Tỷ lệ bảo hộ có thể giảm 2 lần
Thuế suất bình quân có thể sẽ giảm rất mạnh do tác động của cam kết WTO cộng với cam kết CEPT và AFTA-Trung Quốc
Trong thời gian tới, hàng rào thương mại của Việt Nam sẽ không chỉ chịu tác động từ cam kết WTO, mà còn tiếp tục chịu tác động đáng kể từ các cam kết thương mại như CEPT và AFTA-Trung Quốc.
Những cam kết này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chính sách bảo hộ đối với các ngành ở Việt Nam? Hàng rào bảo hộ các ngành quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Tác động của cam kết tới bảo hộ
Nếu áp dụng cam kết WTO theo hướng giảm thuế suất những ngành có thuế bình quân hiện hành (thuế suất MFN) cao hơn cam kết mà không điều chỉnh những ngành hàng có thuế suất thấp hơn cam kết thì mức thuế suất bình quân gia quyền theo cam kết WTO sẽ giảm rất mạnh, ngay trong năm 2007 mức thuế suất trung bình có thể giảm 26% so với năm 2006 và thuế suất trung bình tiếp tục giảm tới mức tối đa là 50% theo cam kết cuối.
Mức thuế bình quân theo Hiệp định CEPT và AFTA-Trung Quốc thậm chí còn thấp hơn khá nhiều so với mức thuế MFN hiện hành, đặc biệt là cam kết cuối cùng, trên dưới 1% đối với Hiệp định CEPT và dưới 5% đối với Hiệp định AFTA-Trung Quốc. Một điểm đáng chú ý hơn là sẽ có tới xấp xỉ 70% số dòng thuế nhập khẩu từ hai khu vực này sẽ thấp hơn so với mức thuế suất MFN hiện hành. Tạm thời, tỷ trọng các mặt hàng giảm thuế theo cam kết đối với 2 khu vực này chỉ xấp xỉ vào khoảng 14% (tỉ trọng nhập khẩu năm 2005) hiện nay và 21% theo cam kết cuối cùng.
Tuy nhiên, do cơ cấu nhập khẩu sẽ dịch chuyển, nên các chuyên gia cảnh báo không thể bỏ qua nguy cơ cạnh tranh từ hai khu vực này, nhất là thị trường Trung Quốc, do thị phần nhập khẩu từ thị trường này đang tăng mạnh, gần gấp đôi trong vòng 6 năm qua, tức là tăng ngay cả khi chưa có cam kết ưu đãi thuế suất.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng sự sụt giảm hàng rào thuế quan kéo theo sự sụt giảm tỷ lệ bảo hộ hiệu quả. Nếu so với các nước trong khu vực, tỷ lệ bảo hộ thực tế của Việt Nam hiện vào loại trung bình (năm 2006 là 20,43%). Tuy nhiên, do các cam kết tự do hoá thương mại, tỷ lệ bảo hộ thực tế sẽ giảm xấp xỉ 2 lần so với hiện nay.
Mặc dù vậy, tốc độ sụt giảm bảo hộ từ nay đến năm 2020 không phải là quá lớn so với tốc độ giảm bảo hộ những năm vừa qua, vì vậy mức độ giảm bảo hộ theo các cam kết tự do hoá thương mại trong thời gian tới sẽ không phải là thách thức không thể vượt qua.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là hàng rào bảo hộ thương mại không có hiệu quả đối với các ngành xuất khẩu chủ yếu. Trong số 10 mặt hàng thì có tới 6 mặt hàng có tỷ lệ bảo hộ thực tế dưới mức trung bình cho đến năm 2020, đó là các ngành: hạt cà phê, nông sản khác, dầu thô-khí tự nhiên (không bao gồm thăm dò), gỗ và các sản phẩm từ gỗ đã chế biến, máy móc đặc chủng, các máy móc và thiết bị điện khác.
Nhưng theo nhận định của các chuyên gia chúng ta vẫn có thể lạc quan là việc áp dụng các cam kết hội nhập sẽ làm giảm sự bóp méo các động lực xuất khẩu, nhất là đối với các ngành xuất khẩu chủ lực. Trong số 8 mặt hàng được xem xét nhiều nhất năm 2005, chỉ có 3 mặt hàng có chỉ số bóp méo hoạt động xuất khẩu cao hơn mức hoặc xấp xỉ trung bình.
Tuy nhiên, các mặt hàng có chỉ số bóp méo động lực xuất khẩu lớn là hải sản chế biến và chế phẩm hải sản và gạo đã chế biến và cả hai ngành không tính toán chỉ số là ngành quần áo và sản phẩm da (do chỉ số bị bóp méo quá lớn) là những ngành thu hút nhiều lao động nhàn rỗi từ nông thôn, vì vậy khuyến cáo được các chuyên gia đưa ra là cần nghiên cứu cơ chế thuế nhằm tạo động lực xuất khẩu tốt hơn cho những ngành này.
Làm gì để giảm bớt tác động của các cam kết ?
Để giảm bớt những tác động của các cam kết hội nhập, hướng đi trong thời gian tới đang được các nhà lãnh đạo tính đến là chủ động cải cách hệ thống thuế nhằm đối phó với những biến động nguồn thu thuế nhập khẩu. Tuỳ theo cách vận dụng các cam kết và những biến động về cơ cấu nhập khẩu, nguồn thu thuế nhập khẩu có thể giảm tới 50%. Trong khi đó, các biện pháp vận dụng cam kết để đối phó với sự sụt giảm nói trên lại rất hạn chế và không tránh khỏi việc gây xáo trộn sản xuất trong nước. Do đó, biện pháp tốt hơn là phải cải cách hệ thống thuế hiện hành nhằm tránh phụ thuộc quá nhiều vào các loại thuế gián thu như thuế nhập khẩu.
Những biện pháp cần làm ngay bao gồm, sớm ban hành luật thuế thu nhập cá nhân, sửa đổi thuế thu nhập doanh nghiệp, hạn chế bớt những ưu đãi thuế nhằm giảm bớt sự phụ thuộc quá nhiều vào các loại thuế gián thu. Mặt khác, cũng có thể xem xét điều chỉnh thuế VAT theo hướng áp dụng một thuế suất thống nhất, và có thể sử dụng linh hoạt thuế tiêu thụ đặc biệt trong trường hợp có biến động hụt thu thuế nhập khẩu lớn.
Về lâu dài, việc điều hành chính sách thuế nhập khẩu nên dựa trên quan điểm coi đó là một công cụ bảo hộ sản xuất trong nước chứ không phải là một nguồn thu quan trọng. Có như vậy, thuế nhập khẩu mới đáp ứng được là một hàng rào hữu hiệu để bảo hộ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, bảo hộ sản xuất trong nước cũng cần phải có chọn lọc, chỉ bảo hộ những ngành non trẻ, cần thời gian để phát triển khả năng cạnh tranh chứ không bảo hộ tràn lan. Bảo hộ cũng cần phải có lộ trình giảm dần. Có như vậy, chính sách bảo hộ mới có tác dụng nâng cao chứ không phải triệt tiêu sức cạnh tranh của sản xuất trong nước.
Thận trọng trong việc vận dụng các cam kết hội nhập để nâng thuế nhập khẩu. Thuế suất MFN của một số mặt hàng hiện nay thấp hơn cam kết, vì vậy có thể nâng thuế suất các mặt hàng này để làm giảm áp lực ngân sách trong trường hợp mất cân đối lớn. Tuy nhiên, biện pháp này là không hiệu quả do sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Trong trường hợp bắt buộc phải nâng thuế, ngoài việc hạn chế nâng thuế những mặt hàng nhập khẩu chỉ dùng cho sản xuất, cần tránh nâng thuế làm ảnh hưởng đến đầu vào của các ngành có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.
Có thể vận dụng đẩy nhanh tốc độ thực hiện các cam kết hội nhập đối với những ngành hàng ít có ảnh hưởng tới nền kinh tế và nhập khẩu chỉ cho mục đích phục vụ sản xuất. Có 16 ngành hàng thoả mãn tiêu chí trên đó là các ngành: gạo; cao su tự nhiên; hạt cà phê, cát, dầu thô, khí tự nhiên (không bao gồm thăm dò); hoá chất vô cơ cơ bản; thuốc trừ sâu, các sản phẩm nhựa nguyên liệu hoặc sơ chế, sơn, mực, vật liệu phủ ngoài tạo mầu, làm bóng, các sản phẩm hoá chất khác, các máy móc khác sử dụng cho nhiều mục đích, máy móc đặc chủng, các phương tiện vận tải khác.
Ngoài ra, có thể vận dụng nâng thuế đối với những ngành hàng nhập khẩu phục vụ cho tiêu dùng và có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế. Có 14 ngành thoả mãn tiêu chí này là : thịt lơn, gia cầm, vật nuôi khác, bơ, sữa và các sản phẩm từ sữa, bánh, mứt, kẹo và các sản phẩm từ côca và sôcôla, đồ uống có cồn và không cồn, chè đã chế biến, thuốc lá...