17:13 19/07/2022

Trung Quốc tìm cách giải cứu ô nhiễm vi nhựa ở đại dương bằng cá robot

Các nhà nghiên cứu Đại học Tứ Xuyên ở tây nam Trung Quốc đã phát hiện ra một phương pháp mới có thể giải quyết ô nhiễm môi trường biển thông qua những con cá robot nhỏ ăn vi nhựa…

Cá rô-bốt đen, giải pháp mới bảo vệ đại dương
Cá rô-bốt đen, giải pháp mới bảo vệ đại dương

Mềm mại khi chạm vào và chỉ có kích thước 1,3cm, những con robot này có thể hút vi nhựa trong vùng nước nông và có thể bơi tới 2,76 chiều dài cơ thể mỗi giây, nhanh hơn hầu hết các robot nhân tạo. Thậm chí, chúng có khả năng hấp thụ chất ô nhiễm và tự chữa lành ngay cả khi đã bị tổn thương.

Vi nhựa là những hạt nhỏ bé vỡ ra từ các vật thể bằng nhựa lớn như chai lọ hoặc quần áo tổng hợp và được tìm thấy ở hầu hết mọi nơi trên Trái đất, đe dọa đến môi trường cũng như sức khỏe động vật và con người.

Các hạt nhỏ này đang xâm nhập vào thực phẩm chúng ta ăn và nước chúng ta uống, hiện nay những hạt vi nhựa này đã được tìm thấy trong máu, phổi và thậm chí cả thai nhi.

Wang Yuyan, một trong những nhà nghiên cứu đã phát triển cá robot cho biết các nhà khoa học ở Trung Quốc hiện đang kỳ vọng có thể cung cấp thêm dữ liệu cho loài cá robot để chúng có thể thu thập vi nhựa ở các tầng sâu hơn và phân tích ô nhiễm môi trường biển một cách nhanh chóng. 

“Nếu bị cá khác ăn, nó có thể được tiêu hóa mà không gây hại vì nó được làm từ polyurethane, không gây hại cho sinh vật”, Wang nói.

Tại Hội nghị Đại dương của Liên hợp quốc vào tháng trước, các chuyên gia và nhà hoạt động môi trường đã cảnh báo ô nhiễm nhựa đang là mối đe dọa ngày càng nguy hiểm đối với sinh vật biển và con người.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng đại dương sẽ phải hứng chịu thêm vào 11 triệu tấn nhựa mỗi năm, con số này có thể tăng gấp ba lần vào năm 2040 nếu con người tiếp tục duy trì tình trạng sản xuất, sử dụng, tiêu hủy bừa bãi đồ nhựa như hiện nay.