10:44 29/05/2007

“Truy xuất nguồn gốc sẽ đem lại lợi ích cho hàng Việt Nam”

Phạm Văn

Trò chuyện với ông Knut Joerstad, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TraceTracker Innovation

Ông Knut Joerstad.
Ông Knut Joerstad.
TraceTracker Innovation là một công ty công nghệ cao của Na Uy chuyên phát triển và thực hiện các hệ thống thiết yếu và tiên tiến cho an toàn thực phẩm. Công ty này vừa mở văn phòng đại diện đầu tiên tại Việt Nam ở Tp.HCM.

Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Knut Joerstad, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty.

Thưa ông, bằng việc mở văn phòng đại diện tại Việt Nam (Tp.HCM), TraceTracker đang hướng đến những hoạt động gì tại thị trường này?

TraceTracker Innovation là một công ty công nghệ cao của Na Uy chuyên phát triển và thực hiện các hệ thống thiết yếu và tiên tiến cho an toàn thực phẩm. Tại những thị trường mà việc an toàn thực phẩm và quyền lợi của người tiêu dùng được đặc biệt coi trọng, TraceTracker Innovation đã thiết lập hệ thống Truy xuất nguồn gốc toàn cầu (Global Traceability Network)- một cơ sở dữ liệu trực tuyến giúp cho các thành viên trong toàn bộ chuỗi giá trị trao đổi thông tin về truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Bằng việc cung cấp sự kết nối vào Mạng truy xuất nguồn gốc toàn cầu, TraceTracker Innovation giúp cho ngành công nghiệp thực phẩm đáp ứng được các yêu cầu truy xuất nguồn gốc quốc tế và biến Truy xuất nguồn gốc trở thành lợi thế cạnh tranh, bởi đó là căn cứ để người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng thực phẩm mà họ đang sử dụng.

Chúng tôi hiện diện tại Việt Nam với triển vọng là sẽ xây dựng và đào tạo các cơ sở của hệ thống Truy xuất nguồn gốc thực phẩm toàn cầu; trước mắt là với 2 dự án khả thi là dự án xây dựng hệ thống truy nguyên của VASEP (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ hải sản Việt Nam), và dự án ngăn chặn dịch cúm gia cầm; đồng thời là xây dựng một Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Trung tâm Quản lý chất lượng ở Việt Nam.

Thưa ông, Việt Nam có thực sự cần thiết phải tham gia hệ thống Truy xuất nguồn gốc thực phẩm toàn cầu và sự tham gia này sẽ mang lại những lợi ích thiết thực nào cho Việt Nam, nhất là trong xuất khẩu thực phẩm?

Tất cả các nước tham gia vào hệ thống này đều có động lực chung là muốn được trao đổi các thông tin về sản phẩm. Việt Nam hiện là quốc gia nổi tiếng trên thị trường quốc tế về các sản phẩm gia cầm, nông nghiệp và thuỷ hải sản. Hiện nay, riêng sản lượng cá basa đã đạt khoảng 800.000 tấn/năm và chắc sẽ đạt mức 1 triệu tấn trong tương lai. Số lượng gia cầm cũng đã vượt quá số 220 triệu con. Việt Nam cũng đang là một trong các nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê, hạt tiêu, hạt điều và gạo...

Sản phẩm của các nước xuất khẩu thực phẩm lớn luôn luôn có nguy cơ bị thiệt hại do dịch bệnh và ô nhiễm. Việt Nam đã có kinh nghiệm về hậu quả từ cúm gia cầm, và mặc dù đã gây ấn tượng về thành công của mình trong việc ngăn chặn lây lan virus nhưng ngành chăn nuôi và kinh doanh gia cầm vẫn thiệt hại nặng. Chúng ta có thể thấy rằng việc sản xuất và xuất khẩu của hầu hết các loại thực phẩm đều gặp rủi ro khi chứa lượng các chất kim loại nặng, các loại hóa chất khác cũng như các chất kháng sinh vượt quá mức quy định.

Các quốc gia và các công ty quốc tế nhập khẩu thực phẩm ngày càng tập trung hơn vào cơ chế kiểm soát và các phương pháp đo lường được sử dụng để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Hệ thống truy xuất nguồn gốc sẽ nâng cao lòng tin quốc tế, giảm thiểu những thiệt hại, củng cố khả năng cạnh tranh, thương hiệu và tính an toàn cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.