15:39 24/03/2007

Trung Quốc: Nở rộ tỷ phú và xu thế ngăn chặn… FDI

Số dân siêu giàu Trung Quốc xếp hạng nhì khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chỉ sau Nhật Bản

Những mác xe xịn ngày càng xuất hiện nhiều ở Trung Quốc - Ảnh: Reuters.
Những mác xe xịn ngày càng xuất hiện nhiều ở Trung Quốc - Ảnh: Reuters.
Nửa tháng sau ngày tạp chí kinh tế Forbes (Mỹ) công bố danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2007, trong đó có 25 tỷ phú người Trung Quốc, lại có tin hình thành một ngân hàng thương mại nhắm phục vụ khách hàng là số 320.000 triệu phú đôla của nước này.

Một thế giới riêng biệt

Vào ngày 28/3 tới, cánh cửa của ngân hàng liên doanh Bank of China/Royal Bank of Scotland (RBS) tại Bắc Kinh và Thượng Hải sẽ mở ra đón tiếp các khách hàng người Trung Quốc.

Không phải mọi khách hàng mà chỉ là những ai sở hữu số thanh khoản tối thiểu là 1 triệu USD. Các dịch vụ gồm có từ hối đoái, đăng ký mua cổ phiếu các công ty lần đầu được tung lên sàn giao dịch, tư vấn đầu tư, quản lý vốn đầu tư. Theo kế hoạch thì các dịch vụ dành cho giới nhà giàu sẽ còn được mở ra ở nhiều thành phố lớn khác của Trung Quốc.

Thực ra hai ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) và Citigroup đã có dịch vụ chuyên dành cho dân nhà giàu ở đại lục, nhưng liên doanh Bank of China/RBS là tổ chức tài chính đầu tiên có sự tham gia của một ngân hàng Trung Quốc.

Thương hiệu Bank of China sẽ được sử dụng vì nó đã trở thành một thương hiệu có giá trị cao, đầy uy tín trong lòng dân nhà giàu ở nước này. Họ biết rằng Bank of China lâu nay vẫn là ngân hàng ngoại hối chính yếu của Trung Quốc, có hệ thống chi nhánh phủ khắp thế giới.

Và họ, dân nhà giàu, đang sống và làm ăn chủ yếu ở các thành phố duyên hải miền đông Trung Quốc đã phát triển sầm uất trong hơn 20 năm qua. Họ cũng biết rằng RBS chỉ là đại diện chính của một tổ hợp trong đó có sự tham gia góp vốn của ngân hàng Mỹ Merrill Lynch và của tỷ phú bất động sản Hồng Kông, Li Ka-shing.

Người giàu nhất Đặc khu hành chính Hồng Kông này (78 tuổi, xếp hạng 9 trên danh sách Forbes 2007 tỷ phú thế giới với tài sản 23 tỷ USD) đã mua 9,6% tổng vốn đầu tư của Bank of China.

Mới đây, tuần báo kinh tế Forbes (Mỹ) cho biết trong số 946 tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2007 có 25 vị là người Trung Quốc và đang làm ăn trên đất nước họ. Trong tốp 25 này có 13 vị lần đầu gia nhập câu lạc bộ các tỷ phú thế giới.

Trong số 13 tân tỷ phú Trung Quốc này có bà Li Wei, sáng lập viên công ty thực phẩm Synear Food Holding. Synear được chọn làm nhà cung cấp thực phẩm cho Olympic Bắc Kinh 2008. Người giàu nhất Trung Quốc là bà Yan Cheung, Chủ tịch Công ty Giấy Cửu Long với 2,4 tỷ USD, xếp hạng 390.

Còn từ năm 2005, một báo cáo của Cap Gemini và ngân hàng Merrill Lynch tổng kết rằng số triệu phú đôla của Trung Quốc đã lên đến 320.000. Tổng giá trị tài sản của họ khoảng 1,6 ngàn tỷ USD, tăng 6,8% so với năm trước.

Có nghĩa là dân siêu giàu Trung Quốc xếp hạng nhì khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chỉ sau Nhật.

Đây là một “thế giới riêng biệt” trong một nước với 1,3 tỷ người mà GDP bình quân đầu người tính vào thời điểm 2005 mới chỉ 1.700 USD (ở Mỹ là 42.000 USD). Nó cần được phục vụ thật tốt, “cơ hội cho chúng tôi trở thành một ngân hàng hàng đầu,” ông Li Lihuy, phó chủ tịch Bank of China phát biểu. “Vì các triệu phú, tỷ phú Trung Quốc sẽ còn tăng trong những năm tới”.

Không chỉ có các hãng xe deluxe, các công ty kim hoàn, các nhà sản xuất vang và champagne hảo hạng phấn chấn khi nghe dự báo này mà cả những nhà sản xuất máy bay. Họ tin rằng không bao lâu nữa sẽ bán được những máy bay phản lực loại nhỏ cho các tỷ phú, các tập đoàn kinh tế Trung Quốc như đã và đang làm với các tỷ phú và tập đoàn Âu Mỹ, Trung Đông.

