09:09 12/02/2007

Trung Quốc: Biến động tỷ giá có thể gây khủng hoảng

Trung Việt

Trung Quốc định tăng nhanh giá đồng tiền để giảm xuất siêu, nhưng việc tăng giá quá nhanh có thể dẫn tới khủng hoảng tài chính

Tỷ giá NDT so với USD đã đạt mức kỷ lục 7,7496 NDT/USD vào ngày 7/2
Tỷ giá NDT so với USD đã đạt mức kỷ lục 7,7496 NDT/USD vào ngày 7/2

Trung Quốc định tăng nhanh giá đồng tiền để giảm xuất siêu, nhưng việc tăng giá quá nhanh có thể dẫn tới khủng hoảng tài chính.

Đó là nhận định của giới phân tích khi đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đã liên tục tăng giá trong tuần qua, đạt mức kỷ lục với tỷ giá chuẩn mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố ngày 7/2 là 7,7496 NDT đổi 1 USD.

Trước đó, chỉ trong vòng 4 ngày, có hai lần NDT đã tăng giá kỷ lục so với USD, trong đó phiên giao dịch ngày 6/2, tỷ giá trao đổi ở mức 7,7595 NDT/USD và phiên giao dịch ngày 2/2 ở mức 7,7613 NDT/USD.

NDT sẽ còn tăng giá?

Với việc liên tiếp trong mấy ngày gần đây xuất hiện ba kỷ lục về tỷ giá cao của đồng NDT so với USD, giới phân tích nhận định đồng NDT đang được tăng giá một cách có chủ định với tốc độ nhanh, nhằm mục tiêu giảm bớt mức xuất siêu khổng lồ của Trung Quốc, nhất là trong buôn bán với Mỹ.

Theo công bố mới nhất của Bộ Thương mại Trung Quốc, tổng kim ngạch thương mại năm 2006 của Trung Quốc đạt 1.760,69 tỷ USD, tăng 338,78 tỷ USD, tương đương 23,8%, so với năm 2005, cao hơn quy mô xuất nhập khẩu cả năm 1998, đạt thặng dư thương mại 177,47 tỷ USD. Đây là năm thứ 5 liên tục ngoại thương của Trung Quốc duy trì mức tăng trên 20%. 

Kể từ khi Trung Quốc thực hiện cải cách chế độ tỷ giá hối đoái tháng 7/2005 đến nay, đồng NDT đã lên giá hơn 5% so với USD. Nguồn tin từ giới quản lý lưu thông tiền tệ Trung Quốc còn dự báo rằng đồng NDT có thể sẽ lên giá 8 hoặc 9% trong năm 2007.

Không chỉ tăng giá so với USD, tỷ giá của đồng NDT so với các ngoại tệ mạnh khác như Euro, Đôla Hồng Kông, Yên Nhật Bản, cũng lên mạnh trong thời gian gần đây.

Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn thị trường bảo hiểm và tiền tệ Trung Quốc mới đây, trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Sùng Tuyền nói, tình hình thu chi quốc tế mất cân bằng đang làm tăng áp lực tăng giá đồng NDT.

Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới đến nay, lĩnh vực tài chính tiền tệ của Trung Quốc đã không ngừng tăng cường hội nhập. Năm 2005, vốn đầu tư trực tiếp của thương gia nước ngoài vào các ngành ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán Trung Quốc trên thực tế đã lên tới 11,8 tỷ USD. 5 năm qua, ngành ngân hàng của Trung Quốc đã phải nghiêm khắc thực thi cam kết khi gia nhập WTO.

Các cơ quan kinh doanh về ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm của nước ngoài đã lần lượt tiến vào  thị trường Trung Quốc. Hiện nay, hơn 70 ngân hàng của nước ngoài đã thành lập khoảng 200 cơ quan kinh doanh tại Trung Quốc.

Trong bối cảnh hội nhập, việc Trung Quốc phải tăng giá đồng NDT để cân bằng xuất nhập khẩu và hài hoà lợi ích với các đối tác thương mại là điều tất yếu.

Nguy cơ nhập khẩu tăng vọt

Giáo sư Lin Yi Fu của trường Đại học Bắc Kinh - một chuyên gia kinh tế là cố vấn của Chính phủ Trung Quốc - cho rằng, nếu đồng NDT tăng giá mạnh hơn nữa có thể khiến kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng vọt và giảm kim ngạch xuất khẩu. Hậu quả là sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề sản xuất thừa của Trung Quốc. 

Điều này có thể dẫn tới giảm phát, làm giảm thu nhập của doanh nghiệp và làm gia tăng các khoản nợ xấu của ngân hàng và có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính.

Ông Lin khuyến cáo Chính phủ Trung Quốc nên trung thành với nguyên tắc: tăng giá đồng NDT phải được tiến hành “độc lập, linh hoạt và có thể chấp nhận được”.

Báo chí Trung Quốc tuần qua cũng đã dẫn lời cảnh báo của hàng loạt quan chức, chuyên gia Trung Quốc, cho rằng tỷ giá đồng NDT được Chính phủ Trung Quốc cho phép dao động trong khoảng hơn 0,3% mỗi ngày, sẽ tăng từ 5% đến 6% trong năm nay.

Các chuyên gia cho rằng với tỷ giá đồng NDT ở mức thấp, thời gian qua, xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ và, đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc nói riêng và châu Á, thế giới nói chung.

Sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến giá cả tương đối và cơ cấu sản xuất trên toàn thế giới, vì quy mô thương mại của Trung Quốc đặc biệt lớn theo những tiêu chuẩn quốc tế.

Trong năm 2000, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc trên tổng GDP là 26%, so với mức 11% của Mỹ. Trong năm 2005, tỷ lệ này đã đạt mức 34% tức là cao hơn gần 10% (trong khi tỷ lệ nhập khẩu trên GDP là 30%).

Thậm chí ngay cả khi tỷ lệ này đứng ở mức ổn định chứ không tăng thêm trong tương lai, thì mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu cũng như xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, với việc đồng NDT tăng giá mạnh như hiện nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ chậm lại.  Nhất là trong bối cảnh Mỹ đã và đang gây sức ép đòi Trung Quốc giảm giá đồng NDT mạnh mẽ hơn.

Tuần trước, Mỹ đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên WTO vì cho rằng Trung Quốc buôn bán không bình đẳng, nguyên nhân chủ yếu gây ra thâm hụt thương mại lớn giữa Mỹ và Trung Quốc lên tới 230 tỷ USD năm 2006. Bộ trưởng Tài chính Mỹ  đã cam kết với các nghị sĩ tại Quốc hội rằng ông sẽ gây sức ép mạnh hơn nữa với Trung Quốc để nước này hoàn toàn thả nổi đồng NDT.

Mỹ cho rằng mức tăng giá này vẫn là quá chậm, trong khi đó, Trung Quốc cho rằng, việc tăng giá đồng NDT phải diễn ra từ từ, phù hợp với môi trường tài chính - vốn bị phương Tây cho là yếu kém - của nước này.