Từng thất bại 20 lần trước khi thành công với startup tỷ USD
Ứng dụng giao thực phẩm tươi Instacart là "trái ngọt" của doanh nhân Apoorva Mehta sau khi thất bại với 20 startup khác
Apoorva Mehta chỉ mới 25 tuổi khi thành lập Instacart - startup hiện trở thành công ty giao rau củ quả trực tuyến trị giá hơn 3 tỷ USD hoạt động tại hàng trăm thành phố ở Mỹ.
Ứng dụng Instacart cho phép người dùng đặt mua thực phẩm tươi và được giao hàng tận nhà, hoặc cho phép họ đăng ký đi mua đồ rồi giao cho người khác. Hiện nay, startup này có khoảng 300 nhân viên làm việc toàn thời gian và khoảng 10.000 người giao hàng bán thời gian. Mô hình của Instacart tương tự như Uber hay Grab - người dùng ứng dụng có thể đăng ký để đi xe hoặc lái xe.
Lớn lên tại Canada với sự tò mò lớn với thế giới công nghệ và không biết mình muốn làm gì sau khi tốt nghiệp đại học, Mehta đã đăng ký một khóa kỹ thuật điện tại trường Đại học Waterloo. Sau khi tốt nghiệp, Mehta có vài năm làm việc cho các công ty công nghệ như Qualcomm và BlackBerry và thậm chí là một nhà máy thép với mục tiêu tìm xem mình muốn làm gì.
Cuối cùng, anh về làm kỹ sư quản lý chuỗi cung ứng cho Amazon. Tại đây, Mehta học hỏi được cách thức hãng bán lẻ trực tuyến khổng lồ giao hàng từ các nhà kho tới tay khách hàng vừa hiệu quả vừa nhanh chóng. Anh cũng học được cách CEO Amazon Jeff Bezos lãnh đạo công ty. Doanh nhân 30 tuổi cho biết Bezos và nhà sáng lập Apple Steve Jobs là hình mẫu lý tưởng của mình.
Trong 2 năm sau đó, Mehta đã thành lập 20 startup bao gồm xây dựng hệ thống quảng cáo cho các hãng game, mạng xã hội riêng cho các luật sư…
"Tôi chẳng biết gì về những lĩnh vực này nhưng tôi thích đặt mình vào những nơi mà có thể học hỏi được về một ngành nào đó và cố gắng giải quyết những vấn đề của họ", Mehta nói. Tuy nhiên, tất cả startup này đều thất bại.
"Sau khi trải qua những thất bại này, tôi nhận ra rằng nguyên nhân thất bại không phải vì tôi không tìm được sản phẩm có thể thành công mà là không hề quan tâm tới những sản phẩm đó", Mehta nói về mạng xã hội cho giới luật sư. "Khi về tới nhà, tôi chẳng bao giờ nghĩ về nó bởi tôi không quan tâm việc giới luật sư làm gì mỗi ngày".
"Tôi phải làm gì đó có ý nghĩa, điều gì đó khác biệt", Mehta nói với Fortune. "Điều có thể khiến thực sự hào hứng mỗi ngày ngay khi thức dậy đi làm. 20 ý tưởng startup trước đó chỉ là quá trình tìm kiếm điều đó", Mehta nói.
Vào thời điểm năm 2012, mọi người đã bắt đầu đặt mua mọi thứ qua mạng, gặp gỡ nhau trên mạng nhưng họ vẫn mua thực phẩm tươi theo cách truyền thống - tới các cửa hàng hoặc siêu thị.
Là một người yêu thích nấu ăn và sống ở nơi cách xa các cửa hàng thực phẩm, Mehta nảy ra ý tưởng xây dựng một nền tảng giao rau củ quả trực tuyến. Chỉ trong chưa đầy một tháng, anh đã tự mình thiết kế một ứng dụng, một bản dành cho những người trực tiếp mua sắm, và một bản dành cho những người tới cửa hàng mua sắm hộ người khác.
Ý tưởng đặt thực phẩm tươi qua mạng rồi giao tận nhà khách hàng không phải là mới. Nhưng Mehta tin rằng thành công của một startup không chỉ nằm ở chất lượng của ý tưởng mà còn nằm ở thời điểm ra mắt. Anh cho rằng đây cũng là hai yếu tố giúp các startup như Uber và Lyft thành công.
Khi đó, di động thông minh bắt đầu phổ biến và người dùng cũng thoải mái hơn với việc thực hiện các giao dịch mua bán qua điện thoại. Do đó, ý tưởng thông qua một ứng dụng để thuê người khác làm một nhiệm vụ nào đó cho mình nhanh chóng trở thành xu hướng.
Lời khuyên của Mehta cho các doanh nhân trẻ là "Hãy thành lập một công ty khi bạn muốn thay đổi điều gì đó mà bạn thực sự quan tâm. Đó là điều bạn thực sự muốn làm".