Trung Quốc đưa Google vào "tầm ngắm', trả đũa chính sách thuế của ông Trump
Thông báo điều tra Google được đưa ra ngay sau khi mức thuế 10% do Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump áp đặt có hiệu lực...
![Một số chuyên gia cho rằng cuộc điều tra có thể sẽ tập trung vào hệ điều hành Android của Google](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2025/02/04/67a1f5c33e6fa4-99853969.jpg)
Ngày 4/2, Trung Quốc đã công bố một loạt các biện pháp trả đũa đối với Hoa Kỳ. Trong đó, Trung Quốc đã áp dụng thuế quan đối với hàng nhập khẩu các sản phẩm như than, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và dầu thô, đồng thời mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google.
Bên cạnh đó, hai công ty Hoa Kỳ khác cũng bị đưa vào danh sách các thực thể không đáng tin cậy, có khả năng bị cấm đầu tư vào Trung Quốc.
MỐI QUAN HỆ CỦA GOOGLE VỚI TRUNG QUỐC
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Google từ đầu những năm 2000 đã trải qua nhiều giai đoạn phức tạp. Ban đầu, Google đã cố gắng thích ứng với thị trường Trung Quốc bằng cách thiết lập các dịch vụ địa phương, nhưng dần dần gặp phải nhiều khó khăn liên quan đến việc kiểm duyệt và an ninh mạng.
Cuộc điều tra chống độc quyền hiện nay được xem là một bước đi quan trọng của Trung Quốc nhằm đối phó với sức mạnh công nghệ và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Google. Đồng thời, đây cũng là một phần trong chuỗi các biện pháp chiến lược nhằm cân bằng lại mối quan hệ thương mại căng thẳng giữa hai quốc gia.
Năm 2006, Google ra mắt công cụ tìm kiếm tiếng Trung tại địa chỉ google.cn, được kiểm duyệt để tuân thủ luật pháp của Bắc Kinh. Đến năm 2009, công cụ này đã trở thành một trong những công cụ tìm kiếm lớn nhất ở Trung Quốc với khoảng 36% thị phần.
Tuy nhiên, vào năm 2010, khi đối mặt với một cuộc tấn công mạng và áp lực ngày càng tăng về việc tuân thủ các quy tắc kiểm duyệt, Google tuyên bố không còn muốn hạn chế kết quả tìm kiếm và quyết định đóng công cụ tìm kiếm tại Trung Quốc, chuyển hướng người dùng sang phiên bản tại Hồng Kông.
Kết quả là, Bắc Kinh đã chặn hầu hết các dịch vụ của Google, bao gồm cả Gmail, trình duyệt Chrome và công cụ tìm kiếm, theo hệ thống kiểm duyệt Tường lửa Vĩ đại. Ngoài Google, Trung Quốc thường xuyên chặn hầu hết các nền tảng internet phương Tây như Facebook và Instagram, khiến người dùng ở Trung Quốc đại lục gặp khó khăn khi truy cập các dịch vụ này.
Mặc dù các dịch vụ của Google không thể truy cập được tại Trung Quốc, công ty vẫn duy trì sự hiện diện tại quốc gia này bằng cách tập trung vào mảng bán hàng và hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp quảng cáo của mình. Google cũng có đội ngũ nhân viên làm việc với các dịch vụ như Google Cloud và các giải pháp dành cho khách hàng. Hiện tại, công ty duy trì văn phòng tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến.
CUỘC ĐIỀU TRA CÓ THỂ SẼ TẬP TRUNG VÀO HỆ ĐIỀU HÀNH ANDROID CỦA GOOGLE
Cục Quản lý Thị trường Nhà nước Trung Quốc cho biết vào ngày 4/2 rằng họ đang điều tra Google vì nghi ngờ vi phạm luật chống độc quyền. Mặc dù không có thêm thông tin chi tiết nào được cung cấp, thông báo này được đưa ra ngay sau khi mức thuế 10% do Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump áp đặt có hiệu lực.
![Hầu hết các dịch vụ của Google – bao gồm tìm kiếm, Gmail, Google Maps – đều không khả dụng ở Trung Quốc, nhưng Google vẫn duy trì một số hoạt động tại quốc gia này, đặc biệt là về quảng cáo.](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/04/a8856ca30966168ae38ce3a930552442.jpg)
Hiện tại, tác động tức thì của cuộc điều tra đối với Google vẫn chưa rõ ràng, vì thiếu thông tin cụ thể về lý do điều tra và quá trình này có thể kéo dài nhiều tháng. Google cũng không đưa ra bình luận nào về vụ việc.
Một số chuyên gia cho rằng cuộc điều tra có thể sẽ tập trung vào hệ điều hành Android của Google – một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh của công ty. Gần như tất cả các thương hiệu điện thoại thông minh, ngoại trừ Apple và Huawei, đều phải trả phí cấp phép để sử dụng Android.
Theo giáo sư kinh tế John Gong tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế, việc đưa Google vào cuộc điều tra có thể nhằm kiểm tra xem công ty có lạm dụng vị thế thống lĩnh của mình trong lĩnh vực Android hay không. Ông nhận định: "Lần này, Google bị đưa lên thớt. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là cuộc điều tra, họ chưa đưa ra quyết định cuối cùng và tôi nghĩ vấn đề này có thể được thương lượng."
Đáng chú ý, Huawei đã phát triển hệ điều hành HarmonyOS của riêng mình sau khi bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách các thực thể không đáng tin cậy từ năm 2019, khiến họ không thể kinh doanh với các công ty Hoa Kỳ, bao gồm cả Google. Trước đây, Google cũng đã bị cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền ở nhiều quốc gia khác như Liên minh Châu Âu, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ vì lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường của mình.