13:46 09/12/2010

Trung Quốc khó cản lạm phát do tín dụng “ngầm”

An Huy

Hoạt động cho vay ngoài hệ thống ngân hàng có thể khiến kinh tế Trung Quốc khó "hạ cánh mềm"

Lạm phát của Trung Quốc vẫn ở mức cao.
Lạm phát của Trung Quốc vẫn ở mức cao.
Hoạt động cho vay của các công ty tài chính, vốn chịu quy chế giám sát lỏng lẻo bên ngoài hệ thống ngân hàng của Trung Quốc, đã tăng mạnh trong năm nay. Theo các nhà quan sát, hoạt động này đang làm gia tăng khó khăn đối với những nỗ lực nhằm kiểm soát tăng trưởng và lạm phát của Bắc Kinh.

Từ trước tới nay, Chính phủ Trung Quốc thường sử dụng quyền kiểm soát các ngân hàng quốc doanh như một công cụ để điều tiết tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, ở những thời điểm tăng trưởng cần sự hỗ trợ, tín dụng lãi suất thấp sẽ được tăng cường bơm vào nền kinh tế, và ngược lại, việc cấp vốn vay mới sẽ bị hạn chế mỗi khi cần ngăn chặn đà tăng trưởng nóng.

Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal cho biết, kiểm soát tín dụng ở Trung Quốc giờ đã trở thành một công việc khó khăn hơn, khi mà hệ thống tài chính phát triển hơn. Bởi thế, những nỗ lực để đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm” của Bắc Kinh có thể gặp khó trong những tháng sắp tới.

Ở Trung Quốc, thị trường vốn “chợ đen” đã tồn tại lâu đời, trong đó các dòng vốn chảy từ những nhóm cho vay nhỏ, không chính thức và không chịu quy định giám sát, tới những khu vực của nền kinh tế ít có cơ hội được vay vốn ngân hàng.

Gần đây, một số tổ chức cho vay, bao gồm các quỹ ủy thác, công ty cho thuê và bảo lãnh tài chính… cũng nổi lên để đáp ứng nhu cầu vay vốn ngoài ngân hàng. Do phải chịu các quy định về giới hạn cho vay, các ngân hàng Trung Quốc đã tìm đến các công ty ủy thác để giảm quy mô của bảng cân đối kế toán, đồng thời giảm bớt gánh nặng quy chế mà họ phải chịu.

Trong một báo cáo công bố tuần trước, hãng định mức tín nhiệm Fitch Ratings ước tính, các ngân hàng của Trung Quốc đã cho vay quá mức giới hạn 7,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 1.126 tỷ USD, mà Chính phủ nước này đặt ra cho vốn tín dụng nội tệ cấp mới năm nay. Báo cáo của Fitch cho rằng, một lượng vốn vay hơn 3 nghìn tỷ Nhân dân tệ từ các ngân hàng Trung Quốc đã không được kê khai trên bảng cân đối kế toán của họ.

Do đó, về tổng giá trị tất cả các khoản vay mà các ngân hàng Trung Quốc đã cấp, con số của năm 2010 lên tới 10,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ, không giảm là bao so với mức 11 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong năm 2009 - năm mà Bắc Kinh cho các ngân hàng tăng gấp đôi số vốn tín dụng cấp mới để ngăn sự suy giảm tăng trưởng trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu.

“Hoạt động tín dụng ở Trung Quốc chưa giảm xuống, chẳng qua chỉ là đi theo những kênh khác”, Fitch nhận xét. Hãng định mức tín nhiệm cho rằng, điều này “giải thích vì sao lạm phát và giá nhà đất ở Trung Quốc vẫn ‘cố thủ’ ở mức cao, vì sao tăng trưởng GDP quý 3 vẫn mạnh hơn dự kiến, và vì sao các nhà chức trách Trung Quốc tỏ ra lo ngại tới vậy về việc nước Mỹ tiếp tục áp dụng chính sách nới lỏng định lượng”.

Khối lượng tín dụng “ngầm” trên thực tế rất khó thống kê chính xác, nên Fitch cho rằng, con số ước tính 3 nghìn tỷ Nhân dân tệ vốn tín dụng ngoài bảng cân đối kế toán của các nhà băng chỉ là tương đối. Bất chấp những nỗ lực rút lui khỏi chính sách kích thích tăng trưởng của Bắc Kinh, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 10 đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá thực phẩm tăng 10,1%. Trong quý 3, GDP của nước này tăng 9,6%.