Xu thế mới: ngăn chặn FDI

Khá giả lên, tầng lớp nhà giàu cùng với nhiều doanh nhân, quản trị viên cấp cao ở các công ty Trung Quốc làm ăn phát đạt trong thời gian qua nay trở thành một lực lượng sẵn sàng lên tiếng vận động Bắc Kinh ban hành các luật và quy định mới ngăn chặn nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Họ không muốn thấy những cơ sở sản xuất, kinh doanh tốt đẹp của Trung Quốc lần lượt rơi vào tay các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư quốc tế. “Đừng bán đi hết các tài sản của nhà nước, tức của chúng ta,” ông Ji Baocheng, Giám đốc Đại học Nhân dân Bắc Kinh phát biểu.

Nhưng theo không ít các quan sát viên quốc tế thì cũng có nguyên nhân cạnh tranh giành thị trường trong thực tế mới này. “Một công ty Trung Quốc lo ngại bị mất phần nếu để xảy ra sự sáp nhập của một công ty đối thủ với một công ty ngoại quốc, nên sẽ không ngần ngại biến sự việc thành vấn đề chính trị, vấn đề danh dự và quyền lợi tổ quốc…”, luật sư Hubert Bazin ở công ty luật Gide Loyrette Nouet nhận định.

Và không phải các công ty nước ngoài không biết rằng sự căng thẳng mâu thuẫn là rất lớn giữa Ủy ban Quốc gia về phát triển và cải cách, nổi tiếng bảo thủ và Bộ Thương mại, được xem khá phóng khoáng, đổi mới. Phụ trách các chương trình thương thảo đưa Trung Quốc trở thành nước thành viên WTO vào cuối năm 2001, bộ này đã bị mang tiếng là “bộ mại quốc”.

Các dự án FDI bắt đầu bị công kích ở Đại hội Đại biểu nhân dân lần 10 diễn ra hồi tháng 3/2006. Bốn tháng sau, một nghị quyết giới hạn đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản được công bố. Tháng 9/2006, lại có thêm quy định bổ sung vào đạo luật về các vụ mua bán/sáp nhập công ty đã được ban hành từ năm 2003, qua đó “các thương vụ có liên quan đến công ty ngoại quốc có thể bị bác bỏ nếu xét thấy nó sẽ có ảnh hưởng không tốt đến an ninh kinh tế quốc gia… hoặc chuyển một thương hiệu nổi tiếng thành tài sản của đối tác nước ngoài”.

Tháng 10/2006, mọi đầu tư nước ngoài vào truyền thông đại chúng đều bị ách lại. Và mới hồi đầu năm 2007 có thêm thông cáo về một dự thảo cải tổ ưu đãi thuế lâu nay vẫn được dành cho các công ty nước ngoài.

Làn sóng “bảo hộ kinh tế quốc gia” này khiến nhiều công ty ngoại quốc ngán ngẩm. Từ năm 2005 đến nay đã diễn ra nhiều trường hợp điển hình về việc ngăn chặn các nhà đầu tư nước ngoài làm chủ cơ sở sản xuất kinh doanh tại Trung Quốc.

Ngày 25/10/2005, sau một thời gian cạnh tranh giành ảnh hưởng ác liệt với hai đối thủ là ngân hàng đầu tư JP Morgan và công ty sản xuất máy công cụ Caterpillar, các giám đốc một quỹ đầu tư của Carlyle vui mừng ký được hợp đồng mua Xugong, một nhà sản xuất các loại máy xây dựng.

Thương vụ này trị giá 375 triệu USD, cho phép Carlyle sở hữu 85% tổng vốn đầu tư của Xugong, chỉ còn chờ sự công nhận của chính quyền Bắc Kinh là thương vụ hoàn tất tốt đẹp.

Nhưng đến cuối năm 2006, hồ sơ thương vụ này vẫn bị chặn. Đối tác Trung Quốc đề nghị đối tác Mỹ chỉnh sửa lại hợp đồng vì Bắc Kinh chỉ đồng ý cho phía Mỹ sở hữu 50% của Xugong. Rồi vào tháng 2/2007, tin buồn giáng xuống, Bắc Kinh chỉ thị rằng phần vốn của đối tác Mỹ phải dừng ở mức 30%.

Không chỉ có Carlyle buồn. Nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập công ty cũng không được tiến hành như ý của các nhà đầu tư Pháp (công ty máy điện Alstom Power; công ty điện máy Schneider Electric và công ty điện gia dụng Seb), Ấn Độ (công ty sắt thép Arcelor-Mittal), Đức (nhà sản xuất vòng bi sắt Schaeffler), Mỹ (Warner đã thôi khai thác số 8 cụm rạp chiếu phim đã xây dựng, còn eBay đã phải nhường 51% phần vốn của mình cho Tom Online, một công ty kinh doanh trên mạng của Trung Quốc)…

Họ đã bắt đầu nói đến chính sách mới của Bắc Kinh sẽ làm cho Trung Quốc trải qua cuộc đại nhảy vọt về… phía sau. Họ bất mãn và nhắc rằng chính các công ty có vốn đầu tư ngoại quốc nay góp 40% vào tăng trưởng của GDP và 28% tổng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc.

Một doanh nhân Pháp sốt ruột vì chờ mãi vẫn không nhận được sự chấp thuận cho phép đầu tư ở Trung Quốc đã nói rằng, bảo hộ kinh tế quốc gia như thế này thì các nhà đầu tư ngoại quốc sẽ kéo nhau đến các nước khác như Ấn Độ, Việt Nam…