10:16 08/03/2007

Từ Vegy đến X-Men

Câu chuyện khởi nghiệp của anh Phan Quốc Công xem ra cũng là điển hình của các doanh nhân trẻ thời nay

Anh Phan Quốc Công.
Anh Phan Quốc Công.
Câu chuyện dưới đây của anh Phan Quốc Công, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hàng gia dụng quốc tế (ICP), cho thấy việc tạo lập một công việc kinh doanh không nhất thiết phải có thật nhiều tiền, cũng như những ý tưởng to tát.

Tất cả có thể chỉ bắt đầu từ những nhu cầu thiết thực trong cuộc sống. 

Câu chuyện khởi nghiệp của anh Phan Quốc Công xem ra cũng là điển hình của các doanh nhân trẻ thời nay: đi làm thuê để lấy kinh nghiệm, trước khi tự mình đứng ra làm chủ. Năm 1993, anh chàng kỹ sư điện tốt nghiệp Đại học Bách khoa Tp.HCM này bắt đầu công việc tại Tổng công ty Dệt (nay là Tổng công ty Dệt may Việt Nam). Thời gian đầu anh làm kỹ thuật, sau đó được chuyển về phòng xuất nhập khẩu và bắt đầu gắn bó với “nghiệp kinh doanh”.

Sau hai năm làm việc tại đây, Công về đầu quân cho các công ty nước ngoài như Electrolux, Nestlé... vì nhận thấy môi trường làm việc ở các công ty này sẽ giúp anh học hỏi nhiều điều. Trong các công ty trên, thời gian anh trụ lại ở Nestlé là lâu nhất, từ năm 2000-2004, và đây là công ty anh đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, bí quyết về điều hành, kinh doanh…

“Rước cực vào thân”

Tháng 9/2001, ICP được thành lập dưới hình thức công ty TNHH, chuyên sản xuất và tiếp thị những sản phẩm hóa mỹ phẩm chất lượng cao. Lúc này Công còn làm việc cho Nestlé nên hơn hai năm đầu chuyện điều hành công ty được giao cho người khác đảm trách.

Chỉ đến khi kinh doanh thực sự phát triển, Công mới chính thức rời Nestlé để toàn tâm toàn ý lo cho công ty của mình. Đang từ một người làm công ăn lương hơn chục năm, nay anh phải tự mình đưa ra những quyết định mang tính sống còn trên thương trường là điều không dễ.

Tuy nhiên, Công cho biết với những kinh nghiệm học hỏi được từ công ty nước ngoài, nếu không tìm cách ứng dụng thì sẽ rất lãng phí! Thế là chấp nhận “rước cực vào thân” để có cơ hội áp dụng những điều học hỏi từ môi trường quốc tế vào điều kiện kinh doanh thực tế tại Việt Nam.

“Lúc ấy tôi nghĩ mình còn trẻ, chưa đến 40 tuổi thì ngại gì mà không thỏa chí với ước mơ, nếu thất bại vẫn đủ thời gian và cơ hội để làm lại”, Công tâm sự.

Cứ ngỡ với việc sở hữu thêm những bằng cấp chuyên về quản trị kinh doanh-thạc sĩ (1999) và tiến sĩ (2003), Công sẽ bắt đầu bằng những dự án kinh doanh to tát. Thật bất ngờ, ICP lại chọn lối kinh doanh phục vụ những nhu cầu thực tế của cuộc sống.

Năm 2002, dư luận lúc đó đang ồn ào với chuyện dư lượng thuốc trừ sâu trong rau quả. Thế là sản phẩm nước rửa rau Vegy ra đời và ICP đã thành công, đơn giản vì mọi người cần rau sạch nhưng phương pháp trồng rau an toàn lúc đó chưa được phổ biến. Không lâu sau đó, ICP tiếp tục tung ra thị trường nhóm sản phẩm tẩy rửa OCleen, cũng đem lại một thành công đáng kể.

Thế nhưng, câu chuyện thành công về phát triển thương hiệu được nhiều người nhắc đến chính là X-Men, khi chỉ trong vòng một năm sau khi ra mắt thương hiệu này đã có chỗ đứng trong dòng sản phẩm chăm sóc cá nhân dành cho nam giới.

Để làm được điều này, X-Men được định vị là nhóm sản phẩm làm đẹp dành riêng cho nam giới có thu nhập trung bình cao. Tiếp đó, X-Men nhấn mạnh vào tính cách “người đàn ông đích thực” - hình tượng của sản phẩm qua những đoạn phim quảng cáo mà gần đây là mẩu quảng cáo về người hùng X-Men, giữa đường gặp chuyện bất bình ra tay nghĩa hiệp.

Ngay cả chuyện đặt tên cũng rất được Công chú ý, tên gọi sản phẩm nghe như là hàng sản xuất ở nước ngoài.

Chia sẻ niềm tin

Nhưng trước khi đạt đến những thành công như hôm nay, ICP đã trải qua những ngày tháng đầy vất vả. Gian nan đầu tiên là về nhân lực. “Một công ty mới thành lập thì khó có thể tìm ra một đội ngũ quản lý giỏi, hơn nữa ICP không phải là công ty gia đình nên việc điều hành càng khó khăn hơn”, Công nhớ lại.

Và để có thể kêu gọi sự hợp tác từ những người không phải là thân thuộc trong gia đình đến với ICP trên tinh thần làm công ăn lương, Công đã phải thuyết phục họ rất nhiều. Lẽ đương nhiên, sẽ không dễ dàng gì khi phải thuyết phục ai đó từ bỏ vị trí thâm niên tại một công ty lớn để về gầy dựng ICP từ đầu. Nhưng tài “thuyết khách” của Công là chia sẻ với họ những dự định lớn lao, những mong muốn làm một điều gì đó mới lạ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.

