06:51 17/05/2007

“Tương lai cho học sinh trung cấp đã sáng sủa hơn”

Dũng Hiếu

Trò chuyện với TS. Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Nhiều trường đã có trang thiết bị học tập tốt hơn cho học sinh trung cấp.
Nhiều trường đã có trang thiết bị học tập tốt hơn cho học sinh trung cấp.
Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông đều cho rằng lựa chọn tốt nhất là vào đại học. Tuy nhiên, thực tế không phải hoàn toàn là như vậy. Hiện nay, với sự phát triển của nền kinh tế, học sinh tốt nghiệp trung cấp cũng có rất nhiều cơ hội tốt về việc làm hoặc tiếp tục học lên cao.

Sau đây là nội dung cuộc trao đổi của chúng tôi với TS. Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) về vấn đề này.

Ông nhìn nhận thế nào về bức tranh chung của hệ trung cấp chuyên nghiệp Việt Nam hiện nay?

Số lượng tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp tăng hàng năm, đưa quy mô đào tạo từ 255.400 học sinh năm 2000 đến 453.200 năm 2004 và gần 520.000 năm 2006. Những con số này đã phản ánh nhu cầu thực tế từ lao động đối với trình độ trung cấp (bậc giữa trong cơ cấu trình độ nhân lực 3 cấp: sơ cấp – trung cấp – đại học).

Với sự phát triển kinh tế xã hội nhanh chóng đòi hỏi lao động có trình độ trung cấp ngày càng tăng. Một số chính sách của Đảng, Nhà nước tác động mạnh đến thị trường lao động của loại trình độ này như các khu công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng cường năng lực cán bộ cấp sở, muốn có giấy phép hành nghề phải có bằng trung cấp chuyên nghiệp, chính sách đào tạo liên thông.

Bên cạnh đó, chủ trương của Bộ Giáo dục Đào tạo mở rộng quy mô, xã hội hóa đào tạo mở thêm nhiều ngành nghề mới, đào tạo liên thông cho phép tuyển sinh nhiều đợt trong năm. Đặc biệt, Bộ đã tăng cường phân cấp cho các trường trung cấp chuyên nghiệp trong tuyển sinh, đẩy mạnh xét tuyển trên cơ ở kết quả học học tập, thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc kết quả thi cao đẳng, đại học

Cùng đó các địa phương bắt đầu nhận thấy tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp, tăng cường quan tâm phát triển bậc học này. Còn các trường đã không ngồi chờ người học tìm đến trường mà đã tăng cường quảng bá hình ảnh của nhà trường và tăng chất lượng đào tạo. Đây chính là nguyên nhân khiến cho bức tranh của hệ trung cấp chuyên nghiệp có phần sáng sủa hơn so với những năm trước.

Tuy nhiên, vẫn còn mảng mờ cần khắc phục, đó là số lượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp có tỷ lệ rất thấp, khoảng 1% trong tổng quy mô học sinh trung cấp chuyên nghiệp.

Với bức tranh sáng sủa như vậy thì chỉ tiêu năm nay có tăng so với năm trước không? Phương thức tuyển sinh có gì thay đổi, thưa ông?

Chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp so với năm 2006 tăng hơn 9%. Về phương thức tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương tăng dần số trường xét tuyển. Năm 2007 sẽ áp dụng theo phương thức: những trường có số thí sinh đăng ký dự tuyển nhiều gấp năm lần chỉ tiêu trở lên thì giao cho hiệu trưởng tự quyết định phương thức xét tuyển hoặc thi tuyển. Dưới mức đó thì chỉ thực hiện phương thức xét tuyển. Để có thể công bố sớm phương thức tuyển sinh (thi tuyển hay xét tuyển) cho thí sinh được biết.

Bộ Giáo dục Đào tạo khuyến cáo, các trường tham khảo số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển của hai năm 2005 và 2006 để chủ động quyết định phương thức tuyển sinh. Về quy chế tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp có một vài sửa đổi nhỏ như sửa đổi thời gian làm bài cho mỗi môn thi viết là từ 90-120 phút (trừ các môn năng khiếu).

Theo ông những ngành học nào của trung cấp chuyên nghiệp năm nay sẽ thu hút thi sinh và cơ hội việc làm của người tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp?

Do nền kinh tế tiếp tục phát triển với tốc độ cao, lao động tại các khu công nghiệp thiếu trầm trọng cho nên những ngành học thuộc khối kỹ thuật – công nghệ và dịch vụ vẫn tiếp tục hấp dẫn trong những năm tới. Hiện các ngành học như: cơ khí, công nghệ hàn, điện, điện tử, viễn thông, bảo dưỡng thiết bị, công nghệ thông tin, xây dựng, chế biến, dược, điều dưỡng, văn thư, kế toán, thương mại, du lịch vẫn hấp dẫn học sinh.

Tổng kết của UNESCO cho thấy khoảng 80% việc làm trong xã hội do giáo dục kỹ thuật và nghề nghiệp cung cấp và nó chính là chìa khóa vạn năng cho sự phát triển bền vững ở mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đến năm 2011 là tạo ra khoảng 8 triệu việc làm mới sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm cho những người tốt nghiệp trong các trường dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép những ngành học nào được đào tạo liên thông lên cao đẳng, đại học?

Được phép đào tạo liên thông từ trung cấp chuyên nghiệp lên cao đẳng, đại học chủ yếu tập trung vào những ngành như cơ khí, công nghệ ôtô, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ thông tin, kế toán, quản trị kinh doanh, sư phạm, công nghệ chế biến, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, công nghệ may, xây dựng...

Học sinh tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp muốn học liên thông cần đạt những điều kiện gì khi học trung cấp chuyên nghiệp, thưa ông?

Theo quy định tạm thời về đào tạo liên thông, tất cả học sinh tốt nghiệp các trường trung cấp chuyên nghiệp với học lực khá và giỏi đều có cơ hội dự thi học liên thông lên cao đẳng, đại học ngay. Các môn thi gồm một môn cơ sở và một môn chuyên môn (có thể thi thực hành).

Sắp tới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành quy chế mới về đào tạo liên thông, khi đó sẽ có một số thay đổi về điều kiện tuyển sinh, công nhận kết quả học tập, thời gian đào tạo, hình thức đào tạo và công nhận văn bằng...