08:00 07/02/2025

Từ TikTok đến DeepSeek: Mỹ cần ứng phó với Trung Quốc như thế nào?

Mai Anh

Việc cấm các ứng dụng Trung Quốc có thể giúp thúc đẩy các lựa chọn thay thế của Mỹ trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, điều này cũng có nguy cơ cô lập nước Mỹ khỏi những đột phá công nghệ từ nơi khác…

Một tháng đầu năm 2025 mới trôi qua và những cái tên ứng dụng được nhắc đến nhiều nhất đều do các công ty Trung Quốc phát triển. Đó là TikTok, RedNote và DeepSeek.

Điều này là minh chứng mới nhất cho thấy những lo ngại về an ninh quốc gia không thể ngăn cản người dùng Mỹ tìm đến các ứng dụng Trung Quốc. 

Thật sự là một bước ngoặt, tác giả Selina Xu viết trên tờ Fortune.

Khi TikTok trở thành hiện tượng văn hóa toàn cầu, nhiều người đã coi việc đó là ngoại lệ chứ không phải quy luật khi phần lớn người dùng bên ngoài Trung Quốc vốn không sử dụng các ứng dụng của nước này (ngay cả siêu ứng dụng WeChat, vốn được Facebook cố gắng bắt chước, cũng không phổ biến).

Nhưng sự nổi lên của RedNote và DeepSeek cho thấy các công ty công nghệ Trung Quốc vẫn duy trì tính cạnh tranh cao và không ngừng đổi mới. 

Phía sau bức tường lửa của Bắc Kinh, các sản phẩm kỹ thuật số của Trung Quốc phải liên tục cạnh tranh với nhau để giành lấy sự chú ý và chi tiêu của người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tốc độ học hỏi, cải tiến và đổi mới đáng kinh ngạc.

Trung Quốc từng bị coi là quốc gia chuyên sao chép, nhưng giờ đây, đã trở thành nước dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực như xe điện, phương tiện không người lái và người máy.

TikTok là ví dụ điển hình về thế mạnh của các công ty công nghệ Trung Quốc: thiết kế (giao diện cuộn vô tận), tính năng (dễ dàng tạo video với nhạc nền), và quan trọng nhất là kỹ thuật vượt trội (thuật toán gây nghiện). Tương tự, thành công của RedNote nằm ở công cụ tìm kiếm bên trong mạnh mẽ. Các ứng dụng Trung Quốc khác đã vươn ra toàn cầu như Shein và Temu cũng tạo được lợi thế nhờ chi phí rẻ. 

Xu hướng tương tự hiện đang diễn ra trong lĩnh vực AI. Những mô hình ngôn ngữ lớn đầu tiên của Trung Quốc đều nhắm đến việc tái tạo những gì ChatGPT có thể làm và đã bị đánh giá kém hơn. Nhưng sự ra mắt của mô hình R1 của DeepSeek gần đây với khả năng ngang ngửa OpenAI o1 mà mức chi phí thấp hơn đáng kể, đã làm đảo lộn giả định đó. DeepSeek nhanh chóng vươn lên vị trí ứng dụng miễn phí hàng đầu trên App Store của Apple tại Mỹ (và 51 quốc gia khác), vượt qua ChatGPT. 

Nhiều công ty nhỏ hơn sẽ sớm tham gia vào cuộc cạnh tranh với các mô hình AI của riêng họ, sử dụng phương pháp đào tạo của DeepSeek. Và khi các mô hình AI dần trở thành một loại hàng hóa phổ biến, giống như điện, yếu tố tạo sự khác biệt sẽ nằm ở cấu trúc chi phí, tương tự như cách Trung Quốc thống lĩnh các ngành công nghệ cao khác, từ điện tử tiêu dùng đến pin mặt trời. Sự hoảng loạn trên thị trường chứng khoán Mỹ vào cuối tháng trước cùng phản ứng kinh ngạc, lo ngại và dè chừng từ giới công nghệ đã phản ánh nhận thức đó. 

Tuy nhiên, dù công chúng Mỹ nhiệt tình đón nhận DeepSeek, các nhà hoạch định chính sách một lần nữa lại nêu lên những nguy cơ an ninh quốc gia. Một số lo ngại có thể có cơ sở khi chatbot miễn phí này tự kiểm duyệt khi đề cập đến các chủ đề nhạy cảm về chính trị như Tập Cận Bình hay Đài Loan; dữ liệu người dùng cũng được lưu trữ trên máy chủ ở Trung Quốc. 

