Tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp nhà nước cao nhờ EVN, Viettel và vài công ty độc quyền
Doanh nghiệp nhà nước phải cạnh tranh trên thị trường thì tỷ suất lợi nhuận thấp
Đánh giá về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Việc điều chỉnh tiêu chí phân loại và thực hiện cổ phần hoá, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước đã giúp giảm mạnh về số lượng, từ khoảng 6.000 doanh nghiệp năm 2001 xuống còn 1.369 doanh nghiệp năm 2011 và 526 doanh nghiệp năm 2018.
Tình hình quản trị tốt hơn, tự chủ hơn, lợi ích người lao động đảm bảo, kết quả kinh doanh đa số doanh nghiệp tốt hơn trước cổ phần hoá. Mặc dù khả năng vẫn có thể hoàn thành kế hoạch số lượng cổ phần hoá đến năm 2020 nhưng chắc chắn không hoàn thành nhiều mục tiêu quan trọng như: vẫn duy trì cổ phần nhà nước mức cao, chưa rút vốn nhà nước để đầu tư vào ngành, lĩnh vực cần tới vai trò của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước. Vốn nhà nước còn hiện diện hầu hết các ngành trong nền kinh tế.
Tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước cao hơn tư nhân trong nước nhưng phụ thuộc chủ yếu vào EVN, Viettel và một vài doanh nghiệp độc quyền. Doanh nghiệp nhà nước phải cạnh tranh trên thị trường thì tỷ suất lợi nhuận thấp. Đặc biệt là các ngành như xây dựng, công nghệ chế tạo thì hiệu quả kinh doanh thấp. Chứng tỏ áp lực cạnh tranh làm bộc lộ nhiều nhược điểm của doanh nghiệp nhà nước.
Một số vấn đề khác mà CIEM chỉ ra như: Việc tổ chức thực hiện pháp luật về công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước mang tính hình thức, dẫn tới khó kiểm soát được doanh nghiệp, ít có tác dụng và ngăn ngừa, giảm thiểu hành vi xâm hại tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; làm giảm lòng tin hoặc tạo dư luận xã hội thiếu tiêu cực về tính minh bạch của doanh nghiệp nhà nước.
"Các chương trình tái cơ cấu nhìn chung đang được tiến hành chậm hơn so với yêu cầu. Cơ cấu lại đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước chưa có tiến triển về chất; vẫn thực hiện một cách hình thức hơn là triển khai các biện pháp mạnh mẽ thực chất", TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM, đánh giá.
Về giải pháp cơ cấu lại đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, CIEM đề ra loạt giải pháp trong thời gian tới như bắt buộc các doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo nguyên tắc thị trường, cạnh tranh bình đẳng và mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế. Phải sửa đổi lại tất cả các nghị định về quyền kinh doanh và các quyền khác liên quan của doanh nghiệp nhà nước, loại bỏ hết các can thiệp không thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của các bộ đối với doanh nghiệp nhà nước.
Thực hiện chế độ phá sản doanh nghiệp nhà nước như đối với các doanh nghiệp khác, trừ các doanh nghiệp công nghiệp mạng và an ninh quốc phòng.