Trung Quốc mất dần ưu thế thu hút FDI
Ngày càng có nhiều nhà đầu tư quốc tế nhận ra rằng Trung Quốc không còn là điểm đến đầu tư tốt nhất đối với họ nữa
Từng là một “nhà máy sản xuất khổng lồ của thế giới”, là sự chọn lựa đầu tiên của các nhà đầu tư quốc tế khi muốn mở rộng hoạt động ra phạm vi toàn cầu, nhưng nay Trung Quốc đang mất dần ưu thế này vào tay các nước đang nổi lên ở khu vực châu Á, nhất là Ấn Độ và các nước Đông Nam Á…
Ba trường hợp tiêu biểu
Đầu năm 2006, Intel, công ty sản xuất vi mạch hàng đầu của Mỹ, đã quyết định đầu tư vào Việt Nam một dự án trị giá 350 triệu đô la Mỹ. Đến cuối năm, Intel lại quyết định tiến thêm một bước trong kế hoạch đầu tư vào Việt Nam bằng cách tăng vốn đầu tư của dự án lên một tỉ đô la Mỹ.
Có nghĩa là chỉ trong vòng tám tháng, Intel đã nâng số vốn đầu tư vào Việt Nam lên bằng số vốn đầu tư vào Trung Quốc trong mười năm.
Ở khu Johor, Malaysia, Flextronics, một công ty toàn cầu khác, đã xây dựng một nhà máy có vốn đầu tư 110 triệu đô la Mỹ để sản xuất máy in dùng cho máy vi tính Hewlett-Packard, một công ty của Mỹ. Là một trong những công ty gia công sản xuất hàng điện tử hàng đầu trên thế giới, Flextronics hiện đang có nhiều cơ sở sản xuất khá lớn ở Trung Quốc. Nhưng gần đây, công ty này đã quyết định chuyển bớt hoạt động sang Malaysia.
Trong khi đó, ở Indonesia, Yue Yuen, một tập đoàn sản xuất giày đặt của Hồng Kông, đang đẩy mạnh sản xuất giày thể thao cho các nhãn hiệu như Nike và Adidas. Năng lực sản xuất của các nhà máy của Yue Yuen ở Việt Nam và Trung Quốc cũng đang được mở rộng nhưng Indonesia mới là nơi tập đoàn này tăng trưởng nhanh nhất.
Không chỉ có Trung Quốc
Mặc dù ba công ty nói trên có thể có những lý do riêng của mình để đi đến các quyết định mới trong đầu tư, nhưng cả ba đều có một lý do chung.
Đó là họ muốn chuyển bớt các cơ sở đầu tư sang các nước khác ở Đông Nam Á thay vì chỉ tập trung vào Trung Quốc. Ba công ty nói trên cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Khi xem xét lại toàn bộ các yếu tố như chi phí, rủi ro, khách hàng, cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp lý, tài chính…, ngày càng có nhiều nhà đầu tư quốc tế nhận ra rằng Trung Quốc không còn là điểm đến đầu tư tốt nhất đối với họ nữa.
Với ưu thế về nguồn nhân công dồi dào, tốc độ tiếp thu và phát triển công nghệ khá nhanh, Trung Quốc đã từng làm thế giới phải ngạc nhiên với sự tăng trưởng “không thể cưỡng lại được” của mình. Trên thực tế, người ta thường nghĩ rằng nếu một công ty nào đó ở Mỹ hay châu Âu đóng cửa một nhà máy ở trong nước thì khả năng rất lớn là công ty đó sẽ di chuyển cơ sở sản xuất sang Trung Quốc.
Xu hướng này đã giúp cho tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc trong thương mại quốc tế tăng gấp ba lần, đạt con số 7,3%, trong giai đoạn 1993-2005. Trong giai đoạn này, tỷ trọng xuất khẩu của các nước G8, ngoại trừ Nga, đều giảm.
Tương tự, trong giai đoạn 1993-2003, tỷ trọng sản xuất công nghiệp của Trung Quốc so với sản xuất công nghiệp của thế giới cũng tăng lên 7% trong khi tỷ trọng tương tự của hầu hết các nước G8 đều giảm.
Thế nhưng, không chỉ có Trung Quốc mới nổi lên như là một nơi sản xuất có chi phí thấp nhất trên thế giới. Trên thực tế, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu ở các nước và lãnh thổ khác thuộc khu vực châu Á cũng đã tăng trưởng khá tốt trong giai đoạn 1993-2003.
Nếu tính gộp lại, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Đông Nam Á (Asean) đã tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp so với thế giới từ mức dưới 7% năm 1993 lên hơn 9% năm 2003.
Đâu là nguyên nhân?
