21:40 10/02/2009

Từ chuyện “người Mỹ dùng hàng Mỹ”

Kiều Oanh

Điều khoản “người Mỹ dùng hàng Mỹ” rõ ràng là một điểm đậm chất chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế

Nếu không bị chôn vùi trở lại, “bóng ma” chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế có thể gây ra những hậu quả đáng sợ - Minh họa: Economist.
Nếu không bị chôn vùi trở lại, “bóng ma” chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế có thể gây ra những hậu quả đáng sợ - Minh họa: Economist.
Việc giải quyết cuộc suy thoái kinh tế hiện nay đòi hỏi chính phủ các nước trên thế giới có sự linh hoạt và thực tế, thay vì nhất nhất tuân theo những quy tắc cứng nhắc.

Muốn thoát ra khỏi khủng hoảng, cách tốt nhất có lẽ là kết hợp cùng lúc nhiều biện pháp và áp dụng những cách thức phù hợp với hoàn cảnh từng quốc gia, cho dù đó là bảo lãnh nợ cho ngân hàng, mua lại nợ xấu, quốc hữu hóa ngân hàng, hay tung ra những gói kích thích tăng trưởng…

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là một số quốc gia đã lựa chọn những giải pháp mang tính chủ nghĩa dân tộc (nationalism) trong kinh tế để ứng phó với khủng hoảng, tạo cơ hội trở lại cho “bóng ma” đã bị vùi chôn từ lâu này.

Chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế đồng nghĩa với những nỗ lực “giam giữ” việc làm và các dòng vốn ở trong nước. Bởi thế, chủ nghĩa này được xem là có thể khiến cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay trở thành một cuộc khủng hoảng chính trị và đe dọa làm nghiêm trọng thêm tình trạng suy thoái toàn cầu. Nếu không bị chôn vùi trở lại, “bóng ma” này có thể gây ra những hậu quả đáng sợ.

Thương mại thúc đẩy sự chuyên môn hóa, đem lại sự thịnh vượng. Thị trường vốn toàn cầu giúp phân bổ vốn hiệu quả hơn những thị trường vốn đóng. Hợp tác kinh tế giúp tăng cường niềm tin và an ninh. Mặc dù được hưởng nhiều lợi ích như vậy từ toàn cầu hóa, nền kinh tế thế giới lúc này đang bị đe dọa.

Chân tướng “bóng ma”

Mặc dù đã được làm “mềm” đi ở Thượng viên, điều khoản “người Mỹ dùng hàng Mỹ” trong kế hoạch kích thích kinh tế của Tổng thống Obama - theo đó yêu cầu phải sử dụng nguyên vật liệu của Mỹ cho các công trình xây dựng công cộng dùng vốn kích cầu - thời gian qua đã là một chủ đề tranh luận gay gắt.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ  Tim Geithner đã cáo buộc Trung Quốc là đã “thao túng” tỷ giá đồng Nhân dân tệ, dẫn tới những phản ứng khá gay gắt từ phía Bắc Kinh.

Trên thế giới, các hãng xe hơi đã và đang tìm kiếm những gói giải cứu của chính phủ. Hàng loạt các ngành công nghiệp ở nhiều nước từ Ấn Độ tới Ecuador cùng muốn các nhà chức trách hỗ trợ.

Gọng kìm của chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế xem ra siết chặt hơn cả trong ngành ngân hàng. Tại Pháp và Anh, chính phủ dùng tiền thuế của dân để hỗ trợ các ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ và yêu cầu họ chỉ được dùng tiền này cho vay trong nước. Trong bối cảnh ngân hàng giảm hoạt động cho vay nói chung, điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng rút vốn của mình ở nước ngoài về nước.

Tại Thụy Sỹ, các ngân hàng gần như được cho vay trong nước tùy thích, trong khi những khoản vay dành cho khách nước ngoài thì bị giám sát chặt chẽ.

Việc các chính phủ bảo hộ hàng hóa và nguồn vốn chủ yếu nhằm mục đích bảo vệ việc làm cho người dân. Trên khắp thế giới, người lao động đang mỗi lúc một lo thêm về nguy cơ bị sa thải và đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nhà hoạch định chính sách.

Thủ tướng Anh Gordon Brown đã có lần lỡ miệng dùng cụm từ “việc làm Anh cho công nhân Anh” và người lao động biểu tình ở nước này đang hô vang chính khẩu hiệu này. Tại Pháp, hơn 1 triệu người đã đình công từ cuối tháng 1 tới nay để đòi Chính phủ tạo thêm việc làm và tăng lương. Tại Hy Lạp, cảnh sát đã phải dùng súng bắn hơi cay để ngăn chặn đoàn biểu tình của những người nông dân đòi thêm trợ cấp.

Những người bảo vệ chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế hiện nay đưa ra ba lập luận để bảo vệ cho chủ nghĩa này, rằng đây là thứ chủ nghĩa chấp nhận được về mặt thương mại, về mặt pháp luật, và sẽ không đi quá xa.

Ở điểm thứ nhất, một số ngân hàng gặp khó có thể sẽ cảm thấy an toàn hơn nếu rút lui về thị trường trong nước, nơi họ hiểu rõ những rủi ro. Tuy nhiên, đây là xu hướng mà các chính phủ nên chống lại, thay vì khuyến khích.

