08:16 13/11/2020

Tự chữa viêm mũi dị ứng theo phương pháp Đông y

PV

Viêm mũi dị ứng là một trong những bệnh đầu bảng dân văn phòng mắc phải. Thủ phạm rất đa dạng: từ máy lạnh, không gian bí, bụi mốc, khói thuốc lá… cho tới quãng đường ô nhiễm từ nhà đến công sở. Dấu hiệu đầu tiên là nghẹt thở và chẩy nước mũi, kèm theo đó là hơi thở có mùi hôi, uể oải, mệt mỏi, ngứa mũi… người bệnh liên tục ngắt quãng công việc do khó thở hay xì mũi.
Theo y học cổ truyền, viêm mũi dị ứng phát sinh do 2 nguyên nhân: công năng tạng phủ (chủ yếu là phế, tỳ, thận) bị rối loạn; bị phong hàn, tà khí xâm nhập. Hai yếu tố này có thể phối hợp với nhau, khiến phế khí hư nhược, sức đề kháng giảm sút, dễ sinh bệnh.Chứng viêm mũi dị ứng rất hay tái phát, gây nhiều phiền toái cho người bệnh. Để chữa bệnh này, Đông y phối hợp dùng thuốc với châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập khí công dưỡng sinh.
Phương pháp xông mũi:+ Quả bồ kết, nướng, tán nhỏ, thổi vào lỗ mũi để gây nhảy mũi trong trường hợp mũi tắc không thông vì phế khí nghịch lên.+ Hạt nhãn, đốt lên khói dùng ống trúc dẫn cho khói xông vào mũi trong trường hợp nước mũi chảy ra không dứt, có mùi hôi.+ Lá lốt tán nhỏ, thổi vào lỗ mũi mỗi lần một ít dùng chữa trĩ mũi.+ Dùng tỏi 4 – 5 củ, giã nát như bùn, rịt vào lòng bàn chân, băng chặt, nước mũi tự nhiên khô ráo trong trường hợp viêm mũi cấp, mạn - viêm xoang.
Nhưng trước tiên, người mắc viêm mũi nên kiểm soát môi trường – tránh tác nhân gây dị ứng. Đeo khẩu trang, rửa mũi bằng nước muối sinh lý, tắm gội sạch sẽ (để loại hết bụi trên tóc, trên da) sau khi ra ngoài trời. Thường xuyên làm vệ sinh nhà cửa, giặt chăn màn, bao gối, màn cửa và phơi dưới ánh sáng mặt trời. Không nên dùng thảm và nệm ghế bằng vải. Không nuôi chó mèo hoặc những vật có lông khác trong nhà. Với trẻ em bị viêm mũi dị ứng nhiều lần, hạn chế cho chơi thú nhồi bông.
Tự chữa viêm mũi dị ứng theo phương pháp Đông y - Ảnh 2.
Ngoài ra, bệnh nhân cần hạn chế tối đa sự tiếp xúc với khói thuốc, khói xe, nước hoa, hương liệu... Đối với việc dùng thuốc: Hầu hết các trường hợp viêm mũi dị ứng đều đáp ứng với điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, không nên dùng thuốc chống nghẹt mũi dạng xịt hoặc nhỏ quá 7 ngày. Việc lạm dụng nó sẽ gây hiện tượng sinh lý phản hồi, khiến bệnh nhân nghẹt mũi nặng hơn, phải tăng liều, dẫn đến tình trạng viêm mũi do thuốc và nghiện thuốc, rất khó điều trị.
Ðộng tác massage làm ấm mũiDùng 2 ngón trỏ và giữa xoa mũi từ dưới lên và từ trên xuống cho ấm đều, đồng thời thở vô ra cho mạnh độ 10 – 20 lần. Ðể ngón tay chỗ giáp giữa xương mũi và xương sụn mũi, day huyệt độ 10 – 20 lần. Dùng ngón tay trỏ bên này áp vào cánh mũi bên kia, xoa mạnh độ 10 – 20 lần. Dùng 2 ngón tay trỏ day huyệt nghinh hương 10 – 20 lần. Vuốt để lỗ mũi và bẻ đầu mũi qua lại.Tác dụng: Làm ấm mũi và chữa các bệnh ở mũi.