“Mức trần cho vay chính thức của Trung Quốc bị xói mòn bởi hệ thống cho vay ‘ngầm’ của nước này. Hy vọng là sang năm tới, hoạt động cho vay như vậy sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn”, chuyên gia kinh tế Stephen Green của Standard Chartered nhận xét.

Từ cuối năm ngoái, khi Trung Quốc bắt đầu kết thúc chương trình kích cầu và các nhà chức trách chuyển sang yêu cầu các ngân hàng giảm hoạt động tín dụng, các ngân hàng cũng tìm ra những cách thức sáng tạo hơn để cho vay. Fitch cho rằng, trên thực tế, trong năm 2009, các ngân hàng Trung Quốc đã cấp số vốn vay tổng cộng khoảng 11 nghìn tỷ Nhân dân tệ, trong khi mức trần chính thức mà Bắc Kinh đặt ra chỉ là 9,6 nghìn tỷ Nhân dân tệ.

“Với quá nhiều hoạt động đang diễn ra trong khu vực cho vay phi ngân hàng, việc điều chỉnh lượng vốn vay trong nền kinh tế không còn đơn giản là việc cấp hạn ngạch cho các ngân hàng và giám sát sự tuân thủ của họ”, báo cáo của Fitch có đoạn viết.

Tuy nhiên, từ lâu, hoạt động tín dụng “chợ đen” đã là một nguồn vốn quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là trong thời kỳ tín dụng thắt chặt. Những định chế tài chính mới và có mức độ phát triển cao hơn đã bắt đầu chiếm lĩnh vai trò cho vay này ở Trung Quốc, đặc biệt là các công ty ủy thác.

“Các công ty ủy thác đã làm rất tốt trong việc lấp đầy những khoảng trống mà hệ thống ngân hàng bỏ qua”, ông Simon Gleave, Giám đốc khu vực về dịch vụ tài chính tại châu Á-Thái Bình Dương của KPMG, nhận xét.

Theo Wall Street Journal, các công ty ủy thác ở Trung Quốc không giống như những công ty ủy thác kiểu phương Tây. Với tư cách là những tổ chức đầu tư đặc biệt, công ty ủy thác giúp các ngân hàng tuân thủ được mức trần tín dụng cấp mới, bằng cách sử dụng một dạng chứng khoán hóa đặc biệt để biến các khoản cho vay của ngân hàng thành các sản phẩm đầu tư.

Với mức lãi suất huy động tiết kiệm của các ngân hàng chỉ ở mức 2,5% mỗi năm, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát, các ngân hàng không gặp khó khăn gì trong việc tìm các nhà đầu tư muốn có mức lợi nhuận cao hơn.

Các nhà phân tích cho biết, thông thường, các khoản vay đã được chứng khoán hóa trên không nằm trong sổ sách của các ngân hàng, mặc dù các ngân hàng thống nhất với các công ty ủy thác là sẽ mua lại những khoản vay đó ở bất kỳ thời điểm nào, trong vòng vài tuần hoặc thậm chí là vài năm sau.

Các cơ quan chức năng của Trung Quốc hiểu rõ thực trạng cho vay “ngầm” nói trên và đã nỗ lực hạn chế hoạt động này. Trong tháng 8, Ủy ban Giám sát ngân hàng Trung Quốc (CBRC) đã yêu cầu các ngân hàng từ nay tới cuối năm 2011 phải đưa những khoản cho vay ngoài sổ sách trở lại bảng cân đối kế toán.

Năm nay, các công ty ủy thác đã trở thành nguồn vốn vay chính cho các công ty bất động sản, sau khi dòng vốn chính thức từ các ngân hàng bị thu hẹp do nỗi lo bong bóng. Theo dữ liệu từ hiệp hội của các công ty tài chính ủy thác Trung Quốc, những đơn vị này đã cấp số vốn vay 320 tỷ Nhân dân tệ cho ngành bất động sản trong 3 quý đầu năm nay. Số liệu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cho thấy, trong cùng khoảng thời gian, các ngân hàng đã cho vay chính thức 1,72 nghìn tỷ Nhân dân tệ đối với lĩnh vực này.

Ở một phương diện nào đó, việc các công ty chuyển hướng sang vay vốn của những đơn vị ủy thác là có lợi cho Bắc Kinh. “Điều này có thể giúp hạn chế sự tăng trưởng nóng của ngành bất động sản, vì chi phí vay vốn từ các công ty ủy thác cao hơn”, ông Gleave nhận định.

Đầu tháng 11 vừa qua, các nhà chức trách Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo các công ty ủy thác về sự rủi ro trong ngành bất động sản. Một số công ty ủy thác cũng đã hạn chế cho ngành bất động sản vay vốn.