14:33 02/08/2007

Trung Quốc trước nguy cơ khủng hoảng tài chính?

Hàng tỉ USD đã được các ngân hàng Trung Quốc cho vay để xây dựng trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng

Một góc thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.
Một góc thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.
Nhiều dự báo cho rằng Trung Quốc có thể sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính, giống như Nhật trong những năm đầu thập kỷ 1990, khi nền kinh tế bong bóng bị sụp đổ.

Theo các nhà phân tích, tác nhân có khả năng gây khủng hoảng là việc các khoản nợ xấu đang ngày càng thêm chồng chất, trong khi hệ thống ngân hàng Trung Quốc lại chưa mạnh. Các ngân hàng này đã cho vay hàng tỉ USD Mỹ để xây dựng trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng và chung cư.

Nợ xấu thực tế cao

Theo các số liệu chính thức, nợ xấu chỉ chiếm 7% tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng Trung Quốc trong quí 1/2007, giảm từ 40-50% so với cùng kỳ vài năm trước.

Tuy nhiên, số liệu chính thức trên không bao gồm các khoản cho vay gọi là “cần lưu tâm đặc biệt” (sắp trở thành nợ quá hạn). Theo ước tính của các nhà quan sát, nếu cộng cả số nợ xấu đã được xóa, tổng số cho vay có vấn đề có thể cao gấp ba lần con số công bố. Một nhà phân tích kinh tế độc lập ở Thượng Hải cho biết: “Các ngân hàng cho vay dựa trên thế chấp mà giá trị của tài sản thế chấp lại được thổi phồng lên, không đúng với giá trị thực”.

Tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng cũng đã tăng cao. Chỉ tính từ tháng 1/2007 đến tháng 5/2007, các khoản cho vay mới của các ngân hàng đã vọt lên đến 275 tỉ USD, gần bằng hai phần ba tổng số cho vay của cả năm 2006.

Giữa tháng 5, Chính phủ Trung Quốc đã buộc phải ra lệnh thắt chặt tín dụng ngân hàng và tăng lãi suất lần thứ tư (tính từ đầu năm), sau khi có báo cáo nói rằng đầu tư vào ngành xây dựng và nhà máy vẫn tăng trưởng ở mức hai con số. Tuy nhiên, các biện pháp này không có hiệu quả.

Theo Charlene Chu, một nhà phân tích của Công ty Đánh giá tín dụng Fitch làm việc tại Bắc Kinh, “nguy cơ đang hiển hiện. Chúng tôi thấy rất nhiều cao ốc tại Bắc Kinh bị bỏ trống. Chúng tôi biết có cái gì đó không ổn nhưng chưa được lưu ý đúng mức”.

Michael Pettis, giáo sư người Mỹ dạy môn quản trị tại Đại học Bắc Kinh, tác giả một cuốn sách về khủng hoảng tài chính tại các nền kinh tế mới nổi, thì nhận xét: “Mọi chuyện đều đang quá tốt đẹp”. Nhưng ông thêm: “Không ai có thể suy diễn rằng mọi chuyện rồi cũng cứ như thế. Trong lịch sử, không có nước nào tăng trưởng nhanh mà không gặp phải các khủng hoảng mang tính chu kỳ”.

Trung Quốc đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền sản xuất toàn cầu, trên các thị trường tài chính và hàng hóa quốc tế. Bởi thế, nếu Trung Quốc sụp đổ về tài chính, nhiều nước khác sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Một nhà phân tích nhận xét: “Vấn đề là Trung Quốc có làm chủ được tình hình hay không, sau khi bong bóng nổ”.

Giống Nhật trước đây

Tại Trung Quốc, nhiều tác nhân giống như những gì từng được nhìn thấy ở Nhật đã xuất hiện: lãi suất tiết kiệm ngân hàng thấp, đồng vốn rẻ, giá chứng khoán và bất động sản không ngừng tăng.

Chỉ trong vòng hai năm, giá trị các giao dịch tại các thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến đã leo từ 393 tỉ USD lên đến 2.200 tỉ USD. Nỗ lực chế ngự tốc độ tăng giá quá nhanh trên các thị trường chứng khoán chỉ làm cho các cổ phiếu xuống giá trong vài ngày, sau đó chúng lại tiếp tục leo thang.

Hiện nay, giá nhà đất tại các thành phố lớn vẫn tiếp tục tăng, với tốc độ trung bình tính theo năm từ 8% đến 11%.

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, giá bất động sản tại Nhật cũng tăng vọt. Và vì các ngân hàng nước này cấp tín dụng khá dễ dàng, các nhà đầu tư đã vay tổng cộng 3.000 tỉ USD đổ vào xây dựng nhà máy, khách sạn và sân golf. Các nhà đầu cơ thì lại đổ tiền vào chứng khoán mưu tìm lợi nhuận cao thay vì bỏ tiền tiết kiệm trong ngân hàng để hưởng lãi thấp.

Bởi thế, giá trị của thị trường chứng khoán Tokyo đã tăng từ 2.600 tỉ USD cuối năm 1987 lên 4.500 tỉ USD vào thời điểm thị trường tăng trưởng cao nhất (cuối năm 1989).

Sau khi các giao dịch mang tính đầu cơ cao sụp đổ do Ngân hàng Trung ương Nhật thắt chặt chính sách tiền tệ, kinh tế Nhật đã rơi vào trì trệ, kéo dài hàng chục năm.

“Đối với trường hợp của Trung Quốc, có thể nói rằng mọi điều kiện dẫn đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đều đã xuất hiện, và chỉ cần có một cú sốc tiêu cực là xong”, giáo sư quản trị Pettis nói. “Ở đây, người ta vay nợ rất nhiều. Nhiều hơn là ta tưởng.”

Tuy nhiên, phân tích dù là của các chuyên gia vẫn chỉ là một góc nhìn, có thể đúng hoặc sai. Hãy chờ xem.