15:50 03/04/2025

Trung Quốc đã vượt qua lệnh cấm chip của Mỹ như thế nào?

Thanh Minh

Các công ty công nghệ Trung Quốc đã sử dụng nhiều cách, từ mạng lưới buôn lậu đến lợi dụng kẽ hở pháp lý và sự đổi mới để đối phó với các hạn chế chip từ Mỹ...

Một chuyên gia đã cho rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vốn dĩ là những công cụ dễ bị lách luật. Ảnh minh họa
Một chuyên gia đã cho rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vốn dĩ là những công cụ dễ bị lách luật. Ảnh minh họa

Mới đây, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bổ sung 80 công ty, phần lớn là doanh nghiệp Trung Quốc, vào danh sách các thực thể bị cấm mua công nghệ Mỹ vì lý do an ninh quốc gia.

Động thái này mở rộng chiến dịch trấn áp các công ty Trung Quốc cung cấp dịch vụ điện toán đám mây và máy chủ sử dụng chip của Mỹ.

Theo các quan chức Mỹ, mục tiêu của các biện pháp hạn chế là ngăn chặn Trung Quốc phát triển khả năng tính toán hiệu suất cao, chẳng hạn như công nghệ lượng tử, để phục vụ mục đích quân sự.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, Chính phủ Mỹ đã cấm một số công ty Trung Quốc tiếp cận chip và công nghệ khác của Mỹ.

Sau đó, chính quyền cựu Tổng thống Biden mở rộng các hạn chế, áp đặt lệnh cấm xuất khẩu chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc, nhằm kìm hãm khả năng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và tính toán hiệu suất cao của nước này.

Tuy nhiên, ngành công nghệ Trung Quốc đã tìm ra nhiều cách để vượt qua các lệnh cấm – từ việc mua chip bị cấm của Mỹ qua các kênh bí mật đến phát triển công nghệ AI bằng những chip cấp thấp không nằm trong danh sách hạn chế.

“Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vốn dĩ là những công cụ dễ bị lách luật”, Barath Harithas, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), người nghiên cứu chính sách chip của Mỹ, chia sẻ. Ông cho rằng các hạn chế này, dù không kín kẽ, có thể giúp Mỹ giành được “thời gian dẫn đầu” để phát triển công nghệ AI của riêng mình trước khi Trung Quốc bắt kịp trong lĩnh vực sản xuất chip.

Các hạn chế của Mỹ đã làm nảy sinh một mạng lưới buôn lậu chợ đen chuyên cung cấp các chip tiên tiến nhất của Nvidia vào Trung Quốc. Những kẻ buôn lậu chuyển chip bị cấm qua các trung gian tại các địa điểm như Malaysia, Nhật Bản và Hồng Kông. Thậm chí, một số còn sử dụng người vận chuyển trực tiếp.

Theo The Wall Street Journal, một sinh viên được trả 100 USD cho mỗi con chip trong số sáu chip mà anh ta mang từ Singapore sang Trung Quốc trong hành lý. Trung tâm An ninh Mỹ Mới (Center for a New American Security) có trụ sở tại Washington ước tính khoảng 12.500 chip có thể vào Trung Quốc mỗi năm thông qua con đường buôn lậu.

THÀNH LẬP CÔNG TY CON

Một số công ty Trung Quốc nằm trong Danh sách Thực thể của Mỹ đã né tránh lệnh cấm bằng cách tiếp cận chip thông qua các công ty con. Sau khi nhà sản xuất máy chủ Sugon bị đưa vào danh sách đen năm 2019, các cựu giám đốc điều hành của công ty này đã thành lập một doanh nghiệp mới mang tên Nettrix, chuyên bán máy chủ được trang bị chip Nvidia và Intel.

Tương tự, sau khi Inspur Group, nhà sản xuất máy chủ lớn nhất Trung Quốc, bị liệt vào Danh sách Thực thể năm 2023, các công ty con của họ vẫn tiếp tục mua chip Mỹ. Đến tháng 3 năm nay, Nettrix và sáu công ty con của Inspur Group cũng đã bị bổ sung vào danh sách cấm.

SỬ DỤNG DỊCH VỤ ĐÁM MÂY CHẠY CHIP BỊ CẤM

Các công ty Trung Quốc còn tiếp cận chip bị cấm bằng cách sử dụng dịch vụ đám mây ở nước ngoài được cung cấp bởi các chip Nvidia tiên tiến. Theo các báo cáo truyền thông, dịch vụ đám mây của Google, Microsoft và Amazon đã cho các công ty và trường đại học Trung Quốc thuê máy chủ chạy chip Nvidia. 

Chính quyền Biden từng đề xuất một biện pháp nhằm bịt lỗ hổng này, nhưng hiện tại, các dịch vụ đám mây vẫn chưa bị kiểm soát bởi lệnh cấm xuất khẩu. Trong tuần cuối của chính quyền Biden, quy tắc “phổ biến AI” được đề xuất nhằm hạn chế xuất khẩu chip sang hầu hết các quốc gia trên thế giới (trừ các đồng minh chủ chốt của Mỹ) và điều chỉnh việc sử dụng dịch vụ đám mây Mỹ của các công ty nước ngoài, nhưng chưa được thực thi.

ĐỔI MỚI SÁNG TẠO BẤT CHẤP BỊ CẤM CHIP

Thiếu hụt chip Mỹ đã buộc các công ty Trung Quốc phải sáng tạo trong việc phát triển AI với nguồn lực hạn chế. Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp các khoản trợ cấp và vay vốn hào phóng để giúp ngành chip đạt được sự tự chủ. Vào tháng 1 năm nay, startup DeepSeek của Trung Quốc đã gây sốc cho ngành AI toàn cầu khi công bố các mô hình AI được huấn luyện với sức mạnh tính toán thấp hơn nhiều so với các đối thủ phương Tây.

Một nghiên cứu năm 2024 của Đại học California, Berkeley, cho thấy các biện pháp kiểm soát xuất khẩu kém hiệu quả hơn so với kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách. 

Ngành AI Trung Quốc đã xây dựng được AI tiên tiến bằng cách tích trữ chip trước khi chúng bị cấm và tối ưu hóa phần mềm để sử dụng hiệu quả hơn các chip cũ. Ritwik Gupta, một trong những tác giả của nghiên cứu, chia sẻ với Rest of World rằng chính sách kiểm soát xuất khẩu hiện tại của Mỹ quá tập trung vào việc cấm các chip tiên tiến dùng cho mô hình ngôn ngữ lớn. 

“Tất cả những chip cũ không bị kiểm soát xuất khẩu vẫn liên tục hữu ích cho việc huấn luyện các công nghệ mang lại lợi ích xã hội rộng lớn cho Trung Quốc”, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định.