viên công nghệ đã bị sa thải trong năm nay và nhiều lời mời làm việc vẫn còn hiếm.

NHIỀU LAO ĐỘNG NHẢY VIỆC, YÊU CẦU MỨC LƯƠNG CAO

Đặc biệt, tình trạng thiếu hụt kỹ sư phần mềm của Nhật Bản đã khiến nước này tụt hậu trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Báo cáo khuyến nghị nên chuyển sang tuyển dụng lao động nước ngoài, vì 31% nhà quản lý tuyển dụng công nghệ cho rằng việc thiếu ứng viên có kỹ năng là thách thức lớn nhất của họ trong năm nay. Dân số lao động nước ngoài của Nhật Bản gần đây đang gia tăng, lần đầu tiên đạt mức 2 triệu người tính đến tháng 10.

Lionel Kaidatzis, giám đốc điều hành của Morgan McKinley Nhật Bản, cho biết: “Rất nhiều tổ chức ở Nhật Bản chắc chắn có thể nhìn ra bên ngoài và xa hơn, và tôi nghĩ họ có thể sẽ tìm được những tài năng lành nghề hơn hoặc có lẽ những cá nhân có nhiều kinh nghiệm hơn về công nghệ tiên tiến. Tôi nghĩ tình hình đã được cải thiện, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước”.

Các công ty tập trung vào nhân tài chất lượng cao thay vì thuê nhiều nhân công, khiến môi trường trở nên cạnh tranh hơn. Một nửa số nhà quản lý tuyển dụng công nghệ đang có kế hoạch tăng số lượng nhân viên trong nửa đầu năm 2024.

Đề nghị mức lương cao hơn là ưu tiên hàng đầu của các nhân viên công nghệ khi chuyển việc. Báo cáo cho biết số lượng công ty bị các ứng viên tiềm năng từ chối lời mời tuyển dụng vào năm ngoái cao kỷ lục, do mức lương mà các công ty này đưa ra không đủ cao. Hơn 70% người sử dụng lao động trong lĩnh vực này dự kiến sẽ tăng lương ở một số vai trò nhất định trong năm nay, do các hộ gia đình ở Nhật Bản tiếp tục phải vật lộn với việc lương của họ không theo kịp tốc độ tăng giá.

Kaidatzis cho biết: “Tôi vẫn nghĩ rằng Nhật Bản đang tụt lại phía sau về vấn đề này và chắc chắn cần phải có sự chú trọng đáng kể vào việc tăng lương ở Nhật Bản”.

GẦN 10 TRIỆU VIỆC LÀM BỊ MẤT DO AI, NHƯNG VẪN THIẾU HỤT LAO ĐỘNG 

Theo trang tin tức địa phương Kyodonews, thị trường lao động Nhật Bản có thể đang ở thời điểm suy thoái khi quốc gia này chuẩn bị đối mặt với sự thiếu hụt hàng triệu công nhân, sự trỗi dậy của AI và những rủi ro đối với an ninh kinh tế.

Sự chú ý ngày càng tập trung vào tính bền vững của tăng trưởng tiền lương, vốn đang tăng tốc với tốc độ nhanh nhất trong ba thập kỷ. Thủ tướng Fumio Kishida hiện muốn thấy mức tăng lương sẽ "cao hơn vài điểm phần trăm" so với tỷ lệ lạm phát của đất nước.

Hệ thống việc làm dựa trên thâm niên rộng khắp của Nhật Bản, năng suất lao động thấp và việc người lao động không muốn nhảy từ công việc này sang công việc khác là một trong những yếu tố khiến nước này tăng trưởng lương chậm chạp trong nhiều năm.

Tình trạng thiếu lao động sẽ nghiêm trọng hơn trong nhiều thập kỷ tới
Tình trạng thiếu lao động sẽ nghiêm trọng hơn trong nhiều thập kỷ tới

Các cuộc khảo sát ở khu vực tư nhân cho thấy tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng hơn trong nhiều thập kỷ tới, một trong số đó ước tính mức thiếu hụt hơn 11 triệu lao động vào năm 2040. Cả nước có khoảng 67 triệu lao động tính đến tháng 7.

Chính phủ đang ngày càng nghiêm túc hơn trong việc cải cách thị trường lao động, nhấn mạnh nhu cầu đào tạo lại lực lượng lao động, chuyển từ việc làm dựa trên thâm niên và thúc đẩy dịch chuyển lao động hướng tới việc thiết lập một chu kỳ tăng trưởng kinh tế tích cực.

Takuya Hoshino, nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, cho biết: “Nếu nhiều người chuyển từ công ty này sang công ty khác, nhiều công ty sẽ trả lương cao hơn để thu hút những công nhân trẻ, có tay nghề cao”.

“Chính phủ muốn các chương trình đào tạo lại kỹ năng để tạo điều kiện cho nhiều người nhảy việc hơn nhưng đồng thời cũng có những công ty cung cấp những cơ hội như vậy cho chính người lao động của họ, đặc biệt là những người trẻ muốn nâng cao kỹ năng của mình để giữ chân người làm”, nhà kinh tế Takuya Hoshino nói.

Trong khi một số lĩnh vực đang thu được lợi ích từ tự động hóa và AI, đồng thời các công ty đang có kế hoạch tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực này, thì vẫn còn sự bất ổn về tác động lâu dài đến thị trường lao động.

Trong nỗ lực bảo vệ an ninh quốc gia, Nhật Bản cũng đang hướng tới khôi phục lĩnh vực chip cạnh tranh một thời với sự giúp đỡ của những gã khổng lồ như Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC, nhằm ngăn chặn tình trạng gián đoạn nguồn cung.

Theo ước tính của Viện nghiên cứu Mitsubishi, số lượng kỹ sư chuyên nghiệp sẽ phải tăng mạnh để Nhật Bản tăng gấp đôi thị phần trong lĩnh vực này lên 15% vào năm 2035.

Viện ước tính 9,7 triệu việc làm sẽ bị mất vào năm 2035 do ảnh hưởng của số hóa, bao gồm cả AI. Tuy nhiên, lao động vẫn sẽ thiếu hụt trong năm đó do nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi xanh và kỹ thuật số cũng như nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của quốc gia.

Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết AI tạo sinh, vốn không tốt cũng không xấu, sẽ "tăng cường" thay vì phá hủy việc làm. Cơ quan Liên Hợp Quốc đang kêu gọi các chính phủ và các tổ chức khác thiết kế các chính sách phù hợp để đảm bảo quá trình chuyển đổi suôn sẻ vì chi phí đối với những người lao động bị ảnh hưởng sẽ rất lớn.