10:52 20/10/2008

“Trong khủng hoảng, dễ mua bán công ty”

Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt nói về xu hướng M&A diễn ra sôi động những tháng vừa qua

"Hoạt động M&A đòi hỏi bên bán phải ra quyết định nhanh và đúng thời điểm".
"Hoạt động M&A đòi hỏi bên bán phải ra quyết định nhanh và đúng thời điểm".
“Trong khủng hoảng, dễ mua bán công ty. Bên bán và bên mua đều tỏ ra ít khắt khe hơn và vì vậy các cuộc thương thảo mang lại kết quả nhiều hơn”.

Ông Tô Hải, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt, nhấn mạnh như vậy khi trả lời phỏng vấn báo chí về xu hướng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) diễn ra sôi động những tháng vừa qua.

Thưa ông, vì sao M&A lại trở nên nhộn nhịp trong bối cảnh bây giờ? Những yếu tố nào đã và đang thúc đẩy hoạt động này ở Việt Nam?

Có thể nói những khó khăn của nền kinh tế trong nửa đầu năm 2008 như lạm phát tăng cao, nhập siêu tăng mạnh, cuộc chạy đua lãi suất huy động, nhiều dự án bất động sản và phát triển hạ tầng bị đình trệ, hoạt động IPO tạm gián đoạn... cộng với lộ trình thực hiện cam kết WTO là những yếu tố thúc đẩy hoạt động M&A từ nay đến hết năm và nửa đầu năm 2009.

Nghĩa là M&A đã “tận dụng” những khó khăn của nền kinh tế?

Không hẳn như vậy. Tuy nhiên khó khăn kinh tế là thử thách đối với doanh nghiệp này, song lại là cơ hội đối với doanh nghiệp khác. Cả thử thách và cơ hội đều gia tăng động lực, thúc đẩy các bên trong hoạt động M&A.

Ông có thể cho biết một số trường hợp mua bán, sáp nhập điển hình thời gian qua không? Các trường hợp đó diễn ra chủ yếu trong lĩnh vực, ngành nghề nào?

Thí dụ Swiss Reinsurance Co mua 25% cổ phần của Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Việt Nam (Vinare) với giá 81,9 triệu đô la Mỹ; Công ty Công nghiệp Ô tô than Việt Nam (Vmic) nhượng 12,5% cổ phần cho Kamaz Inc; VinaCapital mua lại một phần hoặc toàn bộ một số khách sạn ở TPHCM, Hà Nội; Morgan Stanley mua 49% cổ phần của Công ty Chứng khoán Hướng Việt; Franklin Templeton Investments mua 49% cổ phần của Công ty Quản lý quỹ Vietcombank...

Đó đều là những thương vụ giá trị tương đối lớn và việc đàm phán diễn ra khá nhanh chóng. Ý tôi muốn nói là nhanh hơn nhiều so với những trường hợp M&A những năm trước. Mới đây chúng tôi vừa tư vấn thành công cho tập đoàn Holcim của Thụy Sỹ mua lại Nhà máy Xi măng Cotec. Việc mua bán đáp ứng kỳ vọng của các bên nhanh hơn mong đợi.

Từ góc độ một công ty tư vấn và thông qua vụ mua bán Cotec - Holcim, theo ông, mối quan tâm hàng đầu của những công ty đi mua lại hiện nay là gì? Những doanh nghiệp như thế nào thì có thể lọt vào tầm ngắm của họ?

Mối quan tâm hàng đầu của những đối tác đi mua lại hiện nay là những doanh nghiệp hoạt động trong cùng ngành nghề với họ. Bên mua thường “để mắt” đến các lĩnh vực viễn thông, bán lẻ và phân phối, hàng tiêu dùng, bất động sản, vật liệu xây dựng. Tiêu chí của họ là những công ty có thị phần ổn định, có khả năng tăng trưởng, hệ thống phân phối tốt, bộ máy quản trị hiệu quả.

Còn giá cả thì sao thưa ông? Giá rẻ có phải là một tiêu chí được lựa chọn không?

Tất nhiên giá cả là một yếu tố quan trọng, mang tính quyết định. Holcim mua Nhà máy Xi măng Cotec vì họ muốn mở rộng sản xuất và nâng cao thị phần ở thị trường xi măng Việt Nam.

Việc mua một nhà máy như vậy có lợi cho Holcim hơn việc đầu tư xây dựng một nhà máy mới vì hiện tại, Việt Nam là quốc gia duy nhất tại khu vực Đông Nam Á có nhiều dự án xi măng quy mô nhỏ dọc theo đất nước. Hầu hết các nhà máy này được đặt tại miền Bắc và miền Trung, có sẵn nguồn nguyên vật liệu đầu vào.

Mặt khác, Chính phủ đã dừng cấp phép cho những dự án xi măng tại các tỉnh miền Nam ngoại trừ ở Tây Ninh, Bình Phước và Hà Tiên. Vì thế mua lại là cách hợp lý để nâng cao công suất, gia tăng thị phần và tiết kiệm chi phí đầu tư.