Ở điểm thứ hai, các chính trị gia có lý khi muốn giữ tiền thuế của dân ở biên giới trong nước, miễn là phí tổn của việc này không cao tới mức không thể chấp nhận được. Mặc dù vậy, trong trường hợp này, cái giá phải trả lại có thể là rất lớn.

Điểm thứ ba lại là một sai lầm nguy hiểm. Trước đây, hai nhà làm luật Reed Smoot và Willis Hawley của Mỹ đã làm Đại suy thoái 1930 thêm tồi tệ khi tăng thuế quan của nước này. Khi đó, 1.028 nhà kinh tế học đã làm đơn phản đối dự luật tăng thuế này nhưng bất thành.

Dĩ nhiên những chuỗi cung cấp toàn cầu hiện nay đã có độ phức tạm và độ bền cao hơn rất nhiều so với trước kia, nhưng một khi chủ nghĩa dân tộc kinh tế leo thang, những logic về thương mại sẽ bị đè bẹp hết.

Vai trò của ông Obama

Lúc này, những mối nối ràng buộc các nền kinh tế trên thế giới vào nhau đang bị giãn căng. Thương mại thế giới năm nay có thể lần đầu tiên sụt giảm từ năm 1982 tới nay. Các dòng vốn tư nhân ròng chảy tới các thị trường đang nổi lên có thể sụt về mức 165 tỷ USD trong năm nay - từ mức đỉnh 929 tỷ USD trong năm 2007. Tiến trình toàn cầu hóa có thể đang trải qua thời kỳ đảo lộn chu trình mạnh nhất trong thời kỳ hiện đại.

Trong bối cảnh sự ủng hộ dành cho thị trường mở đang ở mức thấp và giảm xuống, các chính trị gia được dân chúng kỳ vọng phải làm một điều gì đó, và những chính sách giải quyết vấn dề trong nước luôn có khả năng gây bất lợi cho hệ thống toàn cầu.

Khi Ireland tuyên bố tháo trần bảo hiểm tiền gửi để hỗ trợ các ngân hàng của mình, một lượng tiền tiết kiệm lớn đã bị rút ra khỏi các ngân hàng của Anh để chuyển sang các ngân hàng ở Ireland. Các kế hoạch của Mỹ nhằm giám sát hàng tháng hoạt động cho vay trong nước của các ngân hàng sẽ khuyến khích hoạt động cho vay bên trong thay vì bên ngoài biên giới quốc gia này.

Để cứu mình, mỗi quốc gia ít nhiều “làm khó” các nước khác.

Câu hỏi lớn đặt ra lúc này là nước Mỹ sẽ làm gì? Trong thời gian khủng hoảng vừa qua, nước Mỹ đã đồng ý cung cấp USD cho các nước cần USD qua các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ, hay giải cứu hãng bảo hiểm AIG để tránh sự đổ vỡ dây chuyền toàn cầu…

Tuy nhiên, điều khoản “người Mỹ dùng hàng Mỹ” trong gói kích thích kinh tế mới của nước này rõ ràng là một điểm đậm chất chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế. Điều khoản này thậm chí không thể tăng việc làm cho người dân Mỹ trong ngắn hạn, vì một khi sự trả đũa thương mại xảy ra, các doanh nghiệp xuất khẩu của Mỹ có lẽ phải sa thải hàng loạt.

Ngoài ra, những hậu quả chính trị sẽ còn nghiêm trọng hơn nhiều những hậu quả kinh tế. Điều khoản này sẽ gửi đi một thông điệp rằng, quốc gia đi đầu về quan điểm thị trường mở đang bỏ rơi quan điểm này.

Ông Obama đã nói ông không thích điều khoản “người Mỹ dùng hàng Mỹ”, nhưng như thế chưa đủ, mà nên loại bỏ điều khoản này. Thêm vào đó, có lẽ ông cần theo đuổi ba quy tắc sau:

Thứ nhất là hợp tác quốc tế trong các gói giải cứu, theo đó kế hoạch giải cứu kinh tế của các nước cần được xây dựng theo các nguyên tắc chung, cho dù có chi tiết khác nhau. Hợp tác luôn tốt cho cả kinh tế lẫn chính trị.

Thứ hai là sự nhường nhịn. Kế hoạch kích thích kinh tế của mỗi nước cần theo đuổi nguyên tắc thị trường mở, mặc dù một số quốc gia khác có thể được lợi. Đồng thời, cần đặt ra các quy tắc mang tầm quốc tế cho ngành tài chính.

Thứ ba là tăng cường vai trò của các cơ chế đa phương như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). IMF và các ngân hàng phát triển như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có thể hỗ trợ vốn cho các nước đang phát triển, nhưng họ cần nguồn lực từ các nước phát triển để làm được điều này.

Vào lúc này, khi xung đột kinh tế có khả năng xảy ra hơn bao giờ hết, có lẽ vai trò cứu cánh cho kinh tế thế giới lại rơi xuống vai nước Mỹ, và Tổng thống Obama, hơn ai hết, chính là người đứng mũi chịu sào.

Nếu Tổng thống Obama không loại bỏ được điều khoản “người Mỹ dùng hàng Mỹ”, cả nước Mỹ và thế giới có thể phải đối mặt với những rắc rối lớn.

(Theo Economist)