Khi phỏng vấn tuyển dụng, anh đã nói về tầm nhìn tương lai của công ty để mọi người yên tâm cộng tác. “Nhưng quan trọng là trong quá trình hoạt động sau này, công ty phải thật minh bạch để tạo sự tin tưởng dài lâu nơi nhân viên, chẳng hạn các lời hứa về lương bổng phải được thực hiện đúng”, Công nói.

Kế đến là khó khăn về công nghệ. Làm sao có sản phẩm đạt chuẩn quốc tế như tên gọi của ICP - Công ty Hàng gia dụng quốc tế? Công bảo rằng nhờ mạng Internet tại Việt Nam phát triển mạnh vào lúc đó, anh đã tìm đến trang web của các hãng danh tiếng trên thế giới và đặt mua máy móc qua mạng. Cả việc đào tạo nhân viên, tham khảo ý kiến chuyên gia nước ngoài cũng đều được thực hiện qua mạng.

Thêm vào đó, ICP thường xuyên cử người đi tham dự các khóa đào tạo chuyên sâu, các hội chợ, triển lãm hàng năm ở nước ngoài để học hỏi, cập nhật thông tin mới. Việc chuyển giao kiến thức cho nhân viên được ICP thực hiện bằng cách thuê chuyên gia làm từng dự án cụ thể. Theo Công, ICP muốn tận dụng sức trẻ của nhân viên để tiếp thu công nghệ mới, từ đó sản phẩm làm ra không bị rập khuôn theo thị trường.

Sau khi vượt qua những khó khăn ban đầu, ổn định và phát triển vững mạnh ở một phân khúc riêng của thị trường, Công cho biết thách thức của ICP lúc này là phải vượt qua cái bóng của chính mình. “Chúng tôi đang làm cái mới, vì thế luôn thường trực với suy nghĩ: sau này sẽ có gì mới hơn? Và chúng tôi luôn đứng trước áp lực phải sáng tạo không ngừng”, Công bộc bạch.

Cũng giống như các công ty sản xuất hàng tiêu dùng lớn ở Việt Nam, hiện nay, khó khăn lớn nhất của ICP là phải đối mặt với nạn hàng giả, hàng nhái trên thị trường. ICP phải tự bảo vệ mình bằng cách dùng công nghệ mới-chất liệu sản phẩm, mẫu mã bao bì không dễ làm tại Việt Nam.

Chẳng hạn, nhãn các sản phẩm X-Men làm bằng chất liệu nhập ngoại, phải đặt mua nhiều phía nước ngoài mới bán, đồng thời việc in nhãn chỉ một vài công ty lớn mới làm được. Bên cạnh đó, ICP không chủ trương mua ép giá để bên cung cấp nguyên liệu có thể bị cám dỗ từ các khách hàng khác, từ đó tạo kẽ hở cho những kẻ làm hàng giả lợi dụng.

Tiếp tục phát triển trên những thành công ban đầu và kinh nghiệm tích lũy, ICP gần đây quyết định tham gia vào thị trường mỹ phẩm cao cấp và bước đầu gặt hái được nhiều kết quả quan trọng. Vừa qua, ICP đã chuyển đổi hình thức thành công ty cổ phần với đối tác chiến lược là Quỹ Mekong Enterprise Fund II (MEF).

Tháng 11 năm rồi, MEF đã đầu tư hơn 6 triệu đô la Mỹ vào ICP. Đây là công ty đầu tiên mà MEF chọn đầu tư kể từ khi công bố ra mắt vào tháng 6/2006. Căn cứ vào tình hình hoạt động hiện nay của ICP - vốn hoạt động 124 tỉ đồng, doanh số năm 2006 khoảng 220 tỉ đồng, hơn 300 nhân viên, ba văn phòng, hai nhà máy và một trung tâm phân phối - hẳn nhiều người cho rằng lúc khởi nghiệp ICP cần nhiều vốn lắm.

Tuy nhiên, Công cho biết ICP huy động vốn chỉ từ tiền nhàn rỗi của người quen và họ hàng. Lúc đầu Công không dự tính số vốn đầu tư cụ thể, anh chỉ vạch ra kế hoạch phát triển từng năm, sau đó cần tiền đến đâu thì… kêu gọi góp vốn đến đó! “Không cần vốn to mới có thể khởi nghiệp, vì quan trọng là một kế hoạch kinh doanh tốt và lời hứa doanh số phải thực hiện được mỗi năm”, Công chia sẻ.

Cho đến nay, sau hơn năm năm đi vào hoạt động, ICP vẫn chưa phải đi vay ngân hàng vì kinh doanh tốt, sổ sách minh bạch nên khi cần công ty có thể huy động vốn từ người thân. ICP đi lên từ một công ty nhỏ nên cả sáu địa điểm hoạt động hiện nay công ty đều đi thuê, theo kiểu cần mở rộng hoạt động đến đâu thì thuê mặt bằng đến đó.

“Tôi cho rằng thành công của ICP, và cá nhân tôi nói riêng, là kết quả của phép tính: kiến thức + kinh nghiệm + làm việc theo hệ thống. Chúng ta đi học để có kiến thức, làm việc nhằm tích lũy kinh nghiệm nhưng nếu không có khả năng kêu gọi sự hợp tác, hay tinh thần huy động sự cộng tác từ người khác, không cá nhân nào có thể trưởng thành và phát triển được”, Công đúc kết.