Đâu là điểm khác biệt lớn giữa mua bán doanh nghiệp trước kia và bây giờ?

Điểm khác biệt lớn trong hoạt động M&A hiện tại so với trước đây là đối tác nước ngoài đi mua đa số là các doanh nghiệp đã hoạt động, đã hiện diện tại Việt Nam. Trong tình hình khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, không có nhiều công ty nước ngoài mạo hiểm mở rộng đầu tư ở thị trường mới mà họ chưa có kinh nghiệm hoặc chưa hiểu biết rõ.

Không ít doanh nghiệp Việt Nam mất thời gian tìm kiếm đối tác ở đâu đó trong khi đối tác có thể chào bán lại chính là khách hàng thường xuyên của mình.

Ngoài ra, theo tôi, bên bán cần chú trọng đến việc hoàn thiện sự vận hành đồng bộ của các mảng, các bộ phận trong hoạt động doanh nghiệp, đến hệ thống quản trị công ty, chứ không chỉ đơn thuần quan tâm đến việc tạo ra bao nhiêu doanh thu, lợi nhuận.

Các công ty có mạng lưới phân phối rộng thường có lợi thế trong đàm phán mua bán doanh nghiệp. Theo lộ trình thực hiện cam kết WTO, thì từ ngày 1/1/2009 những hạn chế mang tính bảo hộ nội địa trong lĩnh vực phân phối sẽ bị thu hẹp hoặc không còn tồn tại. Nhiều công ty nước ngoài đang nhắm tới lĩnh vực này với mục đích mua lại, bởi phát triển hệ thống phân phối hiện hữu sẽ hiệu quả hơn xây dựng một hệ thống hoàn toàn mới.

Nhìn lại các thương vụ M&A mà công ty ông đã tham gia tư vấn, có thể rút ra kinh nghiệm gì cho các doanh nghiệp Việt Nam?

Hoạt động M&A đòi hỏi bên bán phải ra quyết định nhanh và đúng thời điểm. Quan trọng là bên bán nhận thức được mình đang ở đâu, vị trí nào trong cuộc thương lượng. Đa số doanh nghiệp Việt Nam thiếu thông tin về thị trường khu vực, do đó đôi khi đưa ra giá bán trên trời.

Tôi đã gặp một doanh nghiệp Việt Nam chào bán công ty với giá gần gấp 10 lần một doanh nghiệp Trung Quốc có quy mô và ngành nghề tương tự chỉ vì chủ doanh nghiệp đó cho rằng thương hiệu của mình là vô giá. Việc chọn lựa đơn vị tư vấn phù hợp có ý nghĩa quyết định đến thành công của M&A. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên nhìn hoạt động M&A theo chiều hướng cởi mở hơn, coi đó như một dấu hiệu tích cực trong quá trình phát triển.

Từ năm ngoái xuất hiện xu hướng nước ngoài tìm cách mua lại một phần hoặc toàn bộ một số dự án bất động sản ở Việt Nam. Ông nhận định như thế nào về xu hướng này?

Đây là xu hướng tất yếu đối với một thị trường mới nổi và đặc biệt là khi “khủng hoảng” bên ngoài đang xảy ra. Bất động sản luôn là lĩnh vực phát triển nóng ở những thị trường mới nổi và khi khủng hoảng qua đi thì đây là một trong những lĩnh vực hồi phục sớm nhất. Tại Việt Nam, hiện nay thị trường bất động sản đang trầm lắng, nhà đầu tư có thể tiếp cận được một số dự án với mức giá hợp lý hơn và nguồn cung cũng dồi dào hơn.

Ngoài ra nước ngoài khó tham gia vào các dự án bất động sản ngay từ đầu theo cách các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện, vì thủ tục quá lâu, phức tạp. Mua lại dự án là cách rút ngắn thời gian đầu tư.

Hiện nay khung pháp lý cho M&A ở Việt Nam vẫn còn rời rạc, chưa có luật cụ thể tạo thuận lợi cho mua bán doanh nghiệp. Ông có chia sẻ nhận xét trên không?

Thực tế đúng là như vậy. Nhưng tình trạng đó không phải là không thể tháo gỡ được. Tôi cho rằng đối với bên mua, tổ chức tư vấn nên giải thích những bất cập về pháp lý hiện nay là như thế nào, Việt Nam khác với thông lệ quốc tế ra sao và đề ra hướng xử lý phù hợp.

Đối với bên bán, nhà tư vấn cần truyền đạt cho họ mấu chốt những yêu cầu về pháp lý của bên mua, tại sao bên mua lại cần những ràng buộc về pháp lý đó để tránh trường hợp bên bán cảm thấy bị bên mua làm khó. Trên tinh thần đó, nhu cầu mua bán mới dễ gặp nhau.

Hải Lý (TBKTSG)