09:13 28/02/2011

“Trung - Ấn sẽ tranh ngôi nhất, nhì kinh tế thế giới”

Hồng Ngọc

Mỹ sẽ sớm nhường ngôi cho Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi, Việt Nam nằm trong 11 nước sẽ đóng góp lớn vào GDP toàn cầu

Trung Quốc và Ấn Độ là các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.
Trung Quốc và Ấn Độ là các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.
Mỹ sẽ sớm rớt đài khỏi vị trí số một kinh tế thế giới để nhường ngôi cho Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi, Việt Nam nằm trong số 11 quốc gia sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP toàn cầu.

Mỹ sẽ sớm bị loại khỏi ngôi vị dẫn đầu trong các nền kinh tế thế giới, tờ Daily Mail cuối tuần trước dẫn báo cáo nhận định của chuyên gia kinh tế trưởng Willem Buiter thuộc ngân hàng Citigroup cho hay. Theo ông Buiter, Mỹ sẽ rớt đài xuống vị trí thứ hai vào năm 2020 và xuống hạng 3 vào năm 2050.

Chuyên gia Buiter nhận định, các quốc gia mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đuổi kịp phương Tây về thu nhập và chất lượng cuộc sống. Ý kiến của chuyên gia kinh tế này được đưa ra trong bối cảnh các thị trường toàn cầu được xem là tiếp tục tăng trưởng.

Theo đó, không lâu nữa, Mỹ sẽ rơi ra khỏi vị trí dẫn đầu. "Trung Quốc sẽ tiếm ngôi vị của Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2020, sau đó bị Ấn Độ vượt lên vào năm 2050", ông Buiter dự báo.

"Chúng tôi dự kiến mức tăng trưởng mạnh trong nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục kéo dài cho tới năm 2050, với tỷ lệ tăng trưởng GDP thực tế hàng năm ở mức 4,6% cho tới năm 2030 và 3,8% trong giai đoạn 2030 - 2050". "Với kết quả đó, GDP toàn cầu sẽ tăng từ 72 nghìn tỷ USD trong năm 2010 lên 380 nghìn tỷ vào năm 2050", chuyên gia kinh tế trưởng của Citigroup nói thêm.

Báo cáo của ông Buiter cũng đưa ra danh sách 11 quốc gia sẽ đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bao gồm: Bangladesh, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia, Iraq, Mông Cổ, Nigeria, Philippines, Sri Lanka và Việt Nam.

Tất cả những quốc gia này hiện còn nghèo, nhưng sẽ trở thành những điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư quốc tế, bởi vị trí địa lý thuận lợi và nguồn lực tài nguyên thiên nhiên. Theo Buiter, nếu tất cả 11 quốc gia này thực hiện các chính sách kinh tế thị trường, đầu tư vào nhân lực... thì quá trình tăng trưởng sẽ càng trở nên dễ dàng hơn.

Dân số trẻ, các định chế tài chính chất lượng cao, chính sách kinh tế thị trường mở và ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ là những chìa khóa chính mở toang cánh cửa thành công cho các quốc gia này.

Cũng theo báo cáo, châu Phi và khu vực các quốc gia châu Á đang phát triển sẽ là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nối gót theo sau là Đông Âu, Mỹ Latin, Trung Đông và các nước thuộc Liên Xô cũ. Trong khi đó, các nước công nghiệp phương Tây sẽ tăng trưởng chậm lại.

Báo cáo còn chỉ ra rằng, sự chuyển giao của tất cả các bên sẽ không hề ngọt ngào, bởi nhiều vấn đề do sức ép thảm họa thiên nhiên và kinh tế gây ra. "Dự kiến sẽ có những trận đổ vỡ và phá sản. Đôi lúc sẽ có những thảm họa tăng trưởng, xuất phát từ chính sách yếu kém, xung đột hay thiên tai", chuyên gia Buiter nhận định.

Trong khi đó, ngược với nhận định của ông Buiter, hôm 24/2, một chuyên gia kinh tế thuộc Merrill Lynch Global lại cho rằng, các nền kinh tế thị trường mới nổi đang có xu hướng mất đà tăng trưởng. Theo Kate Moore, nhà chiến lược kinh tế của tập đoàn tài chính Mỹ trên, nhà đầu tư đang rời khỏi các thị trường mới nổi và quay lại các nền kinh tế phát triển.

Các chỉ số MSCI, chỉ số về thăng trầm của thị trường vốn, của các thị trường mới nổi đã giảm 3,5% trong khi chỉ số này tại 23 thị trường phát triển đã tăng 5,1%. Trên thực tế, trong năm tháng qua, chỉ số MSCI của các thị trường phát triển đã vượt các thị trường mới nổi.

Các nền kinh tế mới nổi sau hai năm tăng trưởng cao đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh từ Mỹ và các nước phát triển khác và đang mất dần vị thế duy nhất về tăng trưởng cao.