Nhưng những tranh luận này, cùng với cuộc tranh cãi xoay quanh TikTok, là dấu hiệu đáng lo ngại rằng Washington ngày càng chấp nhận quan điểm công nghệ mang tính dân tộc chủ nghĩa – đặc biệt là trong thời đại AI, khi thế giới không thể tránh khỏi sự phổ biến của công nghệ và những tiến bộ công nghệ sẽ không bị ngăn chặn bởi việc trả phí hay cơ sở hạ tầng tập trung.

Nếu các nhà lập pháp Mỹ đi theo hướng cấm các ứng dụng, nước này sẽ rơi vào vết trượt nguy hiểm. Washington có thể đi đến quyết định cấm bất kỳ ứng dụng Trung Quốc nào thu hút người dùng Mỹ. Và tại sao chỉ dừng lại ở Trung Quốc? Nỗi lo sợ về sự thao túng từ nước ngoài sẽ luôn tồn tại chừng nào còn có quốc gia nào khác ngoài Mỹ tạo ra ứng dụng mới gây sốt. 

Quan điểm bảo hộ này hoàn toàn trái ngược với tầm nhìn về sự cởi mở, tự do biểu đạt và cạnh tranh sôi động mà Mỹ đã ủng hộ từ khi internet phổ biến. Sự ủng hộ của các nhà lập pháp với tầm nhìn này giờ đây dường như chỉ mang tính theo trường hợp khi họ ủng hộ quyền gia nhập tự do khi các công ty công nghệ Mỹ đủ mạnh để duy trì vị thế thống trị thị trường.

Thế nhưng khi đối thủ xuất hiện, họ lại viện dẫn các mối đe dọa an ninh quốc gia để ngăn chặn. Thay vì cạnh tranh bằng đổi mới, Mỹ đang nghiêng về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, đưa các công ty vào danh sách bị hạn chế và ban hành lệnh cấm. Điều này đáng lo ngại vì khiến Mỹ đánh mất cơ hội quý giá để học hỏi và cạnh tranh với các ứng dụng bên ngoài phạm vi ảnh hưởng của mình. 

Một số người lập luận rằng Trung Quốc từ lâu đã cấm các ứng dụng mạng xã hội của Mỹ và đây chỉ là hành động trả đũa tương xứng. Nhưng không lâu trước đây, các giám đốc điều hành công nghệ và giới lập pháp Mỹ đã chỉ trích cơ chế kiểm duyệt của Trung Quốc. Việc Washington áp dụng chiến thuật của Bắc Kinh một cách trớ trêu có thể khiến Mỹ xây dựng tường lửa của riêng mình. 

Bên cạnh đó, giữa các nhà lập pháp và công chúng Mỹ có một khoảng cách rõ ràng. Khi TikTok bị gián đoạn trong thời gian ngắn vào ngày 19/1, RedNote nhanh chóng vươn lên vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng ứng dụng được tải xuống tại Mỹ, trở thành nơi trú ẩn cho những người dùng TikTok muốn phản đối lệnh cấm của chính phủ. 

Cũng như TikTok, sự thành công của DeepSeek đang tạo ra một rạn nứt giữa những người muốn vượt qua Trung Quốc trong cuộc đua công nghệ và những người hưởng lợi từ việc tiếp cận một mô hình AI mạnh mẽ với chi phí thấp. Thực tế là các mô hình của DeepSeek đều có mã nguồn mở - bất kỳ ai cũng có thể tự do sử dụng, chỉnh sửa và phân phối, không giống như các mô hình đóng và độc quyền của OpenAI hay Anthropic. Điều này trái ngược với lập luận cho rằng công ty Trung Quốc đang làm suy yếu đổi mới sáng tạo của Mỹ. 

Việc cấm các ứng dụng Trung Quốc có thể giúp thúc đẩy các lựa chọn thay thế của Mỹ trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, điều này cũng có nguy cơ cô lập nước Mỹ khỏi những đột phá công nghệ từ nơi khác.

Để trở thành quốc gia đầu tiên đạt được siêu trí tuệ, Mỹ cần vượt qua và đổi mới nhanh hơn Trung Quốc bằng cách thúc đẩy sáng tạo, nâng cao cạnh tranh thị trường và áp dụng các phương thức hiệu quả hơn, chứ không phải bằng cách hạn chế quyền tiếp cận và tạo ra độc quyền trong nước.