Theo Scott Brixen, một nhà phân tích của CLSA, một ngân hàng đầu tư đặt ở Hồng Kông, có những lý do chính sau đây khiến Trung Quốc đang mất đi ưu thế là điểm đến thu hút đầu tư hàng đầu ở khu vực châu Á.
Nguyên nhân thứ nhất là chi phí ở nước này đang ngày càng tăng cao. Đến nay, hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc chủ yếu phát triển mạnh ở các miền duyên hải phía Đông, đặc biệt là Thượng Hải và khu vực đồng bằng Châu Giang gần Hồng Kông. Thế nhưng, các loại chi phí như tiền thuê mướn văn phòng, nhà xưởng, đất đai, chi phí sử dụng các tiện ích ở những trung tâm này đang tăng lên rất nhanh trong những năm qua.
Loại chi phí hiện đang tăng mạnh nhất và làm đau đầu các nhà đầu tư ở Trung Quốc là tiền lương. Tiền lương cho công nhân ở các khu vực này đang tăng lên với tốc độ hai con số mỗi năm, mức tăng lương của các giám đốc còn cao hơn rất nhiều.
Theo nghiên cứu của Brixen, trong năm 2005, mức lương bình quân của một công nhân trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, bao gồm các chi phí an sinh xã hội, ở Thượng Hải hiện là 350 đô la Mỹ/tháng, còn ở Thâm Quyến là 250 đô la Mỹ/tháng.
Trong khi đó, mức lương bình quân của một công nhân tương tự ở Manila, Philippines, trong năm này là 200 đô la Mỹ, ở Bangkok, Thái Lan là 150 đô la Mỹ và ở Batam, Indonesia là 100 đô la Mỹ. Mặc dù năng suất lao động của công nhân Trung Quốc cũng tăng lên, nhưng mức tăng này không tiến kịp mức tăng lương.
Để giải quyết tình trạng chi phí gia tăng, nhiều công ty ở Trung Quốc đang chọn giải pháp chuyển bớt cơ sở sản xuất vào sâu trong đất liền, những nơi có nhiều loại chi phí thấp hơn so với các tỉnh đã phát triển ở miền duyên hải.
Intel là một trường hợp điển hình. Năm 2004, Intel đã quyết định đầu tư 525 triệu đô la Mỹ vào một nhà máy ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, để bổ sung vào các cơ sở sản xuất hiện có của công ty này ở Thượng Hải, cách đó khoảng 1.600 km. Từ năm 2000, Chính phủ Trung Quốc cũng đã thực hiện chính sách “Khai phá miền Tây” để khuyến khích các công ty đầu tư vào sâu trong đất liền với các ưu đãi khá hấp dẫn.
Thế nhưng, không phải công ty nào cũng mặn mà với chính sách nói trên. Chẳng hạn, toàn bộ các nhà máy của Flextronics vẫn được đặt ở các tỉnh ven biển. Theo Peter Tan, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Flextronics ở châu Á, nguyên nhân chính là chi phí vận chuyển hàng hóa từ những tỉnh ở sâu trong đất liền của Trung Quốc đến Mỹ và châu Âu quá cao.
Theo một số nhà đầu tư khác, tình trạng thiếu lao động quản lý có trình độ cao ở các tỉnh phía Tây cũng là một nguyên nhân khác khiến họ ngần ngại đặt cơ sở sản xuất ở những nơi này.
Nguyên nhân thứ hai khiến các nhà đầu tư quốc tế chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác ở châu Á là họ muốn phân tán rủi ro. Những rủi ro hàng đầu làm cho môi trường đầu tư ở Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn bao gồm: việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn chưa được thực hiện đầy đủ; bất ổn xã hội ở các vùng nông thôn, nhất là ở các tỉnh miền Tây; nguy cơ đồng nhân dân tệ có khả năng tăng giá mạnh.
Trong một báo cáo nghiên cứu của Tổ chức Ngoại thương Nhật được công bố hồi năm ngoái có đoạn viết: “Do các rủi ro trong môi trường kinh doanh, chi phí lao động ở Trung Quốc đang ngày một tăng lên… các công ty Nhật hiện đang theo đuổi chiến lược “Trung Quốc cộng một” - nghĩa là ngoài việc đầu tư ở Trung Quốc, họ còn chọn một nước khác, chủ yếu là một nước ở khu vực Asean để đầu tư - nên xem xét dành nhiều tập trung hơn vào các nước “cộng một” khi theo đuổi chính sách này”.
Cuối cùng, sự trỗi dậy của các thị trường khác ở châu Á cũng là một nguyên nhân khác khiến các nhà đầu tư quốc tế nay không còn muốn dành nhiều ưu tiên cho việc đầu tư vào Trung Quốc. Ấn Độ, thị trường có 1,1 tỉ dân, đang tăng trưởng với tốc độ bình quân 8% trong những năm gần đây với sự xuất hiện của một tầng lớp trung lưu là một ví dụ.
Trong khi đó, Đông Nam Á với tổng dân số 560 triệu và đang nỗ lực hướng đến một cộng đồng kinh tế Asean, cũng là một thị trường mà các nhà đầu tư quốc tế khó có thể bỏ qua.
Ba trường hợp tiêu biểu
Đầu năm 2006, Intel, công ty sản xuất vi mạch hàng đầu của Mỹ, đã quyết định đầu tư vào Việt Nam một dự án trị giá 350 triệu đô la Mỹ. Đến cuối năm, Intel lại quyết định tiến thêm một bước trong kế hoạch đầu tư vào Việt Nam bằng cách tăng vốn đầu tư của dự án lên một tỉ đô la Mỹ.
Có nghĩa là chỉ trong vòng tám tháng, Intel đã nâng số vốn đầu tư vào Việt Nam lên bằng số vốn đầu tư vào Trung Quốc trong mười năm.
Ở khu Johor, Malaysia, Flextronics, một công ty toàn cầu khác, đã xây dựng một nhà máy có vốn đầu tư 110 triệu đô la Mỹ để sản xuất máy in dùng cho máy vi tính Hewlett-Packard, một công ty của Mỹ. Là một trong những công ty gia công sản xuất hàng điện tử hàng đầu trên thế giới, Flextronics hiện đang có nhiều cơ sở sản xuất khá lớn ở Trung Quốc. Nhưng gần đây, công ty này đã quyết định chuyển bớt hoạt động sang Malaysia.
Trong khi đó, ở Indonesia, Yue Yuen, một tập đoàn sản xuất giày đặt của Hồng Kông, đang đẩy mạnh sản xuất giày thể thao cho các nhãn hiệu như Nike và Adidas. Năng lực sản xuất của các nhà máy của Yue Yuen ở Việt Nam và Trung Quốc cũng đang được mở rộng nhưng Indonesia mới là nơi tập đoàn này tăng trưởng nhanh nhất.
Không chỉ có Trung Quốc
Mặc dù ba công ty nói trên có thể có những lý do riêng của mình để đi đến các quyết định mới trong đầu tư, nhưng cả ba đều có một lý do chung.
Đó là họ muốn chuyển bớt các cơ sở đầu tư sang các nước khác ở Đông Nam Á thay vì chỉ tập trung vào Trung Quốc. Ba công ty nói trên cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Khi xem xét lại toàn bộ các yếu tố như chi phí, rủi ro, khách hàng, cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp lý, tài chính…, ngày càng có nhiều nhà đầu tư quốc tế nhận ra rằng Trung Quốc không còn là điểm đến đầu tư tốt nhất đối với họ nữa.
Với ưu thế về nguồn nhân công dồi dào, tốc độ tiếp thu và phát triển công nghệ khá nhanh, Trung Quốc đã từng làm thế giới phải ngạc nhiên với sự tăng trưởng “không thể cưỡng lại được” của mình. Trên thực tế, người ta thường nghĩ rằng nếu một công ty nào đó ở Mỹ hay châu Âu đóng cửa một nhà máy ở trong nước thì khả năng rất lớn là công ty đó sẽ di chuyển cơ sở sản xuất sang Trung Quốc.
Xu hướng này đã giúp cho tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc trong thương mại quốc tế tăng gấp ba lần, đạt con số 7,3%, trong giai đoạn 1993-2005. Trong giai đoạn này, tỷ trọng xuất khẩu của các nước G8, ngoại trừ Nga, đều giảm.
Tương tự, trong giai đoạn 1993-2003, tỷ trọng sản xuất công nghiệp của Trung Quốc so với sản xuất công nghiệp của thế giới cũng tăng lên 7% trong khi tỷ trọng tương tự của hầu hết các nước G8 đều giảm.
Thế nhưng, không chỉ có Trung Quốc mới nổi lên như là một nơi sản xuất có chi phí thấp nhất trên thế giới. Trên thực tế, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu ở các nước và lãnh thổ khác thuộc khu vực châu Á cũng đã tăng trưởng khá tốt trong giai đoạn 1993-2003.
Nếu tính gộp lại, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Đông Nam Á (Asean) đã tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp so với thế giới từ mức dưới 7% năm 1993 lên hơn 9% năm 2003.
Đâu là nguyên nhân?
Theo Scott Brixen, một nhà phân tích của CLSA, một ngân hàng đầu tư đặt ở Hồng Kông, có những lý do chính sau đây khiến Trung Quốc đang mất đi ưu thế là điểm đến thu hút đầu tư hàng đầu ở khu vực châu Á.
Nguyên nhân thứ nhất là chi phí ở nước này đang ngày càng tăng cao. Đến nay, hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc chủ yếu phát triển mạnh ở các miền duyên hải phía Đông, đặc biệt là Thượng Hải và khu vực đồng bằng Châu Giang gần Hồng Kông. Thế nhưng, các loại chi phí như tiền thuê mướn văn phòng, nhà xưởng, đất đai, chi phí sử dụng các tiện ích ở những trung tâm này đang tăng lên rất nhanh trong những năm qua.
Loại chi phí hiện đang tăng mạnh nhất và làm đau đầu các nhà đầu tư ở Trung Quốc là tiền lương. Tiền lương cho công nhân ở các khu vực này đang tăng lên với tốc độ hai con số mỗi năm, mức tăng lương của các giám đốc còn cao hơn rất nhiều.
Theo nghiên cứu của Brixen, trong năm 2005, mức lương bình quân của một công nhân trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, bao gồm các chi phí an sinh xã hội, ở Thượng Hải hiện là 350 đô la Mỹ/tháng, còn ở Thâm Quyến là 250 đô la Mỹ/tháng.
Trong khi đó, mức lương bình quân của một công nhân tương tự ở Manila, Philippines, trong năm này là 200 đô la Mỹ, ở Bangkok, Thái Lan là 150 đô la Mỹ và ở Batam, Indonesia là 100 đô la Mỹ. Mặc dù năng suất lao động của công nhân Trung Quốc cũng tăng lên, nhưng mức tăng này không tiến kịp mức tăng lương.
Để giải quyết tình trạng chi phí gia tăng, nhiều công ty ở Trung Quốc đang chọn giải pháp chuyển bớt cơ sở sản xuất vào sâu trong đất liền, những nơi có nhiều loại chi phí thấp hơn so với các tỉnh đã phát triển ở miền duyên hải.
Intel là một trường hợp điển hình. Năm 2004, Intel đã quyết định đầu tư 525 triệu đô la Mỹ vào một nhà máy ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, để bổ sung vào các cơ sở sản xuất hiện có của công ty này ở Thượng Hải, cách đó khoảng 1.600 km. Từ năm 2000, Chính phủ Trung Quốc cũng đã thực hiện chính sách “Khai phá miền Tây” để khuyến khích các công ty đầu tư vào sâu trong đất liền với các ưu đãi khá hấp dẫn.
Thế nhưng, không phải công ty nào cũng mặn mà với chính sách nói trên. Chẳng hạn, toàn bộ các nhà máy của Flextronics vẫn được đặt ở các tỉnh ven biển. Theo Peter Tan, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Flextronics ở châu Á, nguyên nhân chính là chi phí vận chuyển hàng hóa từ những tỉnh ở sâu trong đất liền của Trung Quốc đến Mỹ và châu Âu quá cao.
Theo một số nhà đầu tư khác, tình trạng thiếu lao động quản lý có trình độ cao ở các tỉnh phía Tây cũng là một nguyên nhân khác khiến họ ngần ngại đặt cơ sở sản xuất ở những nơi này.
Nguyên nhân thứ hai khiến các nhà đầu tư quốc tế chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác ở châu Á là họ muốn phân tán rủi ro. Những rủi ro hàng đầu làm cho môi trường đầu tư ở Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn bao gồm: việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn chưa được thực hiện đầy đủ; bất ổn xã hội ở các vùng nông thôn, nhất là ở các tỉnh miền Tây; nguy cơ đồng nhân dân tệ có khả năng tăng giá mạnh.
Trong một báo cáo nghiên cứu của Tổ chức Ngoại thương Nhật được công bố hồi năm ngoái có đoạn viết: “Do các rủi ro trong môi trường kinh doanh, chi phí lao động ở Trung Quốc đang ngày một tăng lên… các công ty Nhật hiện đang theo đuổi chiến lược “Trung Quốc cộng một” - nghĩa là ngoài việc đầu tư ở Trung Quốc, họ còn chọn một nước khác, chủ yếu là một nước ở khu vực Asean để đầu tư - nên xem xét dành nhiều tập trung hơn vào các nước “cộng một” khi theo đuổi chính sách này”.
Cuối cùng, sự trỗi dậy của các thị trường khác ở châu Á cũng là một nguyên nhân khác khiến các nhà đầu tư quốc tế nay không còn muốn dành nhiều ưu tiên cho việc đầu tư vào Trung Quốc. Ấn Độ, thị trường có 1,1 tỉ dân, đang tăng trưởng với tốc độ bình quân 8% trong những năm gần đây với sự xuất hiện của một tầng lớp trung lưu là một ví dụ.
Trong khi đó, Đông Nam Á với tổng dân số 560 triệu và đang nỗ lực hướng đến một cộng đồng kinh tế Asean, cũng là một thị trường mà các nhà đầu tư quốc tế khó có thể bỏ qua.