09:28 17/07/2007

Tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Nhật giảm mạnh

Dũng Hiếu

Theo Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật, tỷ lệ tu nghiệp sinh Việt Nam bỏ trốn tại nước này đã giảm đáng kể

Tỷ lệ tu nghiệp sinh Việt Nam bỏ trốn tại thị trường Nhật Bản đã giảm đáng kể.
Tỷ lệ tu nghiệp sinh Việt Nam bỏ trốn tại thị trường Nhật Bản đã giảm đáng kể.
Theo Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật, tỷ lệ tu nghiệp sinh Việt Nam bỏ trốn tại nước này đã giảm đáng kể.

Trước đây, tỷ lệ bỏ trốn của tu nghiệp sinh Việt Nam so với các nước phái cử tu nghiệp sinh đến Nhật luôn ở mức đáng báo động. Năm 2000 là 31,28%; năm 2001 là 13,62%; năm 2002 tăng lên 27,75%; năm 2003 tăng đột biến 34,1%.

Tuy nhiên, đến năm 2004, con số này đã giảm xuống 14,4%; năm 2005 là khoảng 12% tổng số tu nghiệp sinh Việt Nam phái cử trong năm đã bỏ trốn. Năm 2006, số tu nghiệp sinh bỏ trốn khoảng 168 người, chiếm 4,58% so với số tu nghiệp sinh được phái cử trong năm. Tỷ lệ bỏ trốn giảm gần 7 lần so với năm 2003 và giảm 3,1 lần so với năm 2004.

Còn tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã đưa được 2.003 tu nghiệp sinh sang Nhật Bản, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước, lượng bỏ trốn là 75 người, chiếm tỷ lệ 3,7%.

Việc Việt Nam thực hiện có hiệu quả chương trình chống tu nghiệp sinh bỏ trốn có ý nghĩa hết sức quan trọng cho việc thúc đẩy chương trình phái cử tu nghiệp sinh sang Nhật Bản.

Đến nay, cơ quan đại diện của Việt Nam tại Nhật Bản đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Nhật Bản, đặc biệt là Bộ Tư pháp, Tổ chức JITCO trong việc phối hợp thông tin, bắt và trục xuất tu nghiệp sinh bỏ trốn, phổ biến chính sách mới của Việt Nam tới các xí nghiệp tiếp nhận của Nhật Bản.

Tuy nhiên, gần đây đã phát sinh việc tu nghiệp sinh Việt Nam tham gia vào các tổ chức công đoàn của Nhật Bản, đấu tranh đòi quyền lợi. Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng, các cơ quan liên quan của Việt Nam cần có biện pháp ngăn chặn việc tu nghiệp sinh tham gia tổ chức công đoàn nước sở tại để đấu tranh, làm ảnh hưởng tới chương trình hợp tác giữa hai nước.

Hiện nay phía Nhật Bản vẫn duy trì và phát triển các hoạt động tiếp nhận tu nghiệp sinh nước ngoài theo chương trình ký kết theo 7 nhóm ngành gồm: nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng, chế biến thực phẩm, dệt may, cơ khí kim loại và các ngành khác như đúc nhựa, in, sơn... Đây cũng là những ngành, nghề mà lực lượng lao động Việt Nam cần được bổ sung kiến thức, đáp ứng nhu cầu hội nhập của nước nhà.

Tuy nhiên Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội, Bộ Tư pháp và Bộ Kinh tế - Công thương đã trình lên Chính phủ các đề án độc lập liên quan tới tiếp nhận lao động nước ngoài trong tương lai.

Theo đó, sẽ thắt chặt chế độ quản lý xuất nhập cảnh, bãi bỏ chế độ tu nghiệp, làm tiền đề cho việc thực hiện chế độ tiếp nhận lao động giản đơn với thời hạn tối đa 3 năm, việc tiếp nhận lao động giản đơn sẽ không chỉ nhằm mục đích chuyển giao kỹ thuật và cũng như sẽ không có sự phân biệt giới hạn về năng lực kỹ thuật, chủng loại nghề nghiệp, loại hình xí nghiệp và đối tượng tiếp nhận.

Theo Ban Quản lý lao động tại Việt Nam, mặc dù Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội phản đối vệc tiếp nhận lao động giản đơn, nhưng cũng đồng quan điểm cho rằng chương trình tu nghiệp sinh chính là nơi phát sinh các vấn đề như bóc lột lao động, vi phạm Luật Lao động và Luật Lương tối thiểu...

Vì vậy, Bộ Lao động muốn xóa bỏ chế độ tu nghiệp sinh, nhất thể hoá chương trình tiếp nhận thực tập sinh, đồng thời cũng xem xét cho phép tiếp nhận thực tập sinh đối với cả những ngành nghề trước đây không nằm trong chế độ chuyển sang thực tập sinh.

Sau khi kết thúc 3 năm thực tập sinh ở những công ty có quy mô lớn sẽ được về phép và có thể quay trở lại Nhật Bản 2 năm tiếp theo. Trong khi đó, Bộ Kinh tế - Công thương lại giữ quan điểm vẫn tiếp tục phát triển chương trình tu nghiệp sinh như hiện nay.

Theo Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản, có thể Nhật Bản sẽ thay đổi chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài cho phù hợp tình hình.

Hiện Nhật Bản vẫn ở trong tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng, phía Nhật Bản một mặt tiếp tục duy trì và phát triển các hoạt động tiếp nhận tu nghiệp sinh nước ngoài, mặt khác đẩy mạnh các cuộc đàm phán với các nước đang phát triển, đặc biệt các nước ASEAN để ký và thực thi hiệp định FTA, EPA.

Đến thời điểm hiện tại, Nhật Bản và Việt Nam đã tiến hành vòng đàm phán thứ 3 của hiệp định EPA. Theo dự kiến, việc đàm phán sẽ kết thúc và được ký kết vào cuối năm 2007.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nếu hiệp định được ký kết, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước được phép đưa lao động trong lĩnh vực y tế vào Nhật Bản